Toggle navigation
KhởI nghiệp từ chính quê hương
20/04/2018 | 07:00 GMT+7
Chia sẻ :
Giúp cho cộng đồng phát triển chính là giúp cho bản thân và gia đình bạn - đó là chia sẻ của anh John Trần, kiều bào từ Mỹ về Việt Nam khởi nghiệp và dấn thân vào con đường phát triển nông nghiệp thông minh trên chính quê hương mình.

John Trần trong vườn rau của mình

Cơ duyên với nông nghiệp

Khi nghe tin John trở về Việt Nam để khởi nghiệp và đầu tư vào nông nghiệp, người thân và bạn bè của anh đều không khỏi ngỡ ngàng. Lý do cũng dễ hiểu, bởi John xuất thân không phải là dân nông nghiệp hay công nghệ mà là dân đầu tư tài chính. Anh hoạt động trong lĩnh vực tài chính hơn 20 năm, là người am hiểu sâu sắc về lĩnh vực này. Trước khi về Việt Nam, John từng là đồng sáng lập và điều hành công ty đầu tư độc lập về quản lý nợ, bán lẻ và thương mại điện tử. Trước đó, anh từng đảm nhiệm những vị trí quản lý cấp cao tại các tổ chức tài chính lớn của Mỹ. Từ năm 2006 đến năm 2010, John đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Cơ quan Quản lý Tài chính Hoa Kỳ cùng nhiều vị trí chủ chốt khác trong các tổ chức về tài chính tại đất nước này.

Tuy nhiên, khi có cơ hội tiếp xúc với nông nghiệp công nghệ cao, anh lại cảm thấy mình như có duyên với nó. Ngay từ những năm 2009-2010, khi còn làm việc tại Mỹ, John đã tự mày mò và đầu tư các trang thiết bị để trồng rau trong các thùng container. Lúc đó, việc đầu tư của John không nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận mà chỉ đơn thuần vì anh rất mê lĩnh vực này. Càng làm, John càng bị cuốn hút bởi phương pháp trồng rau độc đáo do chính mình sáng tạo ra.

Đến năm 2014, khi đam mê đã đủ chín, John quyết định thử thách bản thân ở lĩnh vực mới, chính là việc đầu tư toàn phần vào nông nghiệp. “Ở những thị trường tiên tiến như Mỹ hay châu Âu, phương pháp trồng rau của tôi có thể không lạ lẫm bởi người tiêu dùng bên đó họ đã được sử dụng những sản phẩm hoàn toàn an toàn và đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng. Tuy nhiên, với cách làm nông nghiệp của Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ mình có thể giúp người dân thay đổi tư duy về làm nông nghiệp và tiếp cận với các sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn tuyệt đối. Đó là lý do tôi chọn Việt Nam để khởi nghiệp trong lĩnh vực mới này”, John Trần lý giải về việc quay trở về Việt Nam định cư và đầu tư vào nông nghiệp thông minh. Và GreeOx, công ty nông nghiệp, công nghệ của anh đã ra đời, cung cấp mô hình trồng rau trong thùng container.

“Bắt tay vô làm thật mới thấy cực. Quần quật nghiên cứu, mày mò, xắn tay làm từ sáng đến tối. Quả thực rất mệt, nhưng tôi thấy vui vì đã được sống đúng với đam mê của mình”, John bày tỏ.

Một lý do nữa thôi thúc John muốn khởi nghiệp tại quê hương chính là anh muốn làm điều gì đó cho chính mình và cộng đồng, được cống hiến và dành tuổi trẻ để theo đuổi ước mơ đó. John muốn có “thương hiệu” mang dấu ấn của riêng mình, không muốn phải đi làm thuê, phải phụ thuộc vào người khác.

Nông nghiệp thông minh – hướng đi của tương lai

“Tôi muốn sản xuất được tất cả các loại rau chứ không chỉ đơn thuần hơn 100 loại như hiện nay. Hơn nữa tôi cũng muốn quảng bá để người dân và thị trường hiểu biết hơn về hình thức trồng rau này”, đó là mong muốn của John khi nói về vườn rau của mình.

Không cần đất, không cần ánh sáng mặt trời và có thể tái sử dụng nguồn nước tưới lên đến 90%, vườn rau của John Trần luôn luôn xanh tốt. Đó là bởi chúng được trồng bằng phương pháp thủy canh trong môi trường được kiểm soát hoàn toàn bằng phần mềm máy tính: từ ánh sáng, đến nước, CO2 và đương nhiên là cả chất dinh dưỡng. Không dùng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào, các loại rau ở đây có thể ăn trực tiếp với đầy đủ sự tươi ngon và an toàn. Dù nhiệt độ ngoài trời có như thế nào thì các loại rau trong nông trại của John Trần cũng sinh trưởng bình thường và không có một loại sâu bệnh nào. Sau 3-4 tuần là rau có thể thu hoạch.


Vườn rau trong container tại Quận 2, TP HCM của John Trần 

Đặc biệt hơn, vườn rau của John không cần bàn tay chăm sóc hàng ngày của con người. “Mọi việc được thực hiện tự động bằng công nghệ, thông qua hệ thống máy tính và điện thoại thông minh”, John cho biết.

Với hệ thống công nghệ được John lập trình sẵn, thông qua một máy tính kết nối internet được đặt trong thùng container, hệ thống cảm biến sẽ tự đo các thông số dinh dưỡng, nước, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… trong thùng container để đảm bảo điều kiện chăm sóc lý tưởng nhất cho rau. Đó là lý do mà việc trồng rau bằng phương pháp này không chỉ mang lại nguồn rau sạch tuyệt đối, tiết kiệm nước và nhu cầu sử dụng đất tối đa mà rau còn đạt chất lượng dinh dưỡng cao nhất.

John đã tự mày mò và tính toán cường độ ánh sáng và loại ánh sáng để phù hợp nhất với sinh trưởng của từng loại rau, đảm bảo rau quang hợp trong điều kiện lý tưởng nhất. Hệ thống cấp nước tưới tự động cũng được anh tính toán tỉ mỉ giúp tiết kiệm nước tối đa.

“Đất và nước là những loại tài nguyên hữu hạn. Đặc biệt, việc tiết kiệm nguồn nước sạch ngày càng trở thành nhu cầu bức bách trên thế giới. Nếu làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh mà không tiết kiệm được nước thì tôi cho rằng chưa đủ. Bên cạnh đó, lượng đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Đó là chưa kể rất nhiều vùng khí hậu và thổ nhưỡng khắc nghiệt, người ta không thể canh tác rau trên đất đó”, John cho hay.

Với mô hình trồng rau trong thùng container của mình, John đã cách ly được hoàn toàn ảnh hưởng, tác động của thời tiết, khí hậu, sâu bệnh, dịch hại… là những nhân tố tác động mạnh mẽ tới năng suất nông nghiệp truyền thống. Dù ngoài trời có nắng gắt hay mưa tuyết, lụt bão, vườn rau của John cũng không hề bị ảnh hưởng. Một yếu tố vô cùng quan trọng khác, vườn rau này hoàn toàn có thể di động đến bất cứ địa điểm nào con người muốn.

Tuy nhiên, với chi phí đầu tư không hề rẻ cho việc trang bị thùng container lạnh, các vật dụng và thiết bị công nghệ phục vụ cho hoạt động trồng và chăm sóc, John cho biết, giá thành rau trồng bằng phương pháp này cao hơn khoảng gấp đôi so với trồng nông nghiệp hữu cơ truyền thống. Tuy nhiên, John cho biết, khi hoạt động sản xuất đã trở nên đại trà với số lượng lớn, mọi chi phí sẽ dần giảm đi và đưa giá rau trở lại tương đương với các loại rau khác trên thị trường.

Sản phẩm rau của John hiện đã có mặt trên thị trường từ khoảng 1 năm nay, phân phối chủ yếu trong các hệ thống An Nam, Coop Extra… và bước đầu được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên điều anh trăn trở nhất chính là chuyển giao công nghệ, anh mong muốn thị trường đón nhận công nghệ trồng rau của mình như một bước phát triển mới để đảm bảo được nguồn nguyên liệu sạch khi nạn dịch thực phẩm bẩn, rau mất an toàn đang tràn lan hiện nay tại Việt Nam.

Đó cũng là lý do có nhiều quỹ đầu tư đến đặt vấn đề hợp tác, nhưng John chưa sẵn sàng. Anh muốn tìm người hợp tác có chung ý tưởng về chuyển giao công nghệ trồng rau chứ không phải sở hữu công nghệ rồi kiểm soát nó và chỉ bán sản phẩm rau ra thị trường.

Anh hy vọng với đam mê của mình sẽ nhận được sự quan tâm của người dân, các tổ chức có thể tiếp cận được mô hình nông nghiệp công nghệ cao của mình và giúp cho anh lan truyền sứ mệnh mang lại lợi ích xanh sạch cho cộng đồng, đặc biệt là khi những người dân sinh sống làm việc tại các thành phố lớn đang đối mặt với những nguy hại từ nguồn rau quả tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hằng ngày.

Theo Thu Anh
Quehuongonline.vn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com