Toggle navigation
Dự án FLC Quảng Ngãi: Phía sau công văn thần tốc là gì?
06/05/2018 | 12:15 GMT+7
Chia sẻ :
Dư luận cảm giác có gì đó không bình thường phía sau chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến dự án của Tập đoàn FLC tại địa phương này.


Làng chài An Cường, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn) thanh bình dự kiến giải tỏa tái định cư đến nơi ở mới nhường đất cho FLC làm khu du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh Zing

Dự án thần tốc

Dư luận những ngày qua xôn xao với những chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ban, ngành trong tỉnh cùng huyện Bình Sơn nghiên cứu, tham mưu để trình Thủ tướng xem xét điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất, nhằm triển khai giai đoạn 2 của dự án FLC Bình Châu - Lý Sơn.

Đáng chú ý, dự án này từ ý tưởng đến khi có phương án quy hoạch diễn ra sau hơn 2 tháng. Để có được tốc độ “thần tốc” đó UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành một loạt công văn hỏa tốc.

Cụ thể, cuối tháng 2/2018 Tập đoàn FLC có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi, giới thiệu địa điểm để đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại địa phương này. Ngày 2/3 UBND tỉnh Quảng Ngãi làm việc với Tập đoàn FLC.

Ngày 5/3 UBND tỉnh Quảng Ngãi ra công văn số 1110 yêu cầu sở ban ngành nghiên cứu, khảo sát đề án của Tập đoàn FLC tại Quảng Ngãi. Ngay sau đó ra công văn số 1144 về việc đón tiếp Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Ngày 9/3 ra công văn hỏa tốc số 69 thông báo thống nhất đề xuất của Tập đoàn FLC. Tiếp đó ban hành công văn số 406 thành lập tổ công tác liên ngành giúp UBND tỉnh hỗ trợ Tập đoàn FLC thực hiện dự án.

Đến ngày 29/3, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra công văn số 1649 về việc tham mưu, phê duyệt phương án bồi thường. Ngày 30/3 ra công văn số 1679 về việc tham mưu báo cáo Ban thường vụ tỉnh ủy cho ý kiến đối với dự án của FLC.

Ông Trần Ngọc Căng (trái), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trịnh Văn Quyết (giữa) chủ tịch tập đoàn FLC và ông Lê Viết Chữ (phải), bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, trong buổi làm việc ngày 8-3 xúc tiến quy hoạch dự án - Ảnh: TRẦN MAI

Ngày 5/4 ra tiếp công văn số 1784 về việc phê duyệt phương án bồi thường và giải phóng mặt bằng.

Ngày 18/4 ra công văn hỏa tốc số 114 thông báo phương án quy hoạch giai đoạn 1 của dự án.

Càng đáng nói hơn trong một số công văn, UBND tỉnh Quảng Ngãi luôn "yêu cầu cả hệ thống chính trị quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn vướng mắc".

Cả hệ thống chính trị được hiểu đơn giản bảo các tổ chức chính trị trong xã hội trong đó có tổ chức đảng, cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh….

Vậy vì sao một dự án đầu tư bình thường nhưng UBND tỉnhQuảng Ngại phải yêu cầu cả “hệ thống chính trị” đồng hành cùng doanh nghiệp?

Nhiều tiếng nói phản biện

Sáng 27/4, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi có buổi tiếp xúc cử tri tại ba xã Bình Châu, Bình Phú, Bình Hòa (huyện Bình Sơn). Tại đây, hàng loạt ý kiến tập trung vào dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu - Lý Sơn đang xôn xao dư luận.

Đại tá Bùi Minh Hải (nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi) bày tỏ sự ngỡ ngàng trước những chỉ đạo hỏa tốc của UBND tỉnh Quảng Ngãi, khi chỉ từ tháng 3/2018, có hai cuộc họp mà quyết định cho Công ty CP Tập đoàn FLC triển khai dự án.

“Công trình của FLC làm đem lại phúc lợi gì cho người dân? Gần 4.000 ha đất giao cho FLC thì có xứng đáng không?”, ông Hải phát biểu.

Theo ông Hải, trong một thời gian rất ngắn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định khởi công vào hạ tuần tháng 5.

“Khởi công trên cơ sở khoa học nào. Đến nay còn một tháng nữa mà di dời dân thì có khả năng không?. Tỉnh nghèo như chúng ta khi xây dựng cơ sở vật chất xã hội còn thiếu vốn mà Chủ tịch tỉnh hứa sẽ ứng 500 tỉ để nhà đầu tư giải phóng mặt bằng. Vậy thì điều này có đúng quan điểm phục vụ nhân dân không, hay phục vụ cho FLC?”, ông Hải nêu câu hỏi.

Vị trí triển khai dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu- Lý Sơn.

Vị Đại tá này cho hay nhân dân đã sống ở đây (ven biển huyện Bình Sơn – PV) bao nhiêu năm, giờ cuộc sống đảo lộn, mà Chủ tịch tỉnh nói rằng 8km mới làm một đường xuống biển.

“Nhân dân ba xã mà các đồng chí chỉ chừa một đường ra biển, chẳng khác gì là dồn dân như hồi xưa. Tôi không hiểu đồng chí Chủ tịch tỉnh ở trên trời rơi xuống hay ở đâu”, ông Hải bức xúc.

Đánh giá việc làm của UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến trúc sư Hồ Duy Diệm - Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam cho rằng những việc làm của chính quyền Quảng Ngãi thời gian qua đang vi phạm về an ninh quốc phòng do việc di dời đồn biên phòng Bình Hải và Luật Bảo vệ môi trường biển và hải đảo 2015.

Theo ông Diệm, khi địa phương muốn giao trên 50 ha đất ven biển, hải đảo cho DN  thì phải trình Thủ tướng Chính phủ. Sau đó Thủ tướng phải trình Quốc hội xem xét, quyết định. “Quảng Ngãi cần nghiên cứu làm thế nào đừng vi phạm luật này” - ông Diệm nói.

Ngoài ra, ông Diệm cảnh báo dự án có thể vi phạm Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường biển và hải đảo 2015. Khoản 1 Điều 79 luật này quy định: “Kể từ thời điểm luật này được công bố, giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ TN&MT cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập theo quy định”.

Theo Hoàng Lâm
Tạp chí SHTT
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com