Toggle navigation
5 tỷ USD ngân sách lãng phí mỗi năm: Do tham nhũng, đầu tư không hiệu quả
13/05/2018 | 03:01 GMT+7
Chia sẻ :
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI lãng phí ngân sách do tham nhũng lấy của công làm của tư và đầu tư lãng phí, không hiệu quả.


Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: TPO

Tại hội thảo sửa đổi bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nêu thống kê: Mỗi năm Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi, xử lý vi phạm 2 tỷ USD, trong khi Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị xử lý vi phạm lên tới 3 tỷ USD.

Như vậy đã có tổng cộng 5 tỷ USD ngân sách sử dụng không đúng mục đích, trong khi ngân sách quốc gia mỗi năm có khoảng 50 tỷ USD.

Ông Thanh cho rằng, người đứng đầu phải hướng đến văn hóa từ chức, nếu kết luận kiểm toán chỉ ra vi phạm nghiêm trọng ở đơn vị đó. Đề cập đến chế tài đối với hành vi vi phạm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh dẫn chứng: Riêng 2017 đã có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu, dẫn tới không thể kiểm toán được nội dung theo kế hoạch. Nhiều trường hợp còn chậm cung cấp tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.

Thực tế số lượng kiến nghị kiểm toán không được các đơn vị thực hiện còn cao, gây thất thu ngân sách nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên liên quan đến con số 5 tỷ USD ngân sách sử dụng không đúng mục đích, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng con số trên chưa đầy đủ, chưa chính xác.

“Khi nói câu chuyện lãng phí ngân sách, theo tôi có hai nguyên nhân: Thứ nhất, do tham nhũng lấy của công làm của tư; Thứ hai đầu tư lãng phí, không hiệu quả. Cả hai nguyên nhân trên xuất phát từ quả lý kém hiệu quả”, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI lãng phí ngân sách do tham nhũng lấy của công làm của tư và đầu tư lãng phí, không hiệu quả.

Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2017 do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) vừa công bố xét trên thang điểm từ 0 -100 của CPI, tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn bị coi là rất nghiêm trọng.

Còn theo công bố năm 2016 của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), tỉ lệ người dân cho biết họ phải chi "lót tay" cho công chức để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục tăng lên. Ngoài ra, hiện trạng vòi vĩnh trong khu vực công ngày càng phổ biến.

Theo đó, mỗi người dân đều trải nghiệm vấn đề tham nhũng ở khu vực công khi đến cơ quan hành chính, khi vào bệnh viện hay trường học.

Đáng lo ngại là hiện nay, quyền đang nằm trong tay cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ công chức. Vấn đề "cho hay không cho", phân bổ nguồn lực đang bị chi phối bởi thực trạng "bôi trơn".

Dẫn chứng những vụ án tham nhũng gây thất thoát tài sản, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, trong 10 năm, số thiệt hại do tham nhũng là hơn 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất, nhưng chỉ thu hồi được 4.676 tỷ đồng và 216 ha đất, xấp xỉ 10%.

Theo ông Hải nghiêm trọng nhất trong vấn đề tham nhũng là sau khi đối tượng sai phạm bị xử lý việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp khó khăn. Cuối cùng dẫn đến số tiền mất do tham nhũng từ ngân sách không được thu hồi.

Cùng với tham nhũng đầu tư không hiệu quả cũng gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước. Dẫn chứng theo ông Hải cho biết 12 dự án yếu kém ngành Công Thương dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Huy Hoàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Ngân sách oằn mình do tham nhũng, lãng phí. Ảnh minh họa

Báo cáo về nội dung nói trên, Bộ Công Thương cho biết, tại thời điểm 31/12/2016, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43.673,63 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó, vốn chủ sở hữu là 14.350,04 tỷ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay là 47.451,24 tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.

Trong tổng số vốn vay thì vốn vay các ngân hàng trong nước là 41.801,24 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 16.858,63 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.617,24 tỷ đồng. Bao gồm các khoản nợ của 3 dự án: Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất là 84,83 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình là 250 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam là 67,017 triệu Euro (các ngoại tệ này được quy đổi sang Việt Nam đồng theo tỷ giá tại các thời điểm vay).

Với 12 dự án thua lỗ yếu kém đều là doanh nghiệp nhà nước nên số nợ, thua lỗ nhà nước phải gánh. Thực tế này ông Hải cho rằng, con số 5 tỷ USD mỗi năm chưa đầy đủ.

Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, đã chỉ ra một loạt sai phạm khiến chi ngân sách vượt 88.525 tỉ đồng.

Theo báo cáo, dự toán chi được Quốc hội quyết định là 1.177.100 tỉ đồng trong khi con số quyết toán là 1.265.625 tỉ đồng.

Sai sót xảy ra ở nhiều bộ ngành, địa phương trong chi đầu tư và chi thường xuyên. Cụ thể, trong chi đầu tư, dự toán 225.000 tỉ đồng, quyết toán 308.853 tỷ đồng, tăng 83.853 tỉ đồng so với dự toán.

Kiểm toán nhà nước nhận định trong công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán thì hồ sơ khảo sát của nhiều dự án còn chưa đầy đủ, thiếu chính xác.

Hồ sơ thiết kế không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình thiết kế, dự toán được thẩm tra, thẩm định nhưng khi phê duyệt vẫn còn sai sót.

Qua kiểm toán 46 dự án nhóm A, Kiểm toán nhà nước phát hiện có những trường hợp cá biệt: tổng giá trị dự toán vượt tổng mức đầu tư nhưng vẫn được duyệt. Đó là tổng mức đầu tư Dự án xây dựng Trụ sở mới Bộ Ngoại giao vượt tổng giá trị dự toán tới 1.940 tỷ đồng.

Theo Hoàng Tiến
Tạp chí SHTT
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com