Theo thông báo từ Cơ quan không gian vũ trụ châu Âu, hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Galileo đã gặp sự cố và phải tạm ngừng hoạt động.
Galileo là hệ thống định vị toàn cầu của châu Âu, độc lập với hệ thống định vị GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Beidou/Compass của Trung Quốc.
Hệ thống định vị toàn cầu Galileo. (Ảnh: express.co.uk).
Nhờ có hệ thống Galileo mà những người lái xe, người sử dụng điện thoại di động, các dịch vụ cứu hộ hay nhiều dịch vụ khác có thể dễ dàng sử dụng cơ sở dữ liệu định vị toàn cầu một cách thuận tiện.
Theo thông báo từ trang web “InsideGNSS”, một số trục trặc của hệ thống Galileo bắt đầu xuất hiện từ ngày 11/7. Một sự cố kỹ thuật từ trạm điều khiển mặt đất đặt tại Italy là nguyên nhân dẫn đến việc hệ thống định vị quan trọng này tạm ngừng hoạt động. Đến sáng sớm 15/7, sự cố đã được khắc phục.
Hệ thống định vị Galileo được liên minh châu Âu (EU) phát triển từ đầu những năm 2000. Hệ thống này được thiết kế gồm 30 vệ tinh, trong đó 27 vệ tinh hoạt động liên tục bao phủ toàn bộ tín hiệu trên Trái Đất. Đến tháng 12/2018, Ủy ban châu Âu cuối cùng đã đưa vào sử dụng các dịch vụ đầu tiên của hệ thống này sau nhiều năm xây dựng và thử nghiệm.
Dự án này liên tục vấp phải nhiều chỉ trích, nhất là vấn đề chi phí tăng cao và bị trì hoãn trong nhiều năm. Đầu năm 2017, hệ thống này cũng đã gặp phải sự cố lớn khi xuất hiện lỗi kỹ thuật trên nhiều vệ tinh của hệ thống.
Sau một năm chính thức vận hành, hệ thống đã có khoảng 100 triệu người sử dụng, chủ yếu là sử dụng điện thoại thông minh để định vị. Ưu điểm nổi bật của hệ thống Galileo là định vị chính xác tới 30cm, so với khoảng 5m của hệ thống định vị GPS.
Theo TTXVN - Báo Tin Tức