Trang Nikkei nhận định Việt Nam đang trên đà phục hồi tích cực sau dịch Covid-19. Khách nước ngoài dễ dàng đến Việt Nam nhờ những chính sách nhập cảnh thông thoáng.
Theo thống kê trong Chỉ số phục hồi Covid-19 (Covid-19 Recovery Index) của Nikkei, trong tháng 5, Việt Nam đã nỗ lực nới lỏng các quy định phòng ngừa đồng thời giữ cho lây nhiễm ở mức thấp.
Chỉ số phục hồi Covid-19 đánh giá các quốc gia và vùng lãnh thổ trong việc ứng phó với lây nhiễm, triển khai tiêm vaccine Covid-19 và tính di chuyển trong xã hội.
Xếp hạng càng cao, quốc gia và vùng lãnh thổ đó càng gần với khả năng phục hồi. Đặc trưng của chỉ số này là tỷ lệ lây nhiễm, tử vong thấp, mức độ tiêm chủng tốt, các hạn chế di chuyển dần được tháo gỡ.
Du khách tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: AFP.
Việt Nam cởi mở với du khách nước ngoài
Năm 2021, Việt Nam và Philippines đều ở vị trí cuối trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi Covid-19. Tuy nhiên, theo dữ liệu của tháng 5, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14.
Sự cải thiện rõ ràng nhất là việc gỡ bỏ giãn cách xã hội, Việt Nam cho phép học sinh, sinh viên trở lại trường học và doanh nghiệp mở cửa trở lại.
Theo đánh giá của Nikkei, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài.
Cây viết Lien Hoang của Nikkei chia sẻ việc nhập cảnh vào Việt Nam ngày càng dễ dàng hơn. Người này tới Việt Nam từ California (Mỹ) trong tháng 5, mang theo giấy chứng nhận tiêm vaccine, xét nghiệm PCR âm tính và cài đặt ứng dụng truy vết trên điện thoại.
Khách nước ngoài trở lại phố đường tàu Hà Nội. Ảnh: Hải Nam.
"Nhân viên xuất nhập cảnh tại sân bay không xem bất kỳ giấy tờ nào kể trên mà chỉ yêu cầu tôi tháo khẩu trang xuống trong giây lát để xác minh danh tính. Tổng thời gian kiểm soát hộ chiếu chưa đầy một phút, giống như mọi chuyến bay khác mà tôi đến Việt Nam trước dịch Covid-19", Lien Hoang nói.
Trang Nikkei nhận định việc Việt Nam ngừng yêu cầu kết quả xét nghiệm khi nhập cảnh vào ngày 15/5 đã đánh dấu bước tiến trong nới lỏng các biện pháp ngăn ngừa Covid-19. Sự thay đổi chính sách này mang lại tín hiệu tốt cho khách du lịch, các nhà quản lý chuỗi cung ứng và các bên khác dựa vào luồng giao thông thông suốt.
"Điều đó có nghĩa du khách thoải mái đến Việt Nam như trước dịch Covid-19. Đây là thành quả mà ít quốc gia châu Á đạt được", cây viết của Nikkei bày tỏ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với hơn 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ và 60% được tiêm liều nhắc lại, Việt Nam nhận được 27/30 điểm về khả năng tiêm chủng.
Du lịch châu Á hồi phục tốt
Tương tự Việt Nam, Philippines nhảy 40 bậc trong bảng xếp hạng, đạt thứ hạng 33 nhờ số ca lây nhiễm Covid-19 giảm dưới 200 ca trong tuần qua, không có ca tử vong được ghi nhận.
Từ tháng 2, quốc gia Đông Nam Á này đã mở cửa cho du khách quốc tế đã tiêm vaccine đầy đủ. Trong tuần qua, Philippines cũng ngừng yêu cầu du khách nước ngoài đã tiêm liều nhắc lại phải trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính khi nhập cảnh.
Theo bảng xếp hạng của Nikkei, Campuchia và Hàn Quốc dẫn đầu các quốc gia châu Á khi ở vị trí thứ 2 và thứ 8. Hai quốc gia này đều đang hướng tới việc sống chung với dịch bệnh và có độ phủ vaccine cao.
Trong danh sách này, Trung Quốc tăng một bậc lên hạng 93. Điểm số về việc đi lại trong nước của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất - 4,5/30 - do nước này vẫn đang triển khai các biện pháp giãn cách để ngăn chặn bùng phát dịch Covid-19.
Số liệu mới nhất cho thấy lượng hành khách vận chuyển công cộng tại 36 thành phố lớn ở Trung Quốc đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo các chuyên gia của Economist Intelligence Unit (EIU), chính sách "Zero Covid-19" của Trung Quốc khó có thể kết thúc trong năm nay. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc sẽ vẫn đóng cửa biên giới trong thời gian tới, khiến sự phục hồi của ngành du lịch toàn cầu nói chung và châu Á nói riêng đình trệ.
Dù vậy, Trung Quốc có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi du lịch năm 2023. "Chúng tôi mong đợi Trung Quốc sẽ dần mở cửa du lịch quốc tế sau quý đầu tiên của năm 2023, giúp duy trì động lực của lượng khách quốc tế toàn cầu ngay cả khi nhu cầu của phương Tây bắt đầu giảm", nhà phân tích Ejaz Ahmed của EIU nêu trong hội thảo ngày 1/6.
Theo Bích Phương
Zing