Thái Lan vừa lên ngôi vương bóng đá giải AFF Cup 2020 đầy thuyết phục. Trong 13 lần tổ chức, người Thái vô địch 6 lần, Singapore 4 lần, Việt Nam 2 lần và Malaysia 1 lần. Trong 31 lần Seagame, bóng đá Thái vô dịch 16 lần, Malaysia 6 lần, Myanmar 5 lần, Indonesia và Việt Nam 2 lần (Việt Nam vô dịch lần đầu 1959 và lần gần nhất 2019).
Nông nghiệp Thái cũng luôn dẫn đầu; từ lúa gạo đến trái cây. Trong 13 lần cuộc thỉ "Gạo ngon nhất thế giới" (World' Best Rice), gạo Thái vô dịch 7 lần, Campuchia 4 lần, Mỹ 2 lần, Việt Nam và Myanmar 1 lần (có 2 năm đồng giải nhất).
Du lịch Thái Lan càng đẳng cấp. Theo UNWTO (World Tourism Organization), năm 2019; Thái Lan đón 39,8 triệu khách quốc tế (xếp thứ 8 thế giới); doanh thu du lịch đạt 60,5 tỉ usd (xếp thứ 4 thế giới). Ngược lại, Trung Quốc đón 65,7 triệu lượt khách (xếp thứ 4 thế giới) nhưng doanh thu chỉ 40,1 tỉ usd (xếp thứ 10 thế giới).
Tôi nhận thấy người Thái Lan là bậc thầy về các dịch vụ du lịch, đặc biệt là nghệ thuật để du khách chi tiêu.
Có một ngộ nhận rằng một số người cứ nghĩ người Thái là nghĩ đến mua sắm (shopping), thậm chí công nghệ đèn đỏ.
Nhưng ta phải nói họ làm gì cũng giỏi một cách chuyên nghiệp. Khách đến Thái Lan là của người Thái, tất cả được đón chào niềm nở, thân thiện. Không có việc tranh giành khách, "đốt phong long", "quân ta chơi quân mình"…
Chỉ riêng khách Trung Quốc, dù cách xa, nhưng người Thái đón hơn 10 triệu, không thấy họ phàn nàn gì. Có thời điểm khách Trung Quốc đến Thái chẳng những 0 đồng mà còn được cho thêm tiền. Việt Nam có chung biên giới gần 1.500km với hàng chục cửa khẩu quốc tế, năm 2019; đón 5,8 triệu khách Trung Quốc và kêu ca đủ thứ.
Ngoài công nghệ sextour, giải trí và shopping cực đỉnh, người Thái làm du lịch nông thôn - nông nghiệp bài bản đến kinh ngạc.
Từ chợ nổi - đom đóm đến outdoor training
Du khách Việt đến Thái mê mẩn với các trò xiếc voi, các safari, khu nuôi rắn, ong mật, bướm, cá sấu…Những năm 1990 vào các cửa hàng là được đon đả mời "Ăn thử, ăn thử", uống nước mát, ngồi máy lạnh. Cứ tưởng nhân viên biết tiếng Việt. Ai dè, họ chỉ biết vài từ như "ăn thử". Giờ thì bất cứ dịch vụ nào, có khách Việt là có nhân viên nói tiếng Việt, sành hơn cả người Việt.
Tuyệt nhiên không thấy "cơm tù, quán tội". Họ chi hoa hồng cao nhưng đảm bảo chất lượng, không lừa khách như Trung Quốc. Khách vào cửa hàng đều có dán stick hoặc đeo thẻ, để tính doanh thu và hoa hồng minh bạch. Các công ty lữ hành có hợp đồng, được chiết khấu cao, khách không thể mua trực tiếp. Nhiều điểm còn được đưa vào chương trình tour bắt buộc.
Chợ nổi Thái, toàn nhân tạo; nổi, chỉ làm nền, chủ yếu chung quanh bờ như nét văn hóa, phục vụ dân bản địa lẫn du khách. Không có chợ nổi tư nhiên như Việt Nam. Các bờ kênh mương láng o, mọi thứ đều không thật. Bù lại, dịch vụ và hàng hóa đáp ứng nhu cầu, tinh thần và thái độ phục vụ không chê vào đâu được. Chợ thường hoạt động từ xế chiều đến tối.
Cảnh một phiên chợ nổi Damnoen Saduak vào ngày 26 tháng 7 năm 2020 ở tỉnh Ratchaburi, Thái Lan
Ở ngã ba, đường vào thị trấn Amphawa (huyện cùng tên, tỉnh Samut Songkhram, cách Bangkok khoảng 90km) có tượng đài đom đóm, biểu tượng sản phẩm du lịch đặc thù địa phương. Tượng cao chừng 2m cả bệ, nhỏ nhưng sống động. Thị trấn có nhiều rạch nhỏ, khá giống Tây Nam bộ. Chập tối, du khách từ chợ nổi cách đó không xa, đổ về xem đom đóm.
Khách ngồi trên thuyền, lướt nhẹ và êm ru vào rạch. Cơ man đom đóm, cứ lập lòe như ma trơi, kết thành nhiều hình thù ngộ nghĩnh, ma quái. Chúng kết thành đàn, đu bám, chuyền cành trên mấy cây bần, cây mắm; không cần biết gần trăm du khách đang lặng lẽ chiêm ngắm, tìm hiểu. Trước đó, hướng dẫn viên đã giới thiệu nhiều thông tin thú vị về loài bọ phát sáng, dặn mọi người thoa kem chống muỗi, giữ im lặng và không chụp hình bằng đèn flash.
Người Thái Lan là bậc thầy về huấn luyện dã ngoại danh cho các Team Leader, Team Work. Tôi đã bị hớp hồn và đưa toàn bộ nhân viên công ty tham gia, cử CEO qua ở hẳn một tuần để học hỏi tại Trung tâm Huấn luyện Hoàng gia Thái, gần sân bay Don Muong. Trại trường huấn luyện là khu rừng dương rộng khoảng 5ha, bên cạnh có resort 4 sao và khu lưu trú tập thể cao cấp. Có khu trò chơi cảm giác mạnh cho du khách đại trà.
Trại trường được thiết kế đơn giản, sáng tạo với vật liệu và vật dụng tự nhiên. Hầu như không dùng bê tông, cọc thép. Mỗi trò có khu vực riêng, cách biệt để người chơi không bị phân tâm. Từ "Chiếc thảm kỳ diệu", "Lưới nhện zic zac" đến "Cầu khỉ chữ V lệch" (trên bờ và dưới nước), "Ngã người buông mình xuống lưới"…và cả những khởi động độc đáo.
Đi cầu khỉ độ cao 7 mét
Ấn tượng nhất là trò "Cầu khi trên không" ở độ cao 7 mét, không có tay vịn. Thoạt nhìn ai cũng sơ, không dám thử và không ai nghĩ có thể vượt qua. Khi chơi, phải đi qua cầu dài 9m, dán tên mình tên trụ, quay lại giữa cầu, nhảy xuống đất. Sau mỗi trò chơi là những bài học lý thú, nhớ đời, từ thất bại đến thành công, không cần lên lớp. Hễ có 2 người trở lên là phải có leader…
Bài học rút ra từ trò chơi "Cầu khỉ trên không" là - Có những thời khắc phải tập trung nỗ lực để vượt qua thử thách vì sai lầm là sạt nghiệp, trắng tay - Chưa làm thì không nói "Chắc làm không được" - Bạn làm được, ta tại sao không? - Mình giỏi hơn mình tưởng. - Tự tin, tập trung vào mục đích cuối cùng - Vạn sự khởi đầu nan…
Một buổi học như vậy bằng mấy tháng tập huấn lý thuyết hoặc lên lớp nói chay.
Từ nước bông dừa đến than hoạt tính trái cây 'điếc'
Gần đây, báo chí viết nhiều về chuyện vợ chồng một thạc sĩ nông nghiệp ở Tây Nam bộ nghiên cứu làm mật bông dừa, giá bán rất đắt, cứ như sáng kiến tầm cỡ. Những năm làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia (1979 - 1983), được người dân Khmer đãi nhiều món lạ, từ trái đến nước bông thốt nốt. Nước qua đêm, uống buổi sáng thơm ngon mát lạnh như ướp đá.
Bỏ thêm chút rễ cây thay men, thành "Tuc Thnot chu" (nước thốt nốt chua), thức uống lên men, hơi nhẫn đắng, du khách gọi là "Bia Pochentong" (tên sân bay quốc tế Phnom Penh). Nấu cô lại thành mật (đường chảy), đặc hơn thì đổ vào khuôn thành đường. Cây Thốt nốt có nhiều ở các nước Asean và một số nước châu Á; trái để ăn chơi, chỉ Campuchia biết tận dụng thành công nghiệp chế biến phục vụ du lịch. Gần đây có thêm đường cát thốt nốt.
Các lão nông Campuchia cho biết, cây dừa cũng có thể lấy nước, đa dụng như thốt nốt. Tôi tin nhưng hơi ngờ. Về Việt Nam, dò khỏi khắp nơi vẫn không ai biết. Mãi đến 2006, trong chuyến Famtrip khảo sát về du lịch nông nghiệp do TAT (Tổng cục Du lịch Thái Lan) tại Sài Gòn tổ chức, mới được mục sở thị, mừng hơn trúng số.
Kỹ thuật lấy nước từ bông dừa cũng đơn giản như lấy nước từ bông thốt nốt, ai cũng làm được. Chọn loại dừa thấp, đỡ làm thang dài và mất công trèo. Các bông dừa được bó chặt lại, lấy dao vạt đầu một chút để kích thích. Để các ông bương tre (hoặc chai pet nhựa) ngay sát bông dừa. Nước từ bông sẽ tí tách cả ngày lẫn đêm chảy vào ống.
Tác giả kiểm tra nước bông dừa ở Thái Lan
Sáng sớm và chiều, chủ nhân sẽ leo lên mang ống chứa nước dừa xuống. Uống tươi hoặc ướp lạnh, không dùng chung với đá vì sẽ nhạt vị, mất mùi. Để ngoài, nước sẽ lên ga, bị chua sau 6 giờ. Cho thêm men hoặc rễ cây làm rượu nhẹ. Nấu cô thành đường chảy (Việt Nam gọi là mật). Cô đặc hơn, đổ vào khuôn làm bằng lá dừa hoặc chung nhỏ, thành đường dừa, bán cho du khách.
Tôi đã leo lên ngọn dừa, le lưỡi nếm thử nước đạng giọt xuống từ bông để tin chắc không bị pha trộn. Du khách được trải nghiệm, tìm hiểu về cây dừa, leo thang lên lấy ống, uống trực tiếp, nấu và đổ khuôn đường, mua sản phẩm do mình tự làm.
Ai cũng thích thú và khệ nệ với đặc sản chỉ Thái Lan mới có. Lấy nước từ bông thì dừa không ra trái nhưng lợi tức thu về gấp đôi, gấp ba. Cũng giống đường thốt nốt, đường dừa nguyên chất không chất bảo quản, để ngoài chừng năm bữa là chảy nước. Phải để ngăn mát tủ lạnh hoặc trong hủ gạo để dùng dần.
Các hộ nông dân còn chia nhau làm các loại mứt thực dưỡng từ khế rừng (còn gọi là khế tàu), khế nhà, vỏ bưởi, vỏ cam, vỏ chanh…Họ mời tôi nếm thử đoạn thân dây xù xì, bằng ngón tay cái, đắng quắt lưỡi, được làm thành mứt chữa bệnh. Mấy năm sau, có dịp vào rừng Lộc An (Bà Rịa Vũng Tàu) mới hay đó là cây thần thông, còn gọi là ký ninh.
Ngỡ ngàng nhất là cách nông dân Thái gom trái cây điếc (loại trái cây bỏ đi, lền khên ở quê Việt) thành than hoạt tính để khử mùi và đuổi con trùng trong các resort cao cấp. Lò làm thủ công bằng đất sét hoặc xi măng và thùng phuy. Mỗi mẻ chừng vài chục ký, đốt bằng củi hoặc trấu. Độ nóng ổn định và thời lượng tùy từng loại trái hay hoa. Sản phẩm là than, vẫn vẹn nguyên hình dạng ban đầu. Bao bì là bịch ni lông hoặc hộp nhưa cao cấp, tùy loại; bỏ tủ lạnh, góc phòng, nhà bếp, tủ quần áo…
Ngạc nhiên hơn cả, từ hướng dẫn cách làm lò than, vận hành, kiểm tra chất lượng, bao tiêu sản phầm đầu ra đều do Tổng cục Du lịch Thái đảm nhận. Ở Thái Lan, Bộ Du lịch là cơ quan tham mưu. Tổng cục Du lịch trực thuộc Thủ tướng, xây dựng chiến lược phát triển, thương hiệu quốc gia, qui hoạch từng vùng, bổ nhiệm và trả lương cho cấp dưới trong hệ thống; có văn phòng đại diện tại 24 quốc gia trên thế giới.
Ông Somsong Sang Tawan là hộ nông dân tiêu biểu làm du lịch công đồng nông thôn gắn với nông nghiệp. Ngoài thưởng thức các sản phẩm từ nước bông dừa, trải nghiệm từ A - Z, ông còn có homestay, nhà ăn, hướng dẫn du khách chế biến các món ngon, sạch, lạ của người Thái từ cây nhà lá vườn.
Nối kết các hộ nông dân vệ tinh làm ra sản phẩm OCOP là các Homestay (phải gọi là Gardenstay hoặc Villagestay) của du lịch cộng đồng. Ở Thái, dịch vụ lưu trú đơn điệu nhưng tính cộng đồng thể hiện rõ từ cách chia việc từng hộ gia đình trong chuỗi cung ứng dịch vụ khép kín, thành những sản phẩm đặc trưng vùng miền.
Ở Việt Nam dịch vụ lưu trú du lịch cộng đồng nhiều nới ăn đứt người Thái nhưng thiếu sự kết nối, tính cộng đồng kém. Các hộ gia đình thường khép kín dịch vụ nên không có sản phẩm đặc thù để khách lưu trú dài hạn. Người Thái họ phải tự tạo ra tiềm năng và sản phẩm. Ngược lại, người Việt có thừa tiềm năng nhưng chưa biết tận dụng, đặc biệt là du lịch nông thôn.
Chợ nổi Việt Nam tự nhiên nhưng đang chìm dần vì tầm nhìn lẫn tư duy quản lý. Tour đom đóm Vĩnh Long và Tiền Giang đã làm nhưng chết yểu vì thiếu sự liên kết. Mỗi mình đom đóm khó có thể thành sản phẩm bền vững.
Một phiên chợ nổi ở Cần Thơ, Việt Nam
Tôi đã mời Wichai, giám đốc Trung tâm Huấn luyện Hoàng gia Thái cùng chuyên gia từ Mỹ đến Madagui, Dambri, hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng); Cần Giờ (TPHCM); Xẻo Quít, Gáo Giồng (Đồng Tháp)… khảo sát dự án Viet Training Center. Họ rất thích thú và hết lòng ủng hộ, sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ, thậm chí làm giám đốc kỹ thuật nhưng vì nhiều lý do trời ơi, dự án vẫn là ý tưởng.
Du lịch Việt Nam chưa dám mơ đuổi kịp người Thái nhưng mảng du lịch nông thôn - nông nghiệp hoàn toàn có thể vượt người Thái, nếu biết tận dụng chất xám chuyên gia tư vấn thực tiễn, các hộ nông dân biết liên kết tạo ra sản phẩm. Khi mới hội nhập, tại Seagame 15 - 1989, Việt Nam xếp hạng 7/10 nước (chưa có Timor Leste).
Seagame hiện nay, Việt Nam cạnh tranh ngang ngửa vị trí đầu bảng. Bóng đá Việt Nam từng coi Thái Lan là ông kẹ khu vực, nay vươn lên đối đầu sòng phẳng, tự tin. Thể thao đã làm được, cớ gì du lịch không thể, khi cùng chung bộ chủ quản, đặc biệt là du lịch nông thôn nông nghiệp.
Bài viết thể hiện quan điểm, ý kiến của giảng viên ngành du lịch Nguyễn Văn Mỹ của một số trường đại học. Ông cũng hoạt động trong ngành du lịch tại VN.
Theo Nguyễn Văn Mỹ
Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn