Tại phiên xét xử chiều 16/1, hội đồng xét xử đã đề nghị bà Bùi Thu Hằng - Phó giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, trả lời các câu hỏi của HĐXX, viện kiểm sát và các luật sư.
Bác sĩ Lương không sai về qui trình
Bắt đầu phiên xét hỏi, Luật sư Trần Hồng Phúc viện dẫn văn bản trả lời của Sở Y tế Hoà Bình, Luật sư Phúc cho hay, Sở y tế xác định bác sĩ Lương không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước RO, việc ra y lệnh của Lương là đúng, việc xác nhận của Lương vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại cũng đúng. Về vấn đề này bà Hằng cho rằng, việc phân công nhiệm vụ xin của bác sĩ Lương bà không biết nên đề nghị luật sư hỏi đại diện Bệnh viện đa khoa Hoà Bình.
Theo bà Hằng trong sự cố ngày 29/5, bác sĩ Lương và các bác sĩ khác đã thực hiện phù hợp với diễn biến của bệnh nhân đang chạy thận lọc máu, không sai về quy trình. Còn các vấn đề khác, có đúng quy trình hay không còn phải phụ thuộc vào phân công của lãnh đạo bệnh viện.
Bà Bùi Thu Hằng (ở giữa) - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình tại tòa chiều ngày 16/1
“Bác sĩ điều trị chỉ phải chịu trách nhiệm ra y lệnh, chữa trị. Ngoài ra, điều dưỡng cũng phải kiểm tra nguồn nước. Tuy nhiên việc triển khai như thế nào là do bệnh viện phân công” – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình nói.
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc Sở y tế Hòa Bình có biết sau khi sửa chữa, đưa hệ thống RO vào sử dụng ngay, việc này là đúng hay sai, bà Hằng cho biết, Sở Y tế không thể biết được trong hợp đồng trước đó giữa các bên có những gì. “Chúng tôi chỉ dựa trên các hồ sơ. Bệnh viện cũng đã đưa ra các biên bản bàn giao sau khi hoàn thành khi sở đến kiểm tra. Ngoài ra, việc xét nghiệm AAMI phải từ 10 đến 14 ngày, tuỳ theo bệnh viện cảm thấy có cần hay không sẽ đưa ra kết luận việc xét nghiệm”, bà Hằng cho hay.
Giải thích về lý do về việc không bắt buộc xét nghiệm AAMI, bà Hằng cho rằng đây là tiêu chuẩn của Mỹ. Việc xét nghiệm này cần từ 10 đến 14 ngày nên không bệnh viện nào có thể chờ được.
“Trách nhiệm thuộc về bệnh viện đa khoa Hòa Bình”
Đại diện viện kiểm sát hỏi về trách nhiệm của Sở Y tế trong sự cố chạy thận làm 9 người chết, bà Hằng cho biết "trách nhiệm là của bệnh viện, không thể nói trách nhiệm của Sở Y tế được".
Bà Hằng cho hay hằng năm sở đều có văn bản tổng kết, đánh giá việc thực hiện các kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật chạy thận nhân tạo của BVĐK Hòa Bình. Trong quá trình đánh giá, thống kê, nhận thấy trong vòng một năm có hơn 15.000 người phải chạy thận. Vì vậy, việc thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo là điều dễ hiểu.
"Thử tưởng tượng, số người này phải xuống Bệnh viện Bạch Mai chạy thận thì tốn kém đến mức nào", bà Hằng nói.
HĐXX hỏi quan điểm của Sở Y tế về việc bệnh viện đánh giá ban đầu là bệnh nhân sốc phản vệ, không phải do nguồn nước, dẫn đến việc cấp cứu sai quy trình, gây ra sự cố nghiêm trọng. Bà Hằng cho hay việc đánh giá, chẩn đoán ngay thời điểm đó rất khó. Bệnh viện cũng đã xin ý kiến tư vấn của Bệnh viện Bạch Mai để kịp thời cứu chữa các bệnh nhân lọc máu.
"Với tình huống hy hữu như vậy, việc xử trí ban đầu là phù hợp với điều kiện và diễn biến của người bệnh. Triệu chứng ban đầu cũng là một triệu chứng của sốc phản vệ. Thời điểm đó, chúng tôi cũng không dám nói nguyên nhân gây ra sự cố là gì, chỉ khi hội đồng chuyên môn là những giáo sư, bác sĩ giỏi của Bệnh viện Bạch Mai kết luận thì mới rõ.
Thành lập Đơn nguyên lọc máu chạy thận đúng hay sai?
Theo cáo trạng, tháng 12/2009, giám đốc Trương Quý Dương ký hợp đồng về việc liên kết khai thác hệ thống máy chạy thận nhân tạo với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn do Đỗ Anh Tuấn làm giám đốc.
Tháng 3/2010, ông Dương ký quyết định thành lập đơn nguyên lọc máu trực thuộc khoa hồi sức tích cực. Từ năm 2010 đến 2014, ông Dương ký hợp đồng với Thiên Sơn nâng tổng số máy chạy thận nhân tạo lên 13.
Về việc này, theo bà Hằng là do căn cứ nhu cầu chạy thận của bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh nhân thời điểm đó rất vất vả khi xuống Bạch Mai điều trị.
Bị cáo Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình
Hơn nữa việc thành lập cũng phù hợp với quyết định của Bộ Y tế về đề án kỹ thuật. Đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình giải thích, Bệnh viện Bạch Mai căn cứ vào nhu cầu của bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã khảo sát, chuyển giao kỹ thuật cho cơ quan tuyến dưới của mình.
Bệnh viện Bạch Mai còn cử cán bộ lên hỗ trợ, giúp đỡ Bệnh viện tỉnh Hòa Bình ba tháng đầu sau khi đơn nguyên lọc máu thành lập. Căn cứ kết quả đào tạo tại bệnh viện Bạch Mai, điều kiện thực tế, bệnh viện đa khoa tỉnh hợp đồng với công ty Thiên Sơn cũng phù hợp với quy định của Bộ Y tế về liên danh, liên kết.
Bà Hằng khẳng định việc ra quyết định thành lập đơn nguyên trên của cựu giám đốc Trương Quý Dương vào thời điểm đó là đúng quy định, thẩm quyền. Việc thành lập này không cần báo cáo Sở Y tế xin ý kiến vì chỉ khi thành lập khoa mới áp dụng thủ tục này. Đơn nguyên chạy thận chỉ là một bộ phận trong khoa.
Về vấn đề này, HĐXX viện dẫn công văn trả lời của Bộ Nội Vụ tháng 8/2018 cùng nội dung. Theo công văn này, về pháp luật không có quy định nào cho phép thành lập bộ phận như vậy, việc thành lập không đúng quy định. Bà Hằng lý giải, Sở Y tế đã dựa trên điều kiện thực tế, quy chế y tế năm 1997, phân công nhiệm vụ, được tổ chức bộ phận phù hợp với công việc.
“Mỗi ngành có đặc thù riêng. Trong quy định pháp luật hiện hành cũng có những quy định riêng. Tại thời điểm thành lập đơn nguyên chạy thận nêu trên, bệnh viện tỉnh Hòa Bình hoàn toàn đáp ứng đủ điều kiện”, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho hay.
Theo Trần Thanh
Dân trí