HĐXX bác toàn bộ quan điểm của bà Trương Mỹ Lan và các luật sư, xác định bị cáo phạm 3 tội; tuyên phạt mức án tử hình, buộc bồi thường gần 674.000 tỷ đồng.
Chiều 11/4, TAND TP HCM tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.
Khi tòa công bố mức án, bà Lan loạng choạng, được các cảnh sát đỡ. Ngay sau đó bà tỏ ra bình tĩnh, tiếp tục đứng nghe cho đến khi kết thúc phiên tòa.
Trước đó, HĐXX đã đưa ra quan điểm đánh giá hành vi phạm tội của bà Lan và 85 bị cáo khác - hầu như chấp nhận toàn bộ quan điểm cáo buộc của VKS, bác hết quan điểm của các bị cáo và luật sư.
Bà Trương Mỹ Lan trước giờ tuyên án. Ảnh: Thanh Tùng
Tòa đánh giá bà Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch... Tuy nhiên, bị cáo phạm tội với vai trò cầm đầu, phạm tội có tổ chức trong thời gian dài; với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên phải xử lý nghiêm.
"Hành vi của bị cáo không chỉ phạm đến quyền quản lý tài sản của các cá nhân, tổ chức mà còn đẩy SCB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; xói mòn niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước", bản án nhận định.
Về thiệt hại của vụ án, HĐXX xác định, bản chất số tiền bị cáo Lan chiếm đoạt để sử dụng, nên có nghĩa vụ bồi thường cho SCB. Tuy nhiên, đến nay đã có một số khoản vay đã được tất toán, bị cáo Lan cũng nộp thêm một số tiền khắc phục hậu quả nên còn bồi thường hơn 673.800 tỷ đồng.
Theo HĐXX, nhằm đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, tòa buộc bà Lan và các đồng phạm chịu trách nhiệm hình sự trên số tiền thiệt hại là 498.000 tỷ đồng. Nhưng về trách nhiệm dân sự, bà Lan và các bị cáo phải bồi thường thiệt hại hơn 677.000 tỷ đồng (tổng dư nợ của 1.284 khoản vay liên quan đến nhóm của bà Lan và Vạn Thịnh Phát, sau khi cấn trừ đi một số khoản được tất toán sau thời điểm khởi tố còn là hơn 673.000 tỷ).
Tòa cũng tuyên tiếp tục kê biên các tài sản để đảm bảo thi hành án.
Theo bản án, các tài liệu trong hồ sơ, kết quả thẩm vấn tại tòa có căn cứ xác định, từ năm 2011, bà Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành SCB. Lợi dụng chính sách của Nhà nước trong đề án tái cơ cấu SCB, bà Lan đã thâu tóm nhà băng như một công cụ tài chính để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân và Hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.
Với việc sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua nhiều cá nhân, bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt tại SCB và Vạn Thịnh Phát lập các hồ sơ khống, rút tiền SCB. Để hợp thức hóa việc rút tiền và tránh bị phát hiện sai phạm, bà Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty "ma", sau đó thực hiện rút tiền mặt hoặc chuyển lòng vòng nhằm cắt đứt dòng tiền. Việc đưa các tài sản đảm bảo có giá trị thấp rồi nâng khống để đảm bảo cho các khoản vay lớn chỉ là thủ đoạn nhằm chiếm tiền người dân gửi tại SCB.
Trong đó, từ năm 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Hành vi trong giai đoạn này của bà Lan là phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Do Bộ luật Hình sự 2015 có sự thay đổi về đường lối xử lý đối với các sai phạm xảy ra tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018 (Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) nên hành vi này của bà Lan phạm tội Tham ô tài sản.
Trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi.
Quá trình điều tra, xét xử bà Lan không thừa nhận hành vi này, song lời khai của các bị cáo và các tài liệu chứng cứ khác có cơ sở xác định bà Lan trở thành cơ quan có quyền quyết định cao nhất tại SCB. "Có đủ căn cứ xác định bị cáo là chủ thể của tội phạm về chức vụ quyền hạn. Như vậy, hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội Tham ô tài sản. VKS truy tố các bị cáo về các tội danh như cáo trạng là đúng quy định của pháp luật", HĐXX nêu quan điểm chấp nhận toàn bộ cáo buộc của VKS.
Ngoài ra, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, giúp nhà băng thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Trong đó, Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) đã 4 lần đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước) số tiền 5,2 triệu USD; đưa tiền và quà cho các thành viên đoàn thanh tra để bưng bít sai phạm, tạo điều kiện cho SCB được tiếp tục tái cơ cấu. Hành vi này là phạm tội Đưa hối lộ.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn. Ảnh: Thanh Tùng
Cựu cục trưởng thanh tra lĩnh án chung thân
Bị tòa tuyên mức án chung thân về tội Nhận hối lộ, buộc nộp phạt 100 triệu đồng, bà Đỗ Thị Nhàn ngã quỵ, được các cán bộ tư pháp đỡ tiếp tục đứng nghe tuyên án.
Bà Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra, người trực tiếp chỉ đạo đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra. Quá trình thanh tra, bị cáo phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng của SCB, thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém, đủ điều kiện đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, bị cáo đã hai lần gặp gỡ bà Lan bàn bạc, trao đổi và có thỏa thuận về việc che giấu thực trạng của SCB.
Bị cáo Nhàn đã 4 lần nhận 5,2 triệu USD của SCB thông qua Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc SCB để bao che, bưng bít sai phạm của SCB, để ngân hàng không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được NHNN cho tái cơ cấu.
Tòa cho rằng đáng lẽ phải xử lý bị cáo mức án cao nhất, song bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt, có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công với cách mạng... nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Đối với ông Nguyễn Văn Hưng (cựu phó chánh thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước), tòa tuyên phạt 11 năm tù.
Theo HĐXX, bị cáo là người ký quyết định thực hiện thanh tra SCB; vì động cơ cá nhân mà nhận tiền từ SCB, chỉ đạo đoàn thanh tra che giấu, bưng bít sai phạm của SCB, báo cáo không trung thực, đầy đủ lên lãnh đạo NHNN và Chính phủ về thực trạng của ngân hàng này, tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu.
Tòa ghi nhận cho bị cáo nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, lần đầu phạm tội, gia đình có công với cách mạng... nên giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu phó chánh thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Thanh Tùng
3 bị cáo chủ chốt tại SCB, Vạn Thịnh Phát bị phạt án chung thân
HĐXX xác định các bị cáo: Đinh Văn Thành (cựu chủ tịch SCB, đang trốn truy nã), Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch SCB giai đoạn sau), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc), Trương khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc), Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB), Nguyễn Phương Anh (Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn Peninsula)... là những người trực tiếp nhận chỉ đạo và giúp sức tích cực cho bà Lan chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Các bị cáo này phạm tội với nhiều tình tiết tăng nặng như: có tổ chức, phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng... nên phải cần có mức án tương xứng. Song, tòa ghi nhận, quá trình điều tra và xét xử, ngoài bị cáo Thành đang bỏ trốn, các bị cáo khác thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra giải quyết vụ án, có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công với cách mạng, khắc phục một phần hậu quả..
Từ đó, tòa tuyên phạt Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn mức án chung thân.
Đối với các bị cáo khác là cựu cán bộ SCB và nhân viên Vạn Thịnh Phát, phạm tội theo sự chỉ đạo, là người làm công ăn lương nên vai trò có phần hạn chế. Sau khi đánh giá và phân hóa vai trò, tính chất mức độ của từng người, HĐXX tuyên nhóm bị cáo này mức án từ 3 năm tù (cho hưởng án treo, được thả tự do tại tòa) đến 20 năm tù.
Các bị cáo trước giờ tuyên án. Ảnh: Thanh Tùng
Tòa kiến nghị 'trám lỗ hổng' trong kiểm toán, truy tìm số tiền 108.000 tỷ đồng
Bản án sơ thẩm cũng đưa ra nhiều kiến nghị đối với Chính phủ và các cơ quan chức năng. Cụ thể, HĐXX cho rằng, từ hành vi phạm tội của các bị cáo cho thấy Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ vấn đề cấp phép hoạt động của các doanh nghiệp và hậu kiểm để hạn chế việc sử dụng các pháp nhân thành lập vào mục đích phạm tội.
Từ thực tế nhiều vụ án kinh tế liên quan đến ngân hàng, đặc biệt sai phạm tại SCB, tòa đánh giá đang có nhiều bất cập trong vấn đề kiểm toán, nên kiến nghị cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo nền tảng tài chính quốc gia vững mạnh...
Đồng thời, tòa tòa kiến nghị Cục Cảnh sát Kinh tế (C03, Bộ Công an); Cơ quan điều tra VKSND Tối cao, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán, các kiểm toán viên, nếu đủ căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. "Trên thực tế, các ngân hàng đều thuê các công ty kiểm toán và kết quả đều báo lãi. Tuy nhiên, sau khi phát hiện sai phạm thì các ngân hàng này đều trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu nặng", HĐXX cho biết.
Ngoài ra, tòa cũng kiến nghị C03 tiếp tục làm rõ dòng tiền mặt 108.000 tỷ đồng và 14,5 triệu USD mà tài xế của bà Lan chở từ ngân hàng về nhà riêng, đưa cho một số cá nhân. "Số tiền này không chỉ có nguồn gốc từ SCB mà còn từ nguồn tiền phát hành trái phiếu và các sai phạm liên quan", bản án xác định.
Theo Hải Duyên - Quốc Thắng
Vnexpress