Toggle navigation
Phó chủ nhiệm, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội bị bắt
22/04/2024 | 12:29 GMT+7
Chia sẻ :
Ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị bắt với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Ông Hà, 48 tuổi, bị bắt khi nhà chức trách mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết sáng 22/4.

Các quyết định khởi tố, tạm giam ông Hà về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự, đã được VKSND Tối cao phê chuẩn.

Đây là diễn biến mới khi Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Ông Hà là cán bộ thứ tư và là người giữ chức vụ cao nhất bị bắt, tính đến thời điểm này.

Ông Hà, quê Thái Bình, có học vị Tiến sĩ kinh tế, Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (CPA) chuyên về lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ông từng làm Thư ký Tổng kiểm toán Nhà nước; Thư ký Bộ trưởng Tài chính; Hàm vụ trưởng, Thư ký của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trợ lý Phó thủ tướng; Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Ông làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Chủ tịch Quốc hội từ tháng 5/2022.

Ông Phạm Thái Hà tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an
Ông Phạm Thái Hà tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an

Trước đó, hôm 15/4, C03 bắt ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và Nguyễn Khắc Mẫn, Phó tổng giám đốc, về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.

Ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang và cấp phó Đàm Văn Cường, bị bắt với cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ.

Liên quan vụ án, ông Trần Anh Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An, bị bắt về tội Đưa hối lộ. Ông Hoàng Thế Du, Trưởng phòng Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang, bị bắt do Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Thuận An Group) tiền thân là Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, thành lập từ năm 2004 do ông Nguyễn Duy Hưng làm chủ tịch. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện, năng lượng tái tạo, bất động sản. Những năm gần đây, Thuận An trúng hàng chục gói thầu xây lắp trên toàn quốc.

Tại TP HCM, Thuận An tham gia dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; làm một số gói thầu Vành đai 3, hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Tại Hà Nội, Thuận An tham gia sửa chữa cầu Thăng Long năm 2020; cầu Vĩnh Tuy 2. Tại Bắc Giang, doanh nghiệp tham gia liên danh xây dựng cầu Đồng Việt với tổng mức gần 1.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, tập đoàn này còn tham gia xây cầu Cửa Hội qua sông Lam (Nghệ An - Hà Tĩnh); cầu Máy Chai (Hải Phòng); cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (liên danh Thuận An thi công 7 km)...

Sau khi khởi tố vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, C03 đã yêu cầu hàng loạt địa phương như Đăk Lăk, Phú Yên... cung cấp hồ sơ liên quan đến các gói thầu của Thuận An.

Theo Viết Tuân - Phạm Dự
Vnexpress
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com