Xử vụ chạy thận Hòa Bình: Bất ngờ lời khai về 'chữ ký chia sẻ' của bác sĩ Hoàng Công Lương
Phó khoa HSTC Hoàng Công Tình cùng 2 điều dưỡng Đơn nguyên thận đã có những lời khai khác nhau về vai trò và chữ ký của bị cáo - bác sĩ Hoàng Công Lương khi được VKS hỏi.
Bị cáo - bác sĩ Hoàng Công Lương giữ im lặng nhiều ngày trong phiên tòa xét xử vụ chạy thận Hòa Bình.
Ngày 18/1, TAND TP Hòa Bình bước vào buổi xét xử thứ 5 vụ án chạy thận làm 9 người chết xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hồi tháng 5/2017 (gọi tắt là vụ án chạy thận Hòa Bình), với nhiều nội dung quan trọng.
Trong đó, đáng chú ý là nội dung đại diện Viện kiểm sát (VKS) dành thời gian xét hỏi với Phó khoa HSTC Hoàng Công Tình và 2 điều dưỡng thuộc Đơn nguyên Thận nhân tạo để làm rõ về vai trò và chữ ký của bị cáo bác sĩ Hoàng Công Lương cạnh chữ ký của bác sĩ khác ở Đơn nguyên thận nhân tạo. Đây cũng là nội dung gây tranh cãi ở phiên tòa hồi tháng 5/2018.
Đơn nguyên Thận nhân tạo (hay còn gọi là Đơn nguyên lọc máu) trực thuộc Khoa HSTC Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, thời điểm xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017, có 3 bác sĩ điều trị gồm: Hoàng Công Lương (SN 1986); Nguyễn Mạnh Linh (SN 1988); Phạm Thị Huyền (SN 1989).
Theo cáo trạng, bác sĩ Lương có chuyên môn, được đào tạo kỹ thuật lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo. Lương là người thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Lương cũng là bác sĩ duy nhất trong 3 người được phân công điều trị cho bệnh nhân ở Đơn nguyên lọc máu có đủ điều kiện ra y lệnh chạy thận.
Ngày 29/5/2017, Lương ký xác nhận vào y lệnh của 2 bác sĩ còn lại trong đơn nguyên để tiến hành lọc máu cho các bệnh nhân. Do vậy anh phải chịu trách nhiệm chuyên môn trong ca điều trị hôm đó.
Lương bị cáo buộc, phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng sau sửa chữa, bảo dưỡng. Tuy nhiên, khi chỉ nghe điều dưỡng viên nói hệ thống đã sửa chữa xong, anh đã ra y lệnh điều trị.
Ngày 18/1, trả lời câu hỏi của VKS tại tòa, ông Hoàng Công Tình cho biết, trước thời điểm xảy ra sự cố, bác sĩ Hoàng Công Lương cùng các bác sĩ trên là bác sĩ điều trị tại Đơn nguyên lọc máu. Giữa bác sĩ Lương và 2 bác sỹ Huyền, Linh đều có quyền ra y lệnh như nhau.
Khi VKS hỏi về việc bác sĩ Lương ký vào cạnh chữ ký bác sĩ Huyền có ý nghĩa thế nào? Ông Tình cho biết, bác sĩ Huyền không nhất thiết phải có chữ ký của bác sĩ Lương. Ký chỉ để chia sẻ vì bác sĩ Lương có chuyên môn cao hơn, ở đây các bác sĩ đã thống nhất thống nhất y lệnh nên 2 người có nghĩa vụ ngang nhau.
“Trong ngành y, những người có kinh nghiệm cao hơn thường chia sẻ kinh nghiệm cho các bác sỹ có tuổi nghề ít hơn, có kinh nghiệm ít hơn. Bác sỹ Lương ký như vậy là ký chia sẻ với bác sỹ Huyền và bác sỹ Linh”, ông Hoàng Công Tình nói.
Đáng chú ý, ông Hoàng Công Tình tiết lộ thêm, bác sỹ Huyền và bác sỹ Linh chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề hồi sức cấp cứu và nội khoa, chưa được cấp chứng chỉ chạy thận nhân tạo, vì vậy, chữ ký của Hoàng Công Lương còn có ý nghĩa để “thanh toán bảo hiểm y tế”.
Ông Hoàng Công Tình trả lời trong phiên tòa ngày 18/1.
Đại diện VKS hỏi điều kiện để ra y lệnh lọc máu, ông Tình cho biết bác sỹ hồi sức tích cực (chưa có chứng chỉ chạy thận nhân tạo) cũng có thể ra y lệnh chạy thận nhân tạo.
Lý giải về việc này, ông Tình cho biết cả hai bác sỹ Huyền – Linh đều đã làm việc gần 3 năm, nếu làm 8 tiếng/ngày thì chỉ 2 tháng là có đủ thời gian về điều kiện để chạy thận nhân tạo. Quy trình của Bộ Y tế năm 2014 và Quy định 52 quy trình chạy thận được Bộ Y tế ban hành tháng 4/2018 giống nhau về điểm này. Theo đó, bác sỹ phải làm việc về thận nhân tạo ít nhất 200 giờ mới được ra y lệnh.
Sau khi đặt câu hỏi với bác sỹ Hoàng Công Tình, VKS đề nghị được hỏi hai bác sỹ Huyền – Linh nhưng cả hai vắng mặt, đại diện VKS đề nghị HĐXX triệu tập những người này.
Cuối giờ chiều ngày 18/1, VKS tiếp tục hỏi nội dung trên với 2 điều dưỡng tại Đơn nguyên thận nhân tạo là điều dưỡng Hồng và điều dưỡng Lan.
Điều dưỡng Lan khai: Nhiệm vụ của bác sĩ Lương là phụ trách chuyên môn điều trị tại Đơn nguyên thận. "Tôi được nghe trong các buổi giao ban ông Khiếu (PGĐ kiêm Trưởng khoa HSTC thời điểm trước sự cố) xuống giao ban tại Đơn nguyên thận nhân tạo", nữ điều dưỡng nói.
Điều dưỡng Lan khẳng định: "Chúng tôi thực hiện y lệnh của bác sĩ Linh và Huyền khi có chữ ký của bác sĩ Lương".
Ngược lại điều dưỡng Hồng lại trả lời rằng, bác sĩ Linh và bác sĩ Huyền được ra y lệnh lọc máu. Và có lúc nhìn thấy bác sĩ Lương ký vào cạnh chữ ký bác sĩ Huyền, Linh nhưng cũng có khi không. Theo nữ điều dưỡng Hồng, trong trường hợp chỉ có 3 bác sĩ thì phiên giao ban ở Đơn nguyên do bác sĩ Lương chủ trì.
Trước đó, bị cáo Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) khai có quyết định giao ông Tình quản lý hệ thống RO 2 tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, nhưng ông Tình khẳng định không được giao và trong Khoa không ai biết việc này.
Cũng trong ngày xét xử hôm nay một luật sư đặt ra vấn đề rằng, nếu bác sĩ Lương đi vắng hoặc nghỉ vì không thể trực cả 4 ca 1 ngày để ký ra y lệnh lọc máu thì việc chạy thận sẽ thế nào?
Theo Nhất Nam
Sức Khỏe Cộng Đồng