Ngày 25/12, sau nhiều ngày nghị án kéo dài, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tiến hành tuyên án phúc thẩm vụ “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” gây thiệt hại tới 6.126 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CBbank).
Bị cáo Phạm Công Danh.
Theo đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã bác kháng nghị của Viện KSND Cấp cao tại TPHCM, tuyên sửa một phần bản sơ thẩm về hình phạt và thu hồi vật chứng.
Cụ thể, bản án phúc thẩm tuyên sửa bản án sơ thẩm không thu hồi khoản tiền 1.633 tỷ đồng từ Ngân hàng BIDV để trả về cho CB Bank. Đó là do HĐXX nhận định tuy bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT của VNCB) đã lấy khoản tiền này từ hành vi phạm tội để tất toán các khoản vay khác của Tập đoàn Thiên Thanh (do bị cáo Danh thành lập) tại BIDV, nhưng khoản tiền này đã hòa vào dòng tiền chung của BIDV vào các năm 2012, 2013 trước khi vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn 2) được đưa ra xét xử. Ngoài ra, các hồ sơ, chứng cứ cũng không còn lưu tại BIDV.
HĐXX cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm Phạm Công Danh mức án là 30 năm tù, đồng thời còn phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường trong quá trình thu hồi nhiều khoản tiền sai phạm từ các cá nhân, tổ chức trong vụ án.
Ngoài ra, bản án phúc thẩm bác kháng nghị của Viện KSND và kháng cáo của phía đại diện CBbank, trong đó HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm trong việc thu hồi 4.500 tỷ đồng từ CBbank trả lại cho ông Danh. Bởi vì, HĐXX nhận định 4.500 tỷ đồng ông Danh chuyển tăng vốn điều lệ cho VNCB, nay không được NHNN hạch toán tăng vốn điều lệ thì phải trả lại cho ông Danh. Quá trình xét xử phúc thẩm, cũng không có chứng cứ mới chứng minh ông Danh đã sử dụng 4.500 tỷ đồng cho mục đích cá nhân mà đã hòa vào dòng tiền chung của VNCB, sử dụng cho mục đích của VNCB. Chính vì vậy, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng giữ nguyên bản án sơ thẩm về việc thu hồi 4.500 tỷ đồng trả lại cho ông Danh, từ đó để bị cáo này sử dụng cấn trừ khắc phục hậu quả cho vụ án.
Trước đó, kháng nghị của Viện KSND và đề nghị từ CBbank cho rằng 4.500 tỷ đồng được hòa chung vào các nguồn tiền khác và VNCB đã sử dụng hết ở giai đoạn ông Danh làm Chủ tịch HĐQT của VNCB, nên không có cơ sở buộc CBbank trả lại ông Danh.
HĐXX cấp phúc thẩm cũng bác kháng nghị của Viện KSND Cấp cao tại TP HCM về 4 bị cáo được hưởng án treo theo án sơ thẩm là các bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành và Nguyễn An Vinh. Theo HĐXX cấp phúc thẩm, các bị cáo này phạm tội trong tình huống bị động, phụ thuộc vào ông Danh. Cả 4 bị cáo chỉ là các tài xế, tạp vụ… được ông Danh cho đứng tên các công ty do ông Danh lập ra nhằm lập hồ sơ khống phạm tội, tuy nhiên các bị cáo cũng không hưởng lợi gì từ các sai phạm của ông Danh. Từ lý do đó, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định hình phạt nêu ở án sơ thẩm tuyên 4 bị cáo được hưởng án treo là phù hợp.
Ngoài ra, với các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, xin cải tạo không giam giữ đã được HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Lê Đài và Trần Hiệp. Tuy nhiên, đối với các kháng cáo của Phan Thành Mai, Hoàng Đình Quyết, Mai Hữu Khương trong việc đề nghị thu hồi thêm hàng ngàn tỷ đồng từ ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích và bị án Hứa Thị Phấn đều không được HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận, tuyên y án sơ thẩm.
Theo Lê Anh
Đại Đoàn kết