Toggle navigation
Vì sao 7 bị cáo phải hầu tòa vụ chạy thận làm chết 9 người?
08/01/2019 | 07:57 GMT+7
Chia sẻ :
Hoàng Công Lương cùng 6 bị cáo gồm nhiều cựu lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và 2 giám đốc doanh nghiệp phải hầu tòa sau sự cố chạy thận nhân tạo làm chết 9 bệnh nhân.
Sáng nay, 8/1, TAND TP Hòa Bình xét xử lần 3 vụ án Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh làm 9 người tử vong.

Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh làm chủ tọa. Bà Bùi Thị Hằng, Phó viện trưởng VKSND TP Hòa Bình và kiểm sát viên Đào Thị Hồng Điệp đồng giữ quyền công tố.

Hai giám định viên kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) cũng được triệu tập tham gia phiên tòa.

Bác sĩ Lương (áo xanh) và luật sư Trần Hồng Phúc tại phiên tòa hồi tháng 5/2018. Ảnh: Hoàng Lam.

Hơn 25 luật sư tham gia bào chữa cho 7 bị cáo. Riêng Hoàng Công Lương (bác sĩ Khoa Hồi sức) có 10 người bào chữa. Phiên tòa dự kiến kéo dài 10 ngày.

Tuy nhiên ngày 7/1, người nhà Hoàng Công Lương cho biết họ đã có đơn gửi TAND TP Hòa Bình xin xét xử vắng mặt đối với bị cáo do anh này đang nằm viện điều trị. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân 32 tuổi bị rối loạn thích ứng với phản ứng trầm cảm.

Theo Khoản 2 Điều 98 Bộ luật Hình sự 1999, người nào vô ý làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Còn Khoản 2 Điều 285 luật này quy định, người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.

Hai bị cáo Hoàng Công Lương và Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) hầu tòa về tội Vô ý làm chết người, quy định tại Khoản 2 Điều 98, Bộ luật Hình sự 1999.

5 người còn lại bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 2 Điều 285, Bộ luật Hình sự 1999. Họ gồm: Trương Quý Dương (cựu Giám đốc bệnh viện), Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn), Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư) và Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư).

Theo cáo trạng, sau khi ký hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Đỗ Anh Tuấn đại diện cho Công ty Thiên Sơn, đã đề nghị Bùi Mạnh Quốc sửa chữa hệ thống lọc nước RO tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng để tồn axit.

Không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng Trần Văn Sơn vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường.

Ngày 29/5/2017, Hoàng Công Lương không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên mà ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. 9 người trong số này tử vong do hóa chất trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.

Các bị can Trương Quý Dương, Đỗ Anh Tuấn, Hoàng Đình Khiếu và Trần Văn Thắng đã không làm tròn trách nhiệm được giao, thiếu kiểm tra, giám sát và đôn đốc nên để xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng.



Theo Hoàng Lam - Quang Huy
Zing.vn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com