Toggle navigation
Tổng hợp xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương: 'Bom tấn đã nổ'
21/01/2019 | 11:57 GMT+7
Chia sẻ :
Sau 6 ngày, phiên toà xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương đã để lại nhiều điểm đáng chú ý. Đáng chú ý, một luật sư tham gia phiên tòa tung ra gây rúng động dư luận khi tuyên bố có chứng cứ nghi vấn "đầu độc giết người".

Phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 6 bị cáo trong vụ chạy thận làm 9 người chết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Như đã đưa tin, từ ngày 14/1, TAND TP Hòa Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 6 bị cáo trong vụ án chạy thận làm 9 người chết xảy ra ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hồi 29/5/2017.

Tính đến ngày 20/1, phiên tòa đã trải qua 6 ngày xét xử (nghỉ Chủ nhật 20/1). Trong 6 ngày xét xử đầu tiên phiên tòa đã để lại những điểm nhấn quan trọng, những diễn biến và tình tiết mới so với phiên tòa hồi tháng 5/2018.

Bác sĩ Hoàng Công Lương giữ im lặng 5 ngày

Hoàng Công Lương tham gia phiên tòa lần này khi vừa rời giường bệnh để điều trị chứng bệnh liên quan đến thần kinh và theo người nhà và luật sư bào chữa đó là chứng bệnh liên quan đến trầm cảm.

Quan sát suốt 6 phiên xử luôn thấy Hoàng Công Lương xuất hiện ở tòa với khuôn mặt "mệt mỏi". Đến ngày 16/1, Hoàng Công Lương có đơn trình bày lý do sức khỏe và xin giữ quyền im lặng và chỉ có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến chuyên môn khám chữa bệnh trong lọc máu.

Bị cáo bác sĩ Hoàng Công Lương.

Duy nhất vào 2 buổi là chiều 15/1 và chiều 19/1, Hoàng Công Lương mới "mở lời" trước tòa. Đầu tiên là phản bác bản cáo trạng buộc tội mình "vô ý làm chết người" khi cho rằng nguyên nhân gây chết người là do hóa chất tồn dư trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng chứ không liên quan đến công tác điều trị của bác sĩ...

Tiếp theo là phản bác lại công văn của Sở Y tế khi cho rằng bác sĩ Huyền ở Đơn nguyên Thận nhân tạo cũng đã có chứng chỉ hành nghề, có thể ra y lệnh độc lập.

Cựu Giám đôc Trương Qúy Dương: "Với bác sĩ Lương tình như chú cháu, nghĩa như thầy trò'

Là bị cáo mới trong phiên tòa lần này, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Qúy Dương nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Quan sát suốt 6 ngày diễn ra phiên tòa, bị cáo sinh năm 1962 mỗi khi đứng lên bục khai báo luôn giữ sự điềm tĩnh, giọng nói to trôi chảy mỗi khi trả lời HĐXX, VKS hay luật sư hỏi. Tuy nhiên, cũng có lần ông phải thốt lên "luật sư quá coi thường tôi"... Cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tỏ ra rất lịch sự khi kèm theo mỗi câu trả lời đều dùng từ "thưa, gửi, dạ vâng.."

Cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Qúy Dương.

Khai trước tòa, bị cáo Trương Qúy Dương nói rằng không dám nói mình bị oan, chỉ mong HĐXX cho phép được nói rõ, còn việc phán xét là của pháp luật.

Trong phần khai báo ngày 14/1, bị cáo Trương Qúy Dương nói: "Bị cáo cảm thấy đau trên nhiều phương diện, thân nhân, bệnh nhân, đồng nghiệp… Nỗi đau của bị cáo là nỗi đau của cả ngành y tế. Kỹ thuật lọc máu là kỹ thuật tâm huyết nhất của tôi và bệnh viện. Đứng góc độ cá nhân bị cáo không chối bỏ trách nhiệm. Sau sự cố bị cáo đã nhận trách nhiệm trước dư luận".

Tại tòa ngày 15/1, bị cáo cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình một lần nữa nhắc đến chữ “đau”  khi nói: “Bị cáo với bị cáo Lương, tình như chú cháu, nghĩa như thầy trò. Bị cáo Lương bị như vậy, bản thân bị cáo thấy rất đau và buồn. Bị cáo Trần Văn Sơn tuổi đời còn trẻ, là người bị cáo đã dẫn dắt từ những ngày đầu nên bị cáo mong HĐXX xem xét cho các em ấy vì tuổi đời còn dài".

Sự xuất hiện của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành

Khác với phiên tòa hồi tháng 5/2018, phiên tòa xét xử Hoàng Công Lương lần này đã có sự xuất hiện của những giáo sư, chuyên gia đầu ngành từ Bệnh viện Bạch Mai vào chiều 18/1.

Các chuyên gia gồm: GS. Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Bệnh Viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam; GS. Đỗ Vũ Gia Tuyển - Trưởng khoa Thận tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai; TS. Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai và GS. Phạm Minh Thông - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Các chuyên gia lần đầu xuất hiện ở phiên tòa xét xử Hoàng Công Lương.

Tại tòa HĐXX, luật sư, VKS đã cùng nhau đặt câu hỏi và tham vấn ý kiến từ các chuyên gia nhằm làm sáng tỏ thêm những tình tiết trong vụ án. Đặc biệt, là về phác đồ điều trị, cấp cứu các nạn nhân khi xảy ra sự cố chạy thận ngày 29/5/2017.

Và sự bàn giao, chuyển giao kỹ thuật lọc máu chạy thận từ Bệnh viện Bạch Mai cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng như trách nhiệm nguồn nước chạy thận...

Xuất hiện "nhân vật mới" Adrenaline

Tại phiên tòa lần này, một số luật sư của bị cáo Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến phác đồ cấp cứu các nạn nhân khi xảy ra sự cố chạy thận ngày 29/5/2017. 

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn.

Theo đó, trước khi tìm ra nguyên nhân thực của sự cố là tồn dư hoá chất trong nước RO gây ngộ độc máu, bác sĩ tại Đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xác định các bệnh nhân có các triệu chứng giống như sốc phản vệ như: Khó thở, tụt huyết áp, nôn, ngứa... nên đã tiến hành cấp cứu theo phác đồ của Bộ Y tế. Trong đó có sử dụng thuốc Adrenaline (loại thuốc mà một số luật sư cho rằng không được dùng với bệnh nhân suy thận mãn tính).

Các câu hỏi thắc mắc của luật sư đã được GS Nguyễn Gia Bình cùng Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình Bùi Thu Hằng giải đáp. Đồng thời khẳng định việc cấp cứu các bệnh nhân thời điểm đó là phù hợp.

Thiên Sơn phủ nhận lời khai của Trần Văn Sơn

Tại buổi xét xử ngày 16/1, luật sư Nguyễn Thị Thuý Kiều (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) khi hỏi bị cáo Trần Văn Sơn đã cung cấp thông tin: "Trong hồ sơ vụ án có 3 báo giá cạnh tranh của 3 công ty, 1 báo giá của Thiên Sơn có 10 hạng mục, trong đó có mục Phí xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn AAMI, nhưng tại báo giá của 2 Công ty còn lại không có mục về xét nghiệm AAMI sau sửa chữa".

Luật sư Kiều tiếp tục hỏi, tại sao cùng 1 nội dung chào thầu nhưng lại có sự khác nhau này? Ban đầu, bị cáo Sơn khai rằng chính bản thân mình không rõ vì sao lại có sự khác nhau này. Tuy nhiên, sau đó bị luật sư "vặn" Sơn lại phủ nhận lời khai trên, nói rằng mình đã khai chỉ nhờ Công ty Thiên Sơn tư vấn danh mục việc phải làm, chứ không nhờ Thiên Sơn lấy báo giá. Sau đó, Sơn lại khẳng định báo giá là do kế toán của Công ty Thiên Sơn gửi đến.

Bị cáo Trần Văn Sơn - cựu nhân viên Phòng Vật tư y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Đáng nói hơn, khi luật sư hỏi tại sao trong hồ sơ vụ án không có chi tiết này và tại sao Sơn không khai với cơ quan điều tra? Thì Sơn nói mong HĐXX xem lại vì bị cáo có khai.

Đến chiều 17/1, đại diện Công ty Thiên Sơn phản bác cho biết, Thiên Sơn chỉ gửi duy nhất 1 báo giá. Kiểm tra lại thì nhân viên Thiên Sơn không ai gửi thêm bất kỳ báo giá nào cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Xét nghiệm AAMI là không bắt buộc?

Trả lời các câu hỏi tại tòa liên quan đến xét nghiệm AAMI, chuyên gia thận nhân tạo thuộc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng việc xét nghiệm AAMI sau sữa chữa RO là không bắt buộc. Tương tự Phó Giám đốc Sở Y tế Bùi Thu Hằng cho biết không nhất thiết phải tiến hành xét nghiệm AAMI sau sửa chữa hệ thống RO...

Phó Giám đốc Sở Y tế Bùi Thu Hằng.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc thay đổi lời khai

Trong phần xét xử hôm qua (19/1), bất ngờ đã xảy ra khi bị cáo Bùi Mạnh Quốc bất ngờ thay đổi lời khai và khẳng định dùng lời khai tại tòa hôm nay. Lý do thay đổi lời khai là Quốc nói có nhớ ra từ lời khai của các điều dưỡng...

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh.

Cựu PGĐ kiêm Trưởng khoa HSTC Hoàng Đình Khiếu "chối" trách nhiệm"

Trong phiên tòa một vấn đề được HĐXX đề cập đến là việc trách nhiệm quản lý tại khoa Hồi sức tích cực bao gồm cả Đơn nguyên thận nhân tạo. 

Tại thời điểm xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017, ông Hoàng Công Tình là Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, còn bị cáo Hoàng Đình Khiếu là Phó Giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực. Trong khoa này có hai đơn nguyên là Hồi sức tích cực và Lọc máu (Thận nhân tạo).

Trong phần trả lời, bị cáo Hoàng Đình Khiếu nói rằng những lúc đi vắng giao cho Phó khoa phụ trách. Tuy nhiên, ông Hoàng Công tình thì phủ nhận toàn bộ lời khai của bị cáo Khiếu về trách nhiệm...

Bị cáo Hoàng Đình Khiếu.

"Bom tấn đã nổ", luật sư yêu cầu cung cấp nghi đầu độc giết người 

Từ phiên tòa xét xử hồi tháng 5/2018, nhiều người theo dõi phiên tòa đã quen với cụm từ "bom tấn" khi một số luật sư cho biết sẽ tung ra nhiều chứng cứ bất ngờ. Tại phiên tòa trước là việc Đinh Tiến Công cùng Hoàng Đình Khiếu khai ra tình tiết ghi thêm nhiệm vụ cho bác sĩ Lương sau sự cố xảy ra.

Tuy nhiên, tại phiên tòa lần này và ngay trong chiều qua 19/1, một "bom tấn" thực sự đã được một luật sư tung ra.

Theo đó, trong phiên xử chiều 19/1, luật sư Phạm Quang Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc công ty Thiên Sơn) bất ngờ cho biết có chứng cứ cho thấy đây là "vụ án đầu độc giết người" và đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên toà để cung cấp.

Sự cố xảy ra ở Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Khoa HSTC - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đến nay chưa có hồi kết.

Chủ toạ Nghiêm Hoài Anh đề nghị trình bày bằng chứng và cung cấp ngay tại phiên xử, song ông Hưng nói đây là tài liệu bí mật nên mong được chuyển tới Giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh và Chánh án TAND tỉnh.

"Các chứng cứ thu thập khi nào?", HĐXX hỏi. Ông Hưng đáp không thể nói công khai. Chủ toạ tiếp tục giải thích, nếu bằng chứng không có thật thì đây có thể là hành vi cản trở xét xử và có thể bị xử lý. Luật sư Hưng đồng ý và đề nghị "được cung cấp bí mật".

Sau chừng 30 phút hội ý, HĐXX đề nghị ông Hưng giao nộp ngay tại toà và cho hay chứng cứ này sẽ được HĐXX xem xét, giao cho kiểm sát viên điều tra theo thẩm quyền.

Hiện chưa rõ chứng cứ vị luật sư cung cấp cho cơ quan chức là gì, xác thực đến đâu? Tuy nhiên, sau khi tuyên bố trên xuất hiện, nhiều người thậm chí cả một số luật sư từng tham gia phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương cũng cảm thấy bất ngờ.

Theo Nguyễn Nam
Sức Khỏe Cộng Đồng
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com