Toggle navigation
Tòa xử sao nếu Vũ 'nhôm' có quốc tịch nước ngoài?
28/11/2018 | 07:54 GMT+7
Chia sẻ :
Phải đến ngày mở phiên tòa Phan Văn Anh Vũ mới khai ra việc mình có 2 quốc tịch. Nếu Vũ 'nhôm' có quốc tịch nước ngoài thật và được công nhận thì việc xét xử thế nào?

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại phiên toà. Ảnh Quang Định

Một thẩm phán đang làm việc tại TAND TP.HCM cho rằng việc một công dân nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam thì vẫn bị xét xử theo luật pháp Việt Nam vì đó là thẩm quyền xét xử được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. 

Vẫn xét xử bình thường?

Thực tế, thời gian qua, có nhiều công dân nước ngoài vi phạm pháp luật hình sự trên địa bàn TP.HCM và bị điều tra, truy tố, xét xử bình thường.

Khi xác định là công dân nước ngoài thì các cơ quan tố tụng thông báo cho cơ quan ngoại giao mà công dân đó mang quốc tịch biết để họ thăm gặp hoặc thực hiện các thủ tục được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và các luật về tạm giữ, tạm giam khác. 

Đối với công dân nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam, họ còn được quyền mời phiên dịch để hỗ trợ trong suốt quá trình diễn ra các bước tố tụng. 

Việc thăm gặp hoặc tiếp xúc lãnh sự này được quy định cụ thể và chi tiết trong điều 11 thông tư liên tịch số 01/2018 của TANDTC- VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Đối với công dân Việt Nam có quốc tịch nước ngoài và công dân đó đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam thì vị thẩm phán này cho biết, vì đó cũng là công dân Việt Nam nên việc thông báo lãnh sự là không cần thiết. 

Các cơ quan tố tụng Việt Nam đang thực hiện các bước tố tụng đối với công dân Việt Nam vi phạm pháp luật Việt Nam.

Như vậy, cụ thể trong trường hợp của ông Phan Văn Anh Vũ thì có thể thẩm phán chủ tọa phiên toà không cần thiết phải thông báo lãnh sự nếu ông này là công dân của quốc gia thứ 2.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, người bào chữa cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ, cho biết ông đang tìm tài liệu chứng minh Vũ có quốc tịch thứ 2. 

Vậy trong trường hợp ông Vũ có quốc tịch thứ 2 thì tư cách tham gia phiên tòa của ông Vũ có gì thay đổi?  

Trả lời câu hỏi này, ông Trạch cho biết tùy theo Việt Nam và quốc gia kia có ký hiệp định tương trợ tư pháp hay không, và nội dung tương trợ đó là gì, còn về nguyên tắc và quy định của pháp luật Việt Nam thì mọi công dân Việt Nam hay nước ngoài, nếu vi phạm pháp luật Việt Nam (nếu không được miễn trừ) thì bị xét xử theo pháp luật Việt Nam.

Muốn có quốc tịch Antigua và Barbuda cần gì?

Theo luật sư Trần Duy Cảnh, việc công dân Việt Nam có nhu cầu có thêm quốc tịch thứ 2 bây giờ không hiếm.  

Chẳng hạn, trường hợp Antigua và Barbuda mà ông Vũ được cho là có quốc tịch thì thông thường, doanh nhân Việt Nam sẽ đi theo con đường đầu tư để lấy quốc tịch vào đất nước này.

Theo đó, Chương trình đầu tư - quốc tịch được cả hai viện thuộc Quốc hội nước này thông qua vào tháng 3 năm 2013. Pháp luật liên quan đến chương trình công dân - đầu tư được quy định trong Đạo luật Đầu tư của Công dân Antigua & Barbuda theo Luật Đầu tư năm 2013.

Để đủ điều kiện nhập quốc tịch thì người xin nhập quốc tịch lựa chọn các phương án: 

Đóng góp cho Quỹ Phát triển Quốc gia (NDF) với số tiền không hoàn lại tối thiểu là 100.000 USD cho một gia đình lên đến bốn người;

Đầu tư ít nhất 400.000 USD vào một dự án bất động sản được phê duyệt và không được rút ra trong thời hạn 5 năm hoặc trước khi dự án đó đã được thực hiện xong.

Đầu tư tối thiểu 1,5 triệu USD trực tiếp vào doanh nghiệp đủ điều kiện với tư cách là nhà đầu tư duy nhất hoặc có khoản đầu tư chung trong một doanh nghiệp đủ điều kiện có ít nhất 2 người với vốn tối thiểu 5 triệu USD và mỗi cá nhân đầu tư ít nhất 400.000 USD

Ngoài số tiền nêu trên, người đầu tư xin quốc tịch cần phải đóng các khoản phí chính phủ có liên quan nữa, phụ thuộc vào số lượng người đi theo.

Tuy nhiên, theo ông Cảnh, luật nước này cũng quy định, người nộp đơn chính và người phụ thuộc của họ sẽ không đủ điều kiện nếu họ đã bị kết án trước đây tại bất kỳ quốc gia nào mà hình phạt tù tối đa vượt quá sáu tháng tù.  

Hoặc một người được coi là nguy cơ an ninh quốc gia tiềm tàng hoặc đang phải chịu điều tra hình sự cũng sẽ bị từ chối hồ sơ hưởng quyền công dân.

Theo HOÀNG ĐIỆP- TUYẾT MAI
Tuổi trẻ
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com