Toggle navigation
Thương binh đổi đất xây trường để rồi 14 năm ấm ức đi đòi một lời hứa!
10/06/2020 | 11:30 GMT+7
Chia sẻ :
Được xã vận động, thương binh Lê Văn Chung đồng ý đổi 100m2 đất xây trường học, bù lại được cấp một mảnh đất khác. Nhưng gần 14 năm trôi qua, "mảnh đất hứa" đó vẫn mãi chỉ là... lời hứa!
Xã vận động dân đổi đất nhưng suốt nhiều năm không cấp đất bù cho dân

Lời hứa trên giấy!

Đó là những bức xúc mà thương binh Lê Văn Chung (SN 1941), trú thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình phản ánh đến Báo Dân trí.

Theo ông Chung, vào năm 2007, UBND xã Quảng Lưu có chủ trương xây dựng Trường THCS Quảng Lưu (nay là Trường Tiểu học Quảng Lưu). Xã đã đến vận động gia đình ông Chung đổi 100m2 đất ở để mở rộng khuôn viên nhà trường.

Thương binh đổi đất xây trường để rồi 14 năm ấm ức đi đòi một lời hứa! - 1
2 thương binh Lê Văn Chung và Nguyễn Thị Dinh phản ánh những bức xúc với phóng viên Dân trí.

Trước thỏa thuận của chính quyền địa phương, gia đình ông Chung đã nhất trí phương án mà xã đưa ra. Cụ thể UBND xã Quảng Lưu sẽ cấp cho gia đình thương binh này 1 thửa đất khác có diện tích 229m2, tại khu quy hoạch Nương Dưa, thôn Vân Tiền.

Thế nhưng đã gần 14 năm trôi qua, thỏa thuận cấp đất cho gia đình thương binh Lê Văn Chung vẫn chỉ là lời hứa trên giấy, bởi mảnh đất mà chính quyền xã nói sẽ đổi cho gia đình ông đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thương binh đổi đất xây trường để rồi 14 năm ấm ức đi đòi một lời hứa! - 2
Năm nay đã gần 80, ở tuổi gần đất xa trời, ông Chung vẫn chống gậy đi đòi quyền lợi cho gia đình.

Năm nay đã gần 80 tuổi, ở tuổi gần đất xa trời, ông Chung vẫn cứ chống gậy đi đòi quyền lợi cho gia đình mình. Mỗi lần ra khu đất đáng lẽ phải thuộc về gia đình ông hơn 10 năm trước, người thương binh già lại buồn bã, uất ức.

“Khi vận động đổi đất làm trường học, xã hứa với tôi là sẽ cấp cho một thửa đất mới. Thế nhưng đến nay tôi vẫn chưa được hưởng lợi trên mảnh đất mà xã thỏa thuận. Tôi đã làm đủ thủ tục và nhiều lần đề nghị xã cấp sổ đỏ nhưng đã gần 14 năm vẫn không thấy gì”, ông Chung bức xúc.

Không chỉ gia đình ông Chung, 2 hộ gia đình khác là anh Phạm Hà Đông và bà Nguyễn Thị Dinh (SN 1953) ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Thương binh đổi đất xây trường để rồi 14 năm ấm ức đi đòi một lời hứa! - 3
Những thỏa thuận cấp đất của UBND xã Quảng Lưu vẫn chỉ là lời hứa trên những tờ giấy đang dần mục nát, phai màu theo thời gian.

Trường hợp của anh Đông, vào năm 2007, hộ gia đình này cũng được xã Quảng Lưu vận động và thỏa thuận đổi 204m2 đất ở lấy 240m2 đất tại khu vực Nương Dưa, thôn Vân Tiền. Xã đổi đất nhằm sử dụng một phần đất ở của anh Đông để mở rộng khuôn viên xây dựng hội trường UBND xã Quảng Lưu.

Hội trường xã đã xây xong trên đất ở của anh Đông và đưa vào sử dụng nhiều năm qua, nhưng mảnh đất mới mà xã Quảng Lưu hứa cấp cho gia đình anh thì vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Còn với gia đình thương binh Nguyễn Thị Dinh, vào năm 2011, khi thực hiện dự án quy hoạch chi tiết khu dân cư Nương Dưa, thôn Vân Tiền, UBND xã Quảng Lưu đã thỏa thuận với gia đình bà đổi 261m2 đất trồng cây lâu năm lấy một thửa đất khác với diện tích 242m2.

Thương binh đổi đất xây trường để rồi 14 năm ấm ức đi đòi một lời hứa! - 4
Phần đất trước đây của ông Chung giờ đã trở thành khuôn viên của Trường Tiểu học Quảng Lưu.

Diện tích đất của mà bà Dinh trao đổi hiện nay đã được UBND xã Quảng Lưu đưa vào quy hoạch để phân lô, bán cho nhiều người dân và đã được cấp sổ đỏ. Riêng phần đất xã hứa cấp cho bà Dinh thì vẫn chưa có giấy tờ.

“Trước đây xã bảo hiến đất làm đường, gia đình tôi cũng đồng ý mà không đòi hỏi gì. Họ đến thỏa thuận đổi đất để làm quy hoạch khu dân cư, tôi cũng chấp hành. Thế nhưng gần 10 năm trời rồi, gia đình tôi vẫn không được cấp giấy tờ gì cho mảnh đất mà xã đã hứa”, bà Dinh cho biết.

Sự tắc trách của chính quyền!

Trước những bức xúc của người dân, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Hồ Thăng Long, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu. Vị này cho rằng trong những sự việc trên, lỗi là của cán bộ địa chính và chủ tịch xã các nhiệm kỳ trước. Ông Long thừa nhận chính quyền đã chậm trễ trong việc cấp đất cho 3 hộ gia đình nói trên dẫn đến bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Thương binh đổi đất xây trường để rồi 14 năm ấm ức đi đòi một lời hứa! - 5
Khu vực Nương Dưa, nơi UBND xã Quảng Lưu hứa cấp đất cho 3 hộ gia đình.

Ông Long cũng cho hay, vào năm 2013, khi luật đất đai sửa đổi, sự việc lại bị vướng một số quy định nên không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, nên đến nay, vụ việc vẫn không thể giải quyết.

“Yêu cầu của các hộ dân là chính đáng, thời điểm trao đổi đất với các hộ gia đình này là do cán bộ địa chính tham mưu và trực tiếp chủ tịch xã trước giải quyết các vấn đề liên quan. Lúc đó tôi làm phó chủ tịch, trưởng công an, mà mảng phụ trách chủ yếu tập trung về trưởng công an thôi”, ông Long phân trần.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, ông Long chính là người trực tiếp làm việc và ký biên bản đổi đất cho gia đình bà Nguyễn Thị Dinh vào năm 2011, cùng với cán bộ địa chính là ông Nguyễn Hữu Tuấn.

Thương binh đổi đất xây trường để rồi 14 năm ấm ức đi đòi một lời hứa! - 6

Thương binh đổi đất xây trường để rồi 14 năm ấm ức đi đòi một lời hứa! - 7
Những nông dân ấm ức chờ đợi một "lời hứa hão" suốt mười mấy năm.

Còn các hợp đồng, biên bản làm việc trao đổi đất cho gia đình thương binh Lê Văn Chung và gia đình anh Phạm Hà Đông vào năm 2007 là do chủ tịch xã lúc bấy giờ trực tiếp làm việc và ký thỏa thuận.

Liên quan đến vụ việc nêu trên, năm 2019, phía UBND xã Quảng Lưu đã có buổi làm việc với các hộ gia đình đã đổi đất. Trên cơ sở làm việc với Phòng TN-MT và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Quảng Trạch, xã thống nhất phương án xin chủ trương của UBND huyện giao đất trồng cây hàng năm, đồng thời chuyển mục đích sang đất ở đối với các lô đất được cấp cho các hộ gia đình như thỏa thuận trước đây. Tuy nhiên đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Thiết nghĩ chính quyền xã Quảng Lưu cũng như huyện Quảng Trạch cần sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm vụ việc, trả lại công bằng cho người dân, giải tỏa nỗi uất ức dân phải đeo nặng suốt hơn một thập kỷ qua...

Theo Tiến Thành - Đặng Tài
Dân trí
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com