Toggle navigation
Ông Trần Bắc Hà từng bị triệu tập nhiều lần trong phiên toà xử Phạm Công Danh
23/07/2018 | 11:57 GMT+7
Chia sẻ :
Ông Trần Bắc Hà từng vắng mặt dù bị triệu tập nhiều lần ở phiên tòa trước. Lần này, sự tham dự của ông Hà là câu hỏi bỏ ngỏ, nhất là khi UBKTTW có kết luận ông vi phạm trong việc phê duyệt chủ trương cho vay trong vụ VNCB.

Ông Trần Bắc Hà từng vắng mặt và bị triệu tập nhiều lần

Theo dự kiến, từ ngày 24/7 đến ngày 15/8, TAND TP HCM sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Phiên tòa cũng được gọi vắn tắt là xét xử sơ thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm, giai đoạn 2.

Phiên tòa có sự tham gia của 46 bị cáo, gần 200 cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng được triệu tập. Trong đó, ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch BIDV cũng được triệu tập. Ông Hà sẽ tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Bởi, trong lần xét xử sơ thẩm trước, ông Hà cũng được triệu tập nhưng không có mặt tại tòa.


Ông Trần Bắc Hà

Khi ấy, gửi đơn xin vắng mặt đến Hội đồng xét xử (HĐXX), ông Trần Bắc Hà nêu lý do vắng mặt là bị ung thư gan từ năm 2012 và tái khám gần nhất vào ngày 8/1/2018 - thời điểm mở phiên xét xử. Ông Hà đề nghị giữ nguyên các lời khai với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận lý do vì ông Hà là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan quan trọng trong vụ án. Viện kiểm sát (VKS) cũng đề nghị triệu tập những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt, trong đó có ông Trần Bắc Hà để tòa đủ điều kiện làm rõ sự thật vụ án.

Một tuần sau ngày xét xử, tới ngày 16/1, ông Trần Bắc Hà có ủy quyền cho văn phòng luật sư Trần Hải Đức đại diện bảo vệ quyền lợi nhưng HĐXX cũng không chấp nhận. Lý do, trước khi xét xử phiên tòa, theo quy định, tòa đã cho thực hiện các thủ tục để bị cáo đảm bảo quyền bào chữa hoặc tự bào chữa. Các trường hợp nằm viện hoặc trường hợp đặc biệt khác sẽ được HĐXX xem xét nếu lý do phù hợp. Tuy nhiên, ông Hà không có ý kiến gì trong thời gian quy định. Nếu ông Hà có mặt tại phiên tòa và trình bày lý do, HĐXX sẽ xem xét thêm.

Đại diện VKS một lần nữa đề nghị HĐXX xác định việc ông Hà đang khám bệnh ở đâu và việc tái khám thực hiện như thế nào? Theo đại diện VKS, ông Hà là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan quan trọng của vụ án nên cần có mặt tại phiên tòa để làm rõ vụ án.

Tuy nhiên, đến khi phiên tòa kết thúc (ngày 7/2), HĐXX trả lại hồ sơ yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan thì ông Hà vẫn vắng mặt tại tòa.

Theo cáo trạng, ông Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn. Trên cơ sở này, BIDV chấp thuận cho 12 công ty vay số tiền 4.700 tỉ đồng. Sau đó, BIDV đã thu hồi được nợ nhưng phía VNCB thiệt hại 2.551 tỷ đồng. Việc cho vay này đã được cơ quan giám định Ngân hàng Nhà nước kết luận có hàng loạt sai phạm.

Theo giải trình của ông Hà gửi cơ quan điều tra, hồ sơ 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn là do ban chức năng của BIDV thực hiện, cá nhân ông với tư cách là trưởng phân ban rủi ro tín dụng đầu tư không trực tiếp tiếp nhận các hồ sơ, tài liệu mà chỉ xem xét trên cơ sở báo cáo, đánh giá đề xuất của các ban chuyên môn.

Qua xem xét, ông Hà nhận thấy việc cho 12 công ty vay vốn là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Chính vì vậy, với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, ông đã ký báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên phân ban rủi ro tín dụng đầu tư với nội dung phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng.

Ông Hà cho rằng cá nhân ông đã thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ của chủ tịch ủy ban quản lý rủi ro. Tuy nhiên, ông thừa nhận qua kiểm tra thấy các chi nhánh BIDV đã có một số thiếu sót như chưa kiểm toán báo cáo tài chính của khách hàng trong hồ sơ vay vốn, không lập phiếu đánh giá khách hàng về tình hình tài chính. Tuy nhiên các thiếu sót trên chỉ là thiếu sót về mặt nghiệp vụ mang tính chất bổ sung, thuộc quy định nội bộ của BIDV và các bộ phận đã rút kinh nghiệm.

Trong một diễn biến khác, Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đây quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV. Ông Hà cũng được cho là đã vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ. Trong đó ông Hà phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại VNCB.

Kết luận điều tra bổ sung nói gì?

Theo cáo trạng từ phiên tòa sơ thẩm, Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tổng cộng 6.127 tỷ đồng, trong đó thiệt hại tại Sacombank 1.836 tỷ đồng, tại TPBank 1.740 tỷ đồng và tại BIDV 2.551 tỷ đồng.

Cụ thể, tại Sacombank, VNCB đã bảo lãnh 1.854 tỷ đồng cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng. Số tiền này sau khi Sacombank giải ngân đã được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh tại Ngân hàng ACB, chi nhánh Phú Thọ. Phạm Công Danh đã chuyển 1.634 tỷ đồng vào BIDV để trả nợ, còn lại 166 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân.

Tại TPBank, VNCB đã bảo lãnh 1.706 tỷ đồng cho 11 pháp nhân vay ngắn hạn để TPBank giải ngân 1.667 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển 1.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Thiên Thanh, 600 tỷ đồng cho công ty Trung Dung, còn lại cho công ty Thạch Hà. Đây là các công ty có liên quan tới Phạm Công Danh.

Tại BIDV, VNCB bảo lãnh 3.070 tỷ đồng tiền gửi và tài sản đảm bảo cho khoản vay của 12 công ty do Phạm Công Danh lập. Sau khi BIDV giải ngân 4.700 tỷ đồng, tiền đã được chuyển về 3 công ty và tài khoản của Phạm Công Danh.

Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV sau đó thu hồi toàn bộ số tiền nợ từ VNCB. Như vậy cùng với giai đoạn 1, ông Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng cho VNCB.

Ngày 7/2, HĐXX phiên tòa sơ thẩm đã tuyên bố trả lại hồ sơ, điều tra bổ sung vụ án. Lý do HĐXX đưa ra là thiếu chứng cứ chứng minh theo quy định tố tụng mà không thể bổ sung tại phiên tòa. Do đó, HĐXX đề nghị điều tra bổ sung 6 vấn đề (xem thêm).

Theo tài liệu điều tra bổ sung, cơ quan điều tra kết luận không phát sinh tình tiết mới tại TPBank, BIDV và Sacombank, giữ nguyên quan điểm trước đây với các đối tượng liên quan tại BIDV, Sacombank.

Một trong những nội dung quan trọng đề nghị điều tra bổ sung là Phạm Công Danh và luật sư bào chữa xem xét thu hồi 4.500 tỷ đồng có nguồn gốc từ khoản vay BIDV. Số tiền này được chuyển về VNCB để tăng vốn điều lệ nhưng chưa được NHNN đồng ý. HĐXX xét thấy 4.500 tỷ này được chuyển về VNCB và dùng cho VNCB. Phạm Công Danh và đồng phạm có hành vi cố ý làm trái như cáo trạng, gây thiệt hại 6.126 tỷ đồng nhưng đã dùng 4.500 tỷ đồng cho VNCB. Vì vậy, cần xác định trong trường hợp cụ thể VNCB thiệt hại bao nhiêu tiền, cần xem xét bảo đảm đánh giá của NHNN và Thủ tướng Chính phủ tại thời điểm các bị cáo bị bắt, nếu có.

Điều tra bổ sung, cơ quan điều tra khẳng định không bóc tách được chi tiết số tiền 4.500 tỷ đồng do số tiền đã hòa chung vào dòng tiền của VNCB và VNCB đã sử dụng cho các mục đích khác nhau nên không bóc tách được chi tiết mục đích sử dụng. Từ khi tiếp quản VNCB đến nay CBBank chưa xử lý điều chỉnh hạch toán 4.500 tỷ đồng này trên vốn điều lệ của ngân hàng. Vì vậy CBBank chờ kết quả điều tra, truy tố, xét xử và hướng dẫn từ NHNN để hạch toán số tiền trên.

Theo Báo Đầu tư
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com