Toggle navigation
Ông Phạm Nhật Vũ hối lộ cho ai?
15/04/2019 | 08:01 GMT+7
Chia sẻ :
Cơ quan cảnh sát điều tra xác định ông Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch Công ty nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), đã có hành vi đưa hối lộ trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Ngày 13/4, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét với ông Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch hội đồng quản trị AVG, về tội đưa hối lộ, quy định tại khoản 4, điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015.

Khởi tố 2 cựu bộ trưởng tội nhận hối lộ

Cơ quan cảnh sát điều tra cũng quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can với ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (cùng là cựu bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT)), Lê Nam Trà (cựu chủ tịch hội đồng thành viên MobiFone) và Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone) về tội nhận hối lộ quy định tại khoản 4, điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.

Trong cùng vụ án, Bộ Công an khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét với Võ Văn Mạnh, giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX; Hoàng Duy Quang, nhân viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX, về tội "vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015, vai trò đồng phạm.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, sau khi bắt 2 cựu bộ trưởng Bộ TT-TT về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng từ cuối tháng 2, cơ quan công an tập trung điều tra theo hướng có hành vi đưa và nhận hối lộ trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Từ lời khai của các bị can là lãnh đạo của MobiFone đã bị bắt và các chứng cứ, tài liệu khác cơ quan cảnh sát điều tra xác định đủ căn cứ khởi tố ông Vũ tội đưa hối lộ, 2 cựu bộ trưởng tội nhận hối lộ. Cơ quan điều tra đang làm rõ ông Vũ đã hối lộ cho các cá nhân nào và mức hối lộ bao nhiêu.


Đồ họa: V.Cường


"Thổi vống" giá trị AVG

Ngày 15/10/2014, AVG khi đó do ông Phạm Nhật Vũ làm chủ tịch hội đồng quản trị đã có văn bản gửi ông Nguyễn Bắc Son, khi đó là bộ trưởng Bộ TT-TT, để báo cáo và đề nghị cho ý kiến chỉ đạo việc AVG chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Trong đó có nội dung AVG đã làm việc với đối tác nước ngoài và đi tới thống nhất đối tác nước ngoài sẽ mua cổ phần AVG để trở thành cổ đông chiến lược, giá mua cổ phần bằng 7 lần giá vốn, tức là AVG sẽ nhận khoảng 525 triệu USD khi bán 75% cổ phần.

Thương vụ mua AVG được ví như một kịch bản "thổi vống" giá trị thực của doanh nghiệp gây thiệt hại tiền nhà nước. Suốt quá trình Thanh tra Chính phủ thanh tra thương vụ mua bán ngàn tỉ này, cả AVG và Bộ TT-TT đều không cung cấp được tài liệu, chứng từ nào liên quan đến việc đàm phán với đối tác nước ngoài cũng như khoản đặt cọc 10 triệu USD.

Điều này đồng nghĩa với việc thông tin chào bán cổ phần, đàm phán, giá trị AVG ở thời điểm này là không có thật.

Ngày 1/12/2014, Bộ TT-TT đã ban hành quyết định 1798 thành lập Tổng công ty viễn thông MobiFone, theo đó có ngành nghề kinh doanh phát thanh truyền hình. Chưa đầy hai tháng sau, ông Lê Nam Trà, khi đó đang giữ chức quyền chủ tịch hội đồng quản trị MobiFone, đã có văn bản trình lên bộ xin phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số.

Sau đó một tuần, Bộ TT-TT có văn bản thống nhất chủ trương theo đề xuất của MobiFone. Như vậy có thể thấy ông Nguyễn Bắc Son đã ký quyết định bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh cho MobiFone sau khi xảy ra việc AVG chào bán cổ phần.

Ông Trương Minh Tuấn khi đó đương chức thứ trưởng là người thực hiện "cú chốt của màn kịch" khi ký quyết định số 236 phê duyệt dự án đầu tư đồng ý cho MobiFone mua AVG với giá gần 8.900 tỷ đồng. Quyết định này không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước.

Tài liệu điều tra cũng thể hiện khi tiến hành thẩm định, lập và phê duyệt dự án, lãnh đạo Bộ TT-TT đã gạt bỏ ý kiến phản biện của cấp dưới, báo cáo sai sự thật với Thủ tướng về tình trạng bết bát của AVG.

Tại thời điểm đề xuất đầu tư, AVG đang thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng, âm gần 50% vốn điều lệ, các số liệu, phương án trong kinh doanh hoàn toàn là giả định mơ hồ, thiếu thực tế, không thể đạt được trong môi trường cạnh tranh gay gắt về thị phần.

Cùng với đó, những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của MobiFone gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG là 1.134 tỷ đồng.

Nhận hối lộ: cao nhất tử hình; đưa hối lộ: cao nhất 20 năm tù giam
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định những bị can bị khởi tố tội đưa và nhận hối là những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhóm tội tham nhũng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan nhà nước, tổ chức, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tội nhận hối lộ là hành vi của một người có chức vụ quyền hạn đã sử dụng chức vụ quyền hạn của mình để làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ vì lợi ích vật chất (tiền bạc, tài sản...).

Tội nhận hối lộ là tội có cấu thành vật chất nên phải xác định trị giá của nhận hối lộ để làm căn cứ xử lý tương ứng theo quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự 2015. Nếu có căn xác định các bị can nhận hối lộ với trị giá từ 1 tỉ đồng trở lên sẽ phải đối mặt với hình phạt 20 năm tù, tù chung thân và cao nhất đến tử hình.

Tội đưa hối lộ được hiểu là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (trực tiếp hoặc qua trung gian) để người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình.

Đối với tội đưa hối lộ theo điều 364 Bộ luật hình sự 2015, nếu có căn cứ xác định người đưa hối lộ với trị giá từ 1 tỉ đồng trở lên sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất đến 20 năm tù giam.

Theo NDH
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com