Toggle navigation
Những điều đặc biệt trong lời khai của ba bị cáo ngày đầu xét xử vụ chạy thận 8 người chết ở Hòa Bình
16/05/2018 | 11:29 GMT+7
Chia sẻ :
Trong ngày đầu tiến hành xét xử vụ án chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình làm 8 người chết, HĐXX đã tiến hành xét hỏi các bị cáo.


Ba bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 8 người tử vong.

Người bảo dưỡng thiết bị y tế khai chỉ làm theo kinh nghiệm

Là người bước lên đầu tiên trả lời phần xét hỏi của HĐXX, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) cho biết: Anh ta không học chuyên ngành lọc nước nhưng đã có hơn 12 năm kinh nghiệm đi lắp hệ thống lọc nước cho các bệnh viện trên cả nước và đã từng nhiều lần thay thế thiết bị hệ thống lọc nước cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình khi còn là nhân viên của Công ty Thiên Sơn.

Bị cáo làm theo chỉ dẫn của người khác và kinh nghiệm của mình. Trong những lần trước, bị cáo cho biết chưa bao giờ xảy ra sự cố.

Theo lời của bị cáo Quốc, tháng 4/2017, Công ty Trâm Anh có báo giá sửa chữa thiết bị cho Công ty Thiên Sơn. Đến ngày 28/5, Công ty Thiên Sơn yêu cầu phía Quốc đến bệnh viện để thay thế các hạng mục này.

Quốc cho hay: Bị cáo nắm được các phần việc phải làm, nhưng không biết Công ty Thiên Sơn và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ký hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc RO. Bị cáo đến bệnh viện chỉ làm theo yêu cầu của Công ty Thiên Sơn và được giới thiệu đến gặp Trần Văn Sơn (cũng là bị cáo trong vụ án).

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc.

Quốc cũng khẳng định đã đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình rất nhiều lần từ năm 2013, mỗi lần đến chỉ gặp và làm việc với Trần Văn Sơn và được Sơn hướng dẫn công việc, chỉ vị trí máy móc cần thay thế hoặc bảo dưỡng.

Quốc khai, sáng 28/5/2017, khi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình làm những công việc ghi theo hợp đồng của công ty Thiên Sơn và bệnh viện. Trong ngày hôm đó, Quốc sửa chữa, thay thế xong thiết bị nhưng chưa hoàn thành các công việc như hợp đồng. Trước khi ra về, Quốc gọi điện cho Sơn nói mới thay thế xong, sáng mai mới vào lấy mẫu nước đi xét nghiệm.

Tuy nhiên, sáng 29/5, khi Quốc quay lại bệnh viện thì đã thấy hệ thống máy đã chạy. Bị cáo có hỏi một cán bộ tên là Hằng và cho rằng chưa kiểm nghiệm sao lại vận hành, sử dụng hệ thống lọc nước RO?

Trước câu hỏi của HĐXX về việc “sao bị cáo biết nguồn nước chưa được xét nghiệm có đảm bảo hay không nhưng lại không ngăn cản việc ra y lệnh?” Quốc trả lời: “Đó là sự tắc trách, là lỗi của bị cáo. Bị cáo nhận thấy vì sự chủ quan của mình mà dẫn tới hậu quả cực kì nghiêm trọng. Bị cáo rất hối hận”.

Cán bộ Phòng vật tư phủ nhận trách nhiệm

Được HĐXX gọi lên xét hỏi, bị cáo Trần Văn Sơn, nguyên cán bộ phòng Vật tư, trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã phủ nhận một số nội dung mà bị cáo Quốc đã khai trước đó.

Sơn khai, sáng ngày 28/5/2017, Quốc có gọi điện thông báo đã đến bệnh viên rồi, bị cáo gọi cho một nhân viên bệnh viện mở cửa cho Quốc để chờ bị cáo đến. Tuy nhiên, khi đến thì Quốc đã sửa chữa đường ống. Bị cáo không biết ai đã bàn giao cho Quốc để sửa chữa.

Bị cáo Trần Văn Sơn được dẫn giải đến tòa.

Theo lời khai, Sơn cho rằng nhiệm vụ của anh ta là được giao là quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị tại nhiều khoa, trong đó có Khoa hồi sức tích cực và Đơn nguyên thận nhân tạo. Ngày 28/5, việc đề xuất sửa chữa đường ống RO là do Khoa hồi sức tích cực đề xuất. Cụ thể là hai bác sĩ, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương ký.

Sơn cho biết, chiều 28/5, anh ta không trở lại bệnh viện như lời khai của Quốc. Sau khi Sơn được Quốc thông báo đã sửa chữa xong thì Sơn đã thông tin với điều dưỡng tại khoa về việc đã sửa chữa xong. Tuy nhiên, Sơn cho rằng mục đích thông báo sửa chữa này chỉ có ý kết thúc công việc. Ngoài ra anh ta khai không nhớ có dặn dò điều dưỡng có được sử dụng máy hay không.

Sáng ngày 29/5, khi Sơn đến lấy mẫu nước đi xét nghiệm thì hệ thống máy đã hoạt động. Trần Văn Sơn nói: “Bị cáo thấy rất có lỗi trong công việc của mình khi đã không có mặt tại đó. Tuy nhiên, để xảy ra hậu quả khiến 8 người tử vong có phải do lỗi của bị cáo hay không thì xin nhờ HĐXX xem xét”.

Là người thứ ba trả lời, bị cáo bác sĩ Hoàng Công Lương cho rằng, việc quản lý, sửa chữa hỏng hóc thiết bị thuộc trách nhiệm Phòng Vật tư. Đơn nguyên thận nhân tạo chỉ là đơn vị sử dụng máy móc. Bị cáo chỉ làm nhiệm vụ là bác sỹ điều trị, không được giao nhiệm vụ phụ trách, điều hành đơn nguyên thận nhân tạo.

Bị cáo bác sĩ Hoàng Công Lương trả lời phần xét hỏi.

“Do vậy, bị cáo không biết quy định sau khi sửa chữa bảo dưỡng phải lấy mẫu nước xét nghiệm. Việc bàn giao là nhiệm vụ của bệnh viện và Công ty Thiên Sơn. Đơn nguyên thận nhân tạo chỉ nhận thiết bị từ Phòng Vật tư”, bị cáo Lương nói.

Khi HĐXX truy hỏi: “Vậy bị cáo phải biết việc bảo dưỡng xong hay chưa?” Hoàng Công Lương nói: “Khi Phòng Vật tư bàn giao cho đơn nguyên sử dụng đương nhiên máy móc đã được Cty Thiên Sơn bàn giao cho bệnh viện. Tại Đơn nguyên thận nhân tạo, người nhận bàn giao máy móc là điều dưỡng hành chính hoặc điều dưỡng trực. Sau đó, bị cáo mới ra y lệnh khi được bàn giao máy móc”.

Theo Nhất Nam - Chí Hiếu - Đinh Huy/
Báo Gia đình Xã hội
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com