Bộ Tư pháp đặt mục tiêu, năm 2019 sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; tập trung thi hành để nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt cao hơn năm 2018. Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự, nhất là trong kê biên, đấu giá tài sản thi hành án.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký ban hành Chương trình công tác trọng tâm của Bộ trong lĩnh vực thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2019 với 10 chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên 73% về việc và trên 33% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành. Bảo đảm theo dõi việc thi hành đối với 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi thi hành.
Ra quyết định thi hành án đối với 100% bản án, quyết định có hiệu lực thi hành đúng thời hạn qui định; đảm bảo xác minh điều kiện thi hành án, phân loại chính xác, đúng pháp luật án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành. Đăng tải kịp thời, đầy đủ, đúng quy định danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành theo quy định của pháp luật.
Tài sản của ông Đinh La Thăng chỉ có 1 nhà chung cư (chung với vợ), trong khi phải thi hành án số tiền lên tới hơn 600 tỷ đồng đang khiến cơ quan thi hành án "đau đầu".
Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; tập trung thi hành để nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt cao hơn năm 2018. Nâng cao hiệu quả thi hành các bản án liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã có hiệu lực pháp luật đạt tỷ lệ cao hơn năm 2018 về việc và về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành.
Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự, nhất là các vi phạm trong kê biên, đấu giá tài sản thi hành án. Giảm tối đa các vụ việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính và các vụ việc đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản.
Bộ Tư pháp cũng đặt ra yêu cầu giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; giải quyết xong 97% số đơn thư khiếu nại, tố cáo; phối hợp giải quyết cơ bản những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài.
Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm, năm 2019, Bộ Tư pháp tiếp tục xác định các giải pháp chủ yếu làm cơ sở để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án như: Nâng cao hiệu quả thi hành án trong vụ án tham nhũng, kinh tế, án tín dụng ngân hàng; quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; kiện toàn đội ngũ công chức; tang cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.
Như Dân trí đã phản ánh, báo cáo tổng kết năm 2018 của Bộ Tư pháp cho thấy, số lượng án tồn đọng chuyển kỳ sau có giảm nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Một số địa phương kết quả thi hành án đạt thấp, đặc biệt là về giá trị.
“Kết quả thi hành án để thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài còn khiêm tốn. Còn khá nhiều vụ việc bán đấu giá nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá nên chưa thể xử lý dứt điểm được vụ việc (năm 2018, toàn quốc còn 667 vụ việc đấu giá thành với số tiền trên 1.424 tỷ đồng nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá)”- thông tin từ Bộ này cho hay.
Ngoài ra, còn một số sai sót, vi phạm của Chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án. Số công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật tuy giảm đáng kể so với năm 2017 nhưng vẫn còn nhiều, trong đó vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ là 17 trường hợp.
Theo Thế Kha
Dân trí