Theo luật sư, tình tiết bị cáo cựu bác sĩ Hoàng Công Lương xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo trong phiên tòa phúc thẩm vụ án chạy thận làm 9 người chết cần được xem xét.
Phiên xử phúc thẩm cựu bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 4 bị cáo trong vụ chạy thận làm 9 người chết xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án chạy thận làm 9 người chết xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình hồi tháng 5/2019, diễn ra vào sáng 12/6, nhiều người quan tâm đến tình tiết bị cáo cựu bác sĩ Hoàng Công Lương quay đầu nhận lỗi, xin giảm nhẹ hình phạt.
Đây được coi là tính tiết rất đặc biệt bởi trước đó, trong các phiên tòa sơ thẩm cựu bác sĩ công tác tại Đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đều một mực "kêu oan" nói mình vô tội.
Thậm chí sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Hoàng Công Lương đã có đến 3 lần gửi đơn xin kháng cáo. Trong đó, cả 3 lần Hoàng Công Lương gửi đơn kháng cáo đều có nội dung khác nhau và hoàn toàn đối lập nhau chứ không phải bổ sung nội dung kháng cáo.
Tại phiên tòa, Hoàng Công Lương xin giữ đơn kháng cáo sau cùng gửi ngày 26/3/2019, tuy nhiên, bị cáo rút nội dung xin thay đổi tội danh. Như vậy, với quyết định mới nhất, Hoàng Công Lương kháng cáo xin giảm hình phạt và xin được hưởng án treo.
Cựu bác sĩ Hoàng Công Lương và chú ruột là Hoàng Công Tình đến phiên tòa.
“Trong đơn kháng cáo cuối cùng có vài vấn đề, vấn đề xem xét lại tội danh thì bị cáo không đề cập đến nữa, bị cáo chỉ xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo”, Hoàng Công Lương nói. “Bị cáo đã nhận thức và hiểu quy định của pháp luật về tội Vô ý làm chết người, mong HĐXX xem xét các tình tiết, vai trò và mức độ”.
Tình tiết này khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng, việc bị cáo cựu bác sĩ Hoàng Công Lương quay đầu nhận lỗi, xin giảm nhẹ hình phạt có giúp bản thân bị cáo này được giảm nhẹ tội, hưởng án treo như mong muốn?
Trao đổi với PV xung quanh tình tiết này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Việc Hoàng Công Lương xin giảm nhẹ hình phạt là thể hiện sự thay đổi trong nhận thức pháp luật của bản thân bị cáo.
"Theo dõi ở các phiên tòa trước thì thấy Lương nói mình bị oan, tuy nhiên Lương xin hưởng án treo, giảm nhẹ hình phạt là thể hiện sự thay đổi nhận thức pháp luật về hành vi của mình...", luật sư Thơm nhìn nhận.
Bên cạnh đó, luật sư Thơm cho rằng, việc Hoàng Công Lương xin giảm nhẹ hình phạt là thể hiện sự thay đổi trong nhận thức pháp luật còn hành vi phạm tội thì đã rõ ràng, không thay đổi
"Theo quy định của Nghị quyết 02/2018 về Hướng dẫn thi hành hưởng án treo thì Lương có thể được xem xét giảm nhẹ hình phạt với các tình tiết giảm nhẹ tội như: Nhân thân tốt, có bác ruột là người có công.... Nếu từ 3 năm tù trở lại thì Lương có thể được hưởng án treo. Tuy nhiên, đây là vụ án gây hậu quả nghiêm trọng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân nên cơ quan chức năng cũng cần làm rõ", luật sư Thơm chia sẻ.
Trong khi đó, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định, cơ hội giảm án, hưởng án treo cho bị cáo cựu bác sĩ Hoàng Công Lương là có nhiều khả năng.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm.
"Bản án cấp sơ thẩm đã tuyên Hoàng Công Lương 42 tháng tù. Tuy nhiên tại phiên Tòa cấp phúc thẩm này Lương đã đồng ý nhận tội như vậy Lương đã nhận thức được hành vi phạm tội. Đây sẽ được xem là tình tiết mới, tình tiết người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải là cơ sở để giảm trách nhiệm hình sự cho Lương.
Ngoài ra trong quá trình vụ án, bị cáo Lương cũng đã tích cực khắc phục hậu quả, bác ruột của Lương được tặng Huân huy kháng chiến chống Mỹ, 9 gia đình nạn nhân cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Lương...Đủ có cơ sở để giảm nhẹ hình phạt cho Lương là không quá 3 năm tù. Với các cơ sở viện dẫn như trên Lương sẽ có rất nhiều cơ hội để nhận án treo", luật sư Bình đề cập.
"Tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về án treo quy định về: Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo có quy định "Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây":
1. Bị xử phạt tù không quá 3 năm.
2. Có nhân thân tốt.
Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.
3. Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự .
Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự .
4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.
Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Theo Nguyễn Nam
Sức Khỏe Cộng Đồng