Toggle navigation
Ứng dụng kết nối vận tải: Đã đến lúc cần chính danh
13/05/2018 | 08:45 GMT+7
Chia sẻ :
Tranh cãi xung quanh hiện tượng Uber/Grab chưa kết thúc, nhưng ý niệm về một dịch vụ mới trong hoạt động vận tải đã trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.

Cuộc đua cải tiến dịch vụ vận tải giữa Uber/Grab và taxi truyền thống còn rất dài, đặc biệt là cách áp dụng các ứng dụng kỹ thuật số còn rất khốc liệt. Ảnh minh họa

Uber, Grab đến Việt Nam, với những điểm về công nghệ, sự đơn giản và hiệu quả trong việc gọi xe, đã nhanh chóng chiếm được thiện cảm của người tiêu dùng. Sự xuất hiện của chúng cũng tác động rất nhiều đến các phương thức vận tải truyền thống, đặc biệt là taxi. Tuy phản ứng của các hãng taxi truyền thống đối với Uber/Grab hết sức gay gắt do phải chia sẻ lượng khách hàng vốn thuộc về họ trong nhiều năm, nhưng họ vẫn chấp nhận tự đổi mới.

Rất nhiều hãng, kể cả những hãng rất nhỏ như Taxi Phù Đổng, đã phát triển ứng dụng đặt xe riêng cho mình. Thay vì thông báo địa chỉ khách hàng qua tổng đài, 4-5 xe cùng đi tới điểm đón, xe nào đến trước thì được đón, đến nay, chỉ có một tài xế gần điểm đón nhận chuyến và đến đón một cách trật tự. Khách hàng cũng biết trước một số thông tin cơ bản của tài xế.

Bên cạnh các hãng taxi, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia công nghệ Việt Nam đã phát triển và bước đầu đi vào khai thác các ứng dụng tương tự Grab và Uber như VATO, T.NET. Chúng cho phép nhiều xe, cả taxi lẫn xe tư nhân đều có thể kết nối và tiến hành vận tải hành khách.

Lẽ hiển nhiên, phát triển hoặc mua một ứng dụng đặt xe không phải là một việc quá khó khăn. Nhưng một khi có quá nhiều ứng dụng, mỗi hãng taxi một ứng dụng riêng rẽ thì lại gây nên những lãng phí không cần thiết thậm chí còn bất tiện cho người tiêu dùng. Chẳng hạn như để gọi xe gần nhất, khách hàng có thể phải cài đặt hàng chục app trên điện thoại, nó có thể gây hao pin, treo máy do phải mở nhiều app để so sánh và lựa chọn. Dường như, một ứng dụng cho phép kết nối nhiều hãng xe khác nhau với khách hàng có thể sẽ là một giải pháp cho tình trạng này?

Đến nhu cầu về một ứng dụng chung
Còn nhớ, ngày 6/4/2018, một cuộc tọa đàm trực tuyến thú vị về ứng dụng vận tải đã diễn ra giữa các nhà quản lý và đại diện nhiều hãng taxi truyền thống, do Báo Giao thông tổ chức. Tại cuộc tọa đàm này, sự lãng phí và không hiệu quả nói trên cũng đã được nhận dạng. Hiệp hội các doanh nghiệp taxi Hà Nội đã kiến nghị xây dựng một app chung bên cạnh việc thiết lập tổng đài điều hành chung cho các hội viên.

Ứng dụng kết nối vận tải Việt đang dần có chỗ đứng sau thương vụ Uber sáp nhập vào Grab tại thị trường châu Á.

Quan điểm này có vẻ như đã nhắc nhở những nhà làm chính sách nhớ tới bản chất ban đầu của taxi chính là loại phương tiện giao thông công cộng mà việc điều hành chúng cần tập trung và thống nhất. Không có nhiều đô thị trên thế giới lại tồn tại rất nhiều hãng taxi với số lượng tổng đài, trung tâm điều hành tương ứng như các đô thị ở Việt Nam.

Từ phương tiện công cộng, thay vì điều hành thống nhất, họ đã phải cạnh tranh với nhau khốc liệt và gây ra hiện tượng mất trật tự. Là phương tiện giao thông công cộng, lẽ ra họ phải được ưu tiên tham gia giao thông, thì họ lại bị cấm hoàn toàn tại một số cung đường trong những khung giờ nhất định.

Đề xuất của Hiệp hội các doanh nghiệp taxi Hà Nội về việc sử dụng app chung cho các hãng xe khác nhau đã được nhiều hãng taxi đồng tình. Mai Linh, một hãng taxi lâu đời và có phạm vi hoạt động rộng khắp cả nước cũng ủng hộ đề xuất này. Đồng thời, họ cũng ngỏ ý sử dụng luôn app sẵn có, vốn đang chạy khá ổn định của Mai Linh để làm app chung cho các hãng khác.

Đại diện cho VATO, một công ty sở hữu ứng dụng đặt xe thuần Việt, cũng ngỏ ý để toàn bộ ngành taxi sử dụng ứng dụng của mình.Tất nhiên, việc sử dụng này sẽ phải có thu giá dịch vụ.Nói cách khác, hãng sở hữu app được trả thù lao khi các xe thuộc hãng khác sử dụng.

Đề xuất sử dụng app chung, vô hình trung, lại gián tiếp thừa nhận kết nối taxi như một dịch vụ độc lập trong chuỗi cung ứng vận tải hành khách bằng xe ô tô.Vận tải hành khách gồm nhiều công đoạn, nhà đầu tư có thể lựa chọn khâu phù hợp với mình để hoạt động nhằm mục đích sinh lợi và đấy chính là một khía cạnh quan trọng của quyền tự do kinh doanh.

Độc lập và cạnh tranh giữa các app
Dịch vụ kết nối vận tải dựa trên nền tảng số và có thu giá dịch vụ. Đó có thể là app của một hãng taxi, chia sẻ năng lực của ứng dụng ấy cho các hãng khác. Đó cũng có thể là một app độc lập, không trực thuộc bất kỳ một doanh nghiệp taxi nào.

Một vấn đề đặt ra là, việc đối xử đối với những nhà đầu tư vào dịch vụ này có thể giống với những doanh nghiệp vận tải thông thường hay không? Điều dễ thấy là, dịch vụ này không cần phải có phương tiện vận tải nhưng lại cần đến khả năng trực tuyến, thông suốt và ổn định của app. Áp đặt điều kiện kinh doanh đối với họ, như có phương tiện vận tải, sẽ trở nên vô lý.

Đây là điểm mà dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 quy định về điều kiện kinh doanh đối với vận tải hành khách bằng xe ô tô phải cân nhắc. Một mặt, nó bảo đảm tính hợp lý với bản chất dịch vụ, nhưng mặt khác, nó tránh gây khó khăn cho các nhà phát triển phần mềm ứng dụng kết nối vận tải ở Việt Nam, vốn dĩ đang rất thiếu thốn về vốn.

Các app riêng lẻ sẽ không phát huy hiệu quả nếu quá ít người sử dụng. Sự tích hợp trí tuệ nhân tạo, hệ thống hỗ trợ quyết định (có thể là dự kiến giá cước, thời gian di chuyển, tuyến đường tối ưu…) vào app sẽ không hoạt động hiệu quả nếu thiếu đi một cơ sở dữ liệu lớn phục vụ cho việc phân tích, tính toán. Chắc chắn, xu thế sử dụng app chung cho nhiều loại xe, nhiều hãng vận tải sẽ diễn ra.

Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, cần thiết phải có sự quản lý, giám sát của nhà nước để tránh tình trạng phân biệt đối xử của đơn vị sở hữu app với các đối tác vận tải, tránh việc can thiệp điều động xe của hãng mình trước, hàng khác sau. Bởi vậy, tính độc lập của của dịch vụ kết nối là cần thiết. Các đơn vị vận tải đã có app, có thể góp vốn thành lập một doanh nghiệp mới, chuyên khai thác một app được lựa chọn dùng chung.

Trong bối cảnh có nhiều app kết nối vận tải cùng tham gia thị trường, sự độc lập của các app với các đơn vị trực tiếp vận tải sẽ trở nên cần thiết để bảo đảm cạnh tranh công bằng. Đồng thời, các app kết nối vận tải, cũng cần thiết phải mở rộng đối tượng kết nối, không được hạn chế trong một vài hãng xe hay nhóm tài xế nhất định, nếu họ đủ điều kiện gia nhập.

Mối lo ngại lớn nhất trong các giao dịch thông qua trung gian là việc vi phạm quyền của người tiêu dùng. Khi có tranh chấp, khiếu nại thì ai sẽ chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng, đơn vị trung gian hay đơn vị cung cấp dịch vụ? Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng hiện đại có xu hướng trao quyền cho người tiêu dùng có thể khiếu nại hoặc khởi kiện bất kỳ khâu nào trong chuỗi cung ứng.

Do đó, việc bắt buộc các doanh nghiệp kết nối vận tải phải tiếp nhận khiếu nại, liên đới chịu trách nhiệm với doanh nghiệp hoặc đối tác trực tiếp vận tải hành khách, khi có thiệt hại xảy ra, là điều cần thiết phải làm rõ. Điều này, không chỉ thuần túy bảo vệ người yếu thế trong các giao dịch, nó còn có tác dụng tạo sức cạnh tranh giữa các app kết nối vận tải, bởi lẽ, người tiêu dùng sẽ quyết định lựa chọn ai bằng những đồng tiền của chính mình.

Theo Ngô Dương
Tạp chí SHTT
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com