Toggle navigation
Trí tuệ nhân tạo và cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái
07/08/2018 | 01:02 GMT+7
Chia sẻ :
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các giải pháp công nghệ 4.0 đang ngày càng nổi lên như một giải pháp chống hàng giả, hàng nhái đầy triển vọng.

Với sự phát triển và phổ biến của Internet, thương mại điện tử đã phát triển chóng mặt tại Việt Nam. Ảnh: THÀNH HOA

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, khi số lượng các trang web bán hàng và việc mua bán trực tuyến trở nên phổ biến, vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng trở nên nhức nhối. Một phép thử đơn giản, sử dụng công cụ tìm kiếm với từ khóa “hàng giả, hàng nhái”, chỉ mất 0,39 giây đã có tới hơn bảy triệu kết quả liên quan. Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, cũng phải thốt lên “Tôi đố các vị chỉ ra mặt hàng nào không bị làm giả tại Việt Nam hiện nay”. Trong khi đó, các chính sách can thiệp của Nhà nước dường như không theo kịp hoặc đi vào lối mòn “không quản được thì cấm”.

Hàng giả, hàng nhái thời 4.0

Với sự phát triển và phổ biến của Internet, thương mại điện tử (TMĐT) đã phát triển chóng mặt tại Việt Nam. Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2018, tốc độ phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam đã đạt gần 25% trong năm 2017 và nhiều khả năng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao này trong năm 2018. Tuy nhiên, song hành cùng với sự phát triển và tiện lợi của TMĐT, đây cũng là khu vực mà hàng giả, hàng nhái đang ngày càng hoành hành.

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nền kinh tế hàng giả, hàng nhái trị giá tới 461 tỉ đô la Mỹ trong năm 2013, tương đương 2,5% tổng giá trị thương mại quốc tế toàn cầu.

Tại Việt Nam, tuy chưa có nhiều vụ kiện lớn nhưng nếu lướt qua các trang mạng bán hàng lớn như Lazada, Sendo, Tiki, Shoppee... không khó để tìm thấy các sản phẩm “hàng hiệu” như Valentino, Giovani, Lacoste... được bày bán công khai với mức giá rẻ hơn cả chục lần so với giá hàng chính hãng.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã gây ra nhiều tác hại to lớn cho cả xã hội. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 10% các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng đang được bày bán tại các nước thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam là sản phẩm giả(1). Do đó, người tiêu dùng gặp phải các rủi ro rất lớn khi tiêu thụ các sản phẩm làm giả, làm nhái với giá “cắt cổ” dẫn tới việc “tiền mất, tật mang”.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất chính hãng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi uy tín bị ảnh hưởng, lợi nhuận giảm sút trong khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.

Các nhà cung cấp các nền tảng (platform) TMĐT cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Các đơn vị này còn chịu rủi ro bị kiện và đền bù thiệt hại từ nhà cung cấp chính hãng lẫn người tiêu dùng, thậm chí cả cơ quan chức năng.

Xu hướng mới: sử dụng AI để phát hiện hàng giả, hàng nhái

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường TMĐT từ trước đến nay vẫn luôn là một bài toán hóc búa. Amazon và các trang TMĐT như eBay, Newegg và Walmart.com cũng đã từng gặp nhiều khó khăn với các cáo buộc bán hàng giả. Một biện pháp hiệu quả mà những doanh nghiệp này đưa ra là áp dụng các công cụ quản lý tự động, sử dụng AI để hỗ trợ yếu tố con người trong việc nhận biết, ngăn chặn và xử lý hàng giả mạo.

Amazon đã đầu tư đáng kể vào máy học (Machine Learning) và hệ thống công nghệ tự động. Họ xây dựng cho mình một quy trình kiểm soát mạnh mẽ ngăn chặn hàng giả. Ngay từ bước đầu, khi một doanh nghiệp đăng ký bán sản phẩm trên Amazon, hệ thống bảo mật của trang web tự động quét liên tục nhiều điểm dữ liệu, kiểm tra thông tin và thông báo các tín hiệu cho thấy doanh nghiệp này có dấu hiệu bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Amazon cũng tung ra một chương trình mang tên Brand Registry, cho phép các công ty đăng ký bán chia sẻ nhãn hiệu, hình ảnh đã xác minh về sản phẩm và các thông tin khác với Amazon để công ty có thể quét thông tin giả mạo. Kết quả là: trên 95% tất cả các cảnh báo về tiềm năng vi phạm làm giả đến từ chương trình Brand Registry. Bằng sáng kiến công nghệ này, số lượng nhãn hiệu hàng giả, hàng nhái được phát hiện đã giảm 99% so với số lượng trước khi Brand Registry hoạt động.

Không chỉ riêng Amazon, người khổng lồ TMĐT của Trung Quốc là Alibaba đã tạo ra chương trình Liên minh chống hàng giả bằng dữ liệu lớn (Big Data Anti-Counterfeiting Alliance) với 20 thương hiệu quốc tế. Công nghệ chống hàng giả của Alibaba quét tới 10 triệu danh mục sản phẩm mỗi ngày. Tháng 1-2017, Alibaba đã cùng với chính quyền Trung Quốc phát hiện 417 nhà sản xuất, bắt 332 nghi phạm và thu giữ hàng nhái, hàng giả trị giá 1,43 tỉ nhân dân tệ (207,2 triệu đô la Mỹ). Công ty này cũng tiết lộ, trong vòng 12 tháng tính tới tháng 8-2016, họ đã xóa bỏ hơn 380 triệu sản phẩm và đóng cửa 180.000 gian hàng TMĐT của bên thứ ba.

IBM cũng phát triển Crypto Anchor Verifier, một chương trình hoạt động trên điện thoại thông minh giúp phát hiện giả mạo. Để xác thực thông tin, người dùng chỉ cần chụp ảnh của bất kỳ sản phẩm nào và chạy ứng dụng. Trên nền tảng dữ liệu lớn, hệ thống blockchain sẽ so sánh hình ảnh đó với cơ sở dữ liệu các mặt hàng chính hãng được lưu trữ và cung cấp từ các công ty sản xuất. Với nguyên lý mọi đối tượng đều có thể được nhận diện thông qua AI, ý tưởng công nghệ này có thể được sử dụng cho bất cứ sản phẩm gì từ kim cương, rượu hay dược phẩm.

Ngoài ra, để chống lại chính việc ứng dụng AI để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, các công ty quốc tế còn liên tục cải tiến những chương trình của mình. Theo CEO Entrupy - công ty chuyên cung cấp phần mềm phát hiện hàng giả, hàng nhái, “ Tội phạm dùng AI để cướp đi bản quyền của sản phẩm, chúng ta phải sử dụng các chương trình AI tốt hơn để ngăn cản chúng”.

Tương lai nào cho TMĐT Việt Nam?

AI đã được sử dụng trong vô số lĩnh vực và nó còn có thể tiết kiệm hàng tỉ đô la Mỹ cho thế giới thông qua việc nhận biết hàng giả, hàng nhái. Tại Việt Nam, đã đến lúc các công ty TMĐT cần tích cực nghiên cứu và sử dụng các công nghệ 4.0 này để chống lại nạn hàng giả, hàng nhái. Các công ty TMĐT cần khẩn trương rà soát lại sản phẩm, thắt chặt quá trình đăng ký thông tin, việc đăng ký bán cần kèm theo các chứng từ hàng hóa đi kèm, đồng thời có những cảnh báo về các sản phẩm làm giả, làm nhái đối với người tiêu dùng. Chỉ có niềm tin của người tiêu dùng và nhà cung ứng chính thức mới là lợi ích lâu dài của các công ty TMĐT.

Đây cũng là một cơ hội lớn cho các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ Việt Nam. Nếu họ có thể phát triển những sản phẩm công nghệ chống hàng giả, hàng nhái hữu hiệu, chi phí hợp lý thì rất có khả năng thành công trên thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.

Song song với đó, rõ ràng công cuộc chống hàng giả, hàng nhái trên thị trường TMĐT cần có sự phối hợp trách nhiệm của các cơ quan trong nhiều lĩnh vực: công nghệ, luật pháp, thuế, tài chính, sở hữu trí tuệ... Về phía Nhà nước, cần đưa ra các biện pháp răn đe và xử phạt một cách công khai và nghiêm minh, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp.

Trong khi chờ đợi công nghệ mới và bàn tay nhà nước bảo vệ, chính người tiêu dùng chúng ta cần tỏ rõ thái độ kiên quyết bài trừ hàng giả, hàng nhái. Những bình luận, phản hồi và chia sẻ ý kiến của người tiêu dùng là một trong những giải pháp hữu ích nhất để ngăn chặn những kẻ trục lợi và hỗ trợ những doanh nghiệp kinh doanh chân chính. 

(1) https://www.pcworld.idg.com.au/article/644140/fake-products-only-ai-can-save-us-now/

Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn sản phẩm giả như thế nào?

AI và các loại máy móc được “đào tạo” để bắt chước khả năng xác định, quét thông tin và khoanh vùng từng đối tượng trong phạm vi nhất định như mắt người. Kết quả là, bằng cách phân đoạn và dựa trên nền tảng mạng kết nối nơ-ron, hệ thống máy móc lại nhạy cảm với các môi trường đa dạng, tư thế con người, mức độ phơi nhiễm da và nhiều hơn thế nữa...

Hình ảnh sản phẩm được nhận biết, sau đó được chuyển đổi thành tín hiệu 0s và 1s, và đưa vào hệ thống mạng chủ tại trung tâm dữ liệu với hàng triệu hình ảnh và biến thể. Những hình ảnh này được lấy từ nhiều nguồn khác nhau trên Internet, từ những nội dung do người dùng tạo (UGC), các mạng xã hội, các buổi trình diễn thời trang và hàng trăm trang web TMĐT trên toàn thế giới.

Hiện tại, các thông tin văn bản, như tiêu đề, siêu dữ liệu và mô tả sản phẩm được sử dụng để nâng cao độ chính xác của kết quả và tận dụng các tín hiệu không trực quan cho sản phẩm. AI sẽ xử lý ngôn ngữ, chuẩn hóa và sử dụng một số kỹ thuật xử lý văn bản khác. Trong các trường hợp này, cả hai loại dữ liệu được hợp nhất dựa trên các trọng số và mức độ ưu tiên và cho ra kết quả sản phẩm cuối cùng.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com