Toggle navigation
Trăm triệu đô cho cuộc đua số hóa ngân hàng
28/09/2018 | 01:01 GMT+7
Chia sẻ :
Nhiều ngân hàng công bố sẽ sớm số hóa nhưng chỉ mới một số ít dám nhảy vào.


Các ông chủ ngân hàng Việt Nam tham vọng số hóa các giao dịch truyền thống dựa trên nền tảng về công nghệ.

Tham vọng số hóa

Không phải ngẫu nhiên mà những gương mặt chủ chốt của VPBank như Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngô Chí Dũng, CEO Nguyễn Đức Vinh đồng thời xuất hiện ở một sự kiện tại TP.HCM. Ngân hàng có trụ sở ở Hà Nội lần này ra mắt một dịch vụ mới và thời thượng: ngân hàng số.

Thu lợi lớn từ mảng dịch vụ tài chính tiêu dùng trong nhiều năm qua với FE Credit (đóng góp hơn nửa lợi nhuận), đến nay, VPBank giới thiệu thêm một thương hiệu mới là YOLO (viết tắt của cụm từ You only live once). Hướng đến đối tượng mục tiêu là giới trẻ, nói đơn giản, dịch vụ ngân hàng này như một ứng dụng Mobile Banking, nhưng cộng thêm với các trung gian thanh toán khác như dịch vụ gọi xe, mua sắm, đặt khách sạn hay mua vé máy bay.

 
 
Đây không phải là lần đầu tiên VPBank hướng đến mục tiêu số hóa ngân hàng. Trước đó, ngân hàng này đã ra mắt thương hiệu Timo (theo mô hình liên doanh). Tuy nhiên, bản thân những người dùng có tài khoản VPBank cũng không thể mở tài khoản ở Timo.

Tram trieu do cho cuoc dua so hoa ngan hang

Trên thị trường, VPBank cũng không phải là ngân hàng đầu tiên định hướng theo dịch vụ ngân hàng số, mà là TPBank, một ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, sau khi ngân hàng này có cổ đông mới là nhóm Doji. Bên cạnh việc quảng bá hình ảnh ngân hàng số, TPBank lần lượt làm mới các ứng dụng di động, cũng như ra mắt các sản phẩm như LiveBank, mô hình chi nhánh ngân hàng tự động không nhân viên.

Trước đó, trong một lần trả lời phỏng vấn NCĐT, ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank, cho rằng mô hình này phù hợp với ngân hàng non trẻ (thành lập năm 2008) và không có nhiều điểm giao dịch. “Nếu không số hóa, sẽ không phát triển, sự dịch chuyển của ngành ngân hàng đang hiện hữu và mạnh mẽ”, ông Tú nhận định.

Tuy nhiên, TPBank lại bước đi khá chậm, khi đại diện của ngân hàng này cho rằng việc số hóa sớm quá lại đi không đúng “sóng”. Vì vậy, LiveBank được xem là bước đệm chuyển đổi trong ngành. Ngược lại, các ông chủ VPBank đánh giá đây là thời điểm chín muồi khi ra mắt rất nhiều sản phẩm dịch vụ tích hợp trong một ứng dụng.

Đặt nhiều niềm tin vào công nghệ còn có Techcombank. Khi niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm nay, đại diện Ngân hàng cho biết đã đầu tư 28 triệu USD vào hệ thống và sẽ thêm 300 triệu USD trong 5 năm tới.

“Về công nghệ thông tin, Techcombank sẽ đầu tư nhiều nhất trong tất cả các ngân hàng trong nước từ 3-5 năm tới, với mức đầu tư ngang hàng hoặc cao hơn hầu hết các ngân hàng khác trong khu vực Đông Nam Á”, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank, tuyên bố.

Có nhiều định nghĩa về ngân hàng số, nhưng phổ biến nhất có lẽ là dịch vụ ngân hàng “không giấy tờ, không chi nhánh, chỉ dùng ứng dụng di động”. Người dùng dựa vào thiết bị thông minh (như máy tự động, điện thoại thông minh) để giao dịch mọi nơi, mọi lúc. Các dịch vụ phổ thông của ngân hàng đang mở rộng thành nhiều dịch vụ cộng thêm phục vụ cho số đông, mà đa phần là giới trẻ, những người thích sử dụng công nghệ mới, còn hành vi mua sắm, ăn uống cũng thoải mái hơn.

Tram trieu do cho cuoc dua so hoa ngan hang

Trên thực tế, các ngân hàng sau chu kỳ tăng trưởng chỉ nhờ vào tín dụng truyền thống, đều công bố sẽ sớm số hóa ngân hàng, nhưng chỉ mới số ít ngân hàng dám nhảy vào. LiveBank hay YOLO là bước tiếp theo sau thời kỳ ngân hàng phát triển Internet Banking hay Mobile Banking.

Đua hệ sinh thái

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là cuộc đua hướng tới giới trẻ hiện nay không chỉ có các ngân hàng, mà còn có cả các fintech. Nổi trội nhất trong số fintech nội địa là MoMo, chuyển đổi khá thành công từ mục tiêu chuyển tiền thành trung gian thanh toán kết nối nhiều dịch vụ, sau khi nền tảng này gọi vốn được 28 triệu USD từ Goldman Sachs và Standard Chartered.

Thị trường cung ứng dịch vụ “tất cả trong 1” ứng dụng (hãy tạm gọi là ứng dụng tiêu dùng) còn có Grab. Xuất phát từ hãng công nghệ cung cấp dịch vụ vận tải, đến nay Grab nhận thêm 2 tỉ USD để trở thành ứng dụng tiêu dùng, cộng gộp nhiều dịch vụ. Mới đây, Grab còn mua lại cả ví điện tử Moca. Các ví điện tử khác như ZaloPay cũng hứa hẹn nhiều thay đổi.


Các fintech ngoại có năng lực lớn mới là nhân tố đáng chú ý. Chẳng hạn, mới đây, Samsung Pay liên kết với Ngân hàng Shinhan (Hàn Quốc) để giúp chuyển tiền giữa các tài khoản với nhau. Ứng dụng của Samsung được tích hợp trên các thiết bị của hãng này, giúp người dùng thanh toán dịch vụ qua các máy POS tại điểm bán.

Năng lực về tài chính, khả năng kết nối với các điểm bán trở thành mấu chốt trong cuộc đua phát triển hệ sinh thái. Trên thực tế, mỗi người chơi đều có hệ sinh thái sẵn có của riêng mình (trừ các trung gian thanh toán như MoMo), nay cần phát triển thêm.

Tuy nhiên, ứng dụng của ngân hàng (mà các ngân hàng gọi là ngân hàng số) còn nhiều điểm thuận lợi vì fintech rõ ràng không thể có chức năng của một ngân hàng là huy động vốn, cho vay và khả năng kết nối nhanh chóng với các định chế tài chính khác. YOLO của VPBank lần này ra mắt cũng có nhiều dịch vụ khác cộng thêm khác biệt với các fintech. Chẳng hạn, thẻ ảo MasterCard giúp mua sắm trực tuyến mà không cần phải sở hữu thẻ thực.

Thuận lợi về tính chính danh, hệ thống khách hàng sẵn có có thể giúp các ngân hàng đi xa hơn trong cuộc đua ứng dụng, nhưng cũng cần biết rằng tính trung thành của giới trẻ với các dịch vụ ngày nay hầu như là không có. “Nhiên liệu” của những chương trình phát triển hệ sinh thái dịch vụ số động lực vẫn là vốn, là yếu tố mà ngân hàng nào cũng “thèm khát” trong bối cảnh hiện nay.

Theo Nhịp cầu đầu tư
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com