Trong vài năm qua, đặc biệt là 2017, nguồn tiền từ các nhà đầu tư "đổ" vào các công ty khởi nghiệp (start-up) của Việt Nam đã tăng đột biến, ông Mai Duy Quang, Phó chủ tịch phụ trách mảng khởi nghiệp của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) nói tại buổi giới thiệu chương trình K-Startup Grand Challenge 2018, hôm 24/5 tại Hà Nội.
Ông Mai Duy Quang (giữa), Phó chủ tịch phụ trách mảng khởi nghiệp của VINASA chia sẻ thông tin tại sự kiện K-Startup Grand Challenge 2018, sáng 24/5.
K-Startup Grand Challenge là chương trình do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức với mục đích xây dựng một hệ sinh thái mở, giúp các start-up mở rộng thị trường tại các nước châu Á thông qua việc sử dụng thị trường Hàn Quốc làm bước đệm. Việt Nam đã và đang có khá nhiều các start-up tham gia chương trình này.
Nói về sự phát triển và tiềm năng của start-up Việt Nam, ông Mai Duy Quang, cho biết, vài năm lại đây, nguồn tiền từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và nhất là nước ngoài đổ vào các công ty start-up của Việt Nam tăng đột biến, điều đó cho thấy môi trường start-up của Việt Nam khá lành mạnh, thể hiện cụ thể ở số lượng (volume) đầu tư về tiền cao dần hàng năm và không bị đứt quãng.
Cụ thể, năm 2014, cả nước mới có 28 thương vụ được rót vốn, thì năm 2015 có tới 67 dự án start-up với số vốn được rót lên tới 137 triệu USD. 2016 là 50 dự án nhưng số tiền đầu tư lên tới 205 triệu USD.
Và năm 2017, số dự án khởi nghiệp được đầu tư lên tới 92 và tổng giá trị đầu tư là 291 triệu USD.
Trong khi từ năm 2014 đổ về trước, theo ông Quang, mỗi năm chỉ có được chục thương vụ, và đáng chú ý là không đo được luồng tiền đầu tư vào các start-up, tức là giá trị rất nhỏ.
Đến thời điểm hiện tại của năm 2018, Phó chủ tịch VINASA cho biết vẫn chưa có con số thống kê cụ thể nhưng nguồn tiền rót vào các start-up chắc chắn vẫn tăng, bởi có nhiều thương vụ lớn đã được thực hiện, như trường hợp hãng thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc, JD.com rót vốn vào Tiki. Tuy các bên liên quan chưa công bố giá trị đầu tư nhưng một số thông tin không chính thức tiết lộ JD.com đã đầu tư khoảng 44 triệu đô la Mỹ vào Tiki.
Ông Mai Duy Quang cũng cho biết, các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều. "Mấy năm trước mỗi tháng chúng tôi chỉ tiếp 2-3 đoàn (nhà đầu tư) nhưng hiện tại mỗi tuần đã tiếp 2-3 đoàn là bình thường".
Theo đại diện VINASA, sở dĩ các quỹ đầu tư nước ngoài liên tục rót vốn và tăng mạnh hàng năm là bởi các nhà đầu tư ngoại rất thích các start-up tại Việt Nam, do Việt Nam có nền tảng khoa học kỹ thuật cao, nhân sự trẻ và nhiệt huyết. Thêm nữa, thị trường start-up của Việt Nam cũng còn rất mới, do đó sẽ có nhiều tiềm năng.
"Điển hình như các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, mấy năm nay họ đang "đổ xô" vào Việt Nam. Như tập đoàn Hanwha tham gia góp vốn vào chương trình “Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam” (VIISA) cùng FPT; hay hai quỹ đầu tư đến Korea Invesment Partners (KIP) và Mirae Asset Venture Investment của Hàn Quốc đã rót 10 triệu USD vào start-up Appota của Việt Nam… Nói chung họ đầu tư khá mạnh tay và nhiều", Phó chủ tịch VINASA cho biết.
Theo Vneconomy