Tima, sàn kết nối tài chính và cho vay ngang hàng (Peer to Peer - P2P), vừa nhận được khoản đầu tư 3 triệu USD ở vòng gọi vốn thứ hai (series B) từ Quỹ đầu tư ngoại Belt Road Capital Management (BRCM), với định giá gần 500 tỉ đồng. Trước đó, vào năm 2016, Tima cũng đã huy động được vốn rót từ các quỹ đầu tư Dunearn Singapore Fund, G Capital. Sắp tới, ông Trần Thế Vĩnh, CEO của Tima, còn tiết lộ: “Tima có thể sẽ nhận thêm khoản đầu tư vòng thứ ba”.
Tima được chọn
Tima hiện là công ty Fintech startup, hoạt động trong lĩnh vực kết nối tài chính, cho vay ngang hàng P2P lớn nhất Việt Nam. Đây là mô hình sử dụng các dịch vụ online để kết nối người vay và cho vay. Nơi đây cung cấp các gói sản phẩm vay đa dạng, từ vay trả góp, vay tín chấp theo lương đến vay có thế chấp (sổ hộ khẩu, cầm cố xe ô tô, giấy đăng ký lái xe...). Khách hàng có nhu cầu chỉ cần đăng ký gói vay, tên, số điện thoại, địa chỉ lên webiste/app Tima.
Sau đó, Tima sẽ kết nối người vay với người cho vay và thu một khoản phí từ người cho vay. Từ lúc này, theo tìm hiểu của NCĐT, bên cho vay sẽ tự chịu trách nhiệm trao đổi với bên vay, tự thẩm định hồ sơ, tự thương lượng lãi suất, tự chọn địa điểm ký kết hợp đồng và hình thức chuyển tiền cho vay. Vì thế, ở khía cạnh nào đó, nếu bên vay xù nợ, giả mạo, lừa dối, người cho vay sẽ “lãnh đạn”.
Mặc dù vậy, trong điều kiện lãi gửi tiết kiệm ngân hàng thấp và các thủ tục vay vốn ngân hàng khó khăn, phức tạp, mô hình P2P với lãi cho vay cao hơn, thủ tục nhanh gọn, điều kiện đơn giản, linh hoạt hơn vẫn hấp dẫn người vay lẫn người cho vay. Phía Tima cho biết, chỉ sau hơn 2 năm chính thức triển khai dịch vụ tư vấn, kết nối tài chính (tháng 6.2016), Tima đã có hơn 23.000 đơn vị, cá nhân tham gia vào việc cho vay và khoảng 2 triệu người đăng ký vay. Mỗi ngày, Tima hiện xử lý khoảng 1.500 đơn vay/ngay. Theo website của Tima, tổng tiền giải ngân đã vượt trên 45.000 tỉ đồng.
Trên thực tế, theo nghiên cứu của World Bank, ở Việt Nam có khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho lĩnh vực cho vay P2P. Còn theo số liệu từ bà Dương Nguyễn, chuyên gia kinh tế khu vực tài chính, Vụ Đông Nam Á của ADB, “thị trường cho vay P2P toàn cầu ước tính sẽ tăng trưởng lên tới 53%/năm và có thể đạt tới giá trị 490 tỉ USD vào năm 2020”.
Chính vì thế, khi lần đầu rót vốn vào Việt Nam, thông qua khoản đầu tư vào Tima, Belt Road Capital Management đã cử người của mình tham gia vào Hội đồng Quản trị Tima. Ông Witt Gatchell, Giám đốc Đầu tư của Belt Road Capital Management, kỳ vọng: “Với những kết quả nền tảng đạt được và đội ngũ quản lý mạnh, Tima sẽ có cơ hội lớn trong việc phát triển, mở rộng thị trường”.
Đặc biệt, để người cho vay yên tâm hơn, mới đây Tima cũng ký kết chiến lược với Bảo hiểm VietinBank - VBI. Theo đó, nếu người vay gặp phải những rủi ro không lường trước, VBI sẽ trả giúp họ các khoản vay.
Hành lang niềm tin
Tima không phải là tên tuổi duy nhất trên thị trường P2P ở Việt Nam. Trong lĩnh vực này còn có hàng chục doanh nghiệp tham gia như Finsom (huydong.com), SHA, Mobivi, Vay Mượn, Lenbiz... Dù đã thu hút nhiều đơn vị dấn bước nhưng P2P vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho rằng: “Nếu các công ty P2P chỉ đơn giản là môi giới, kết nối thì khi rắc rối xảy ra, trách nhiệm do hai bên tự giải quyết. Nhưng nếu công ty P2P tổ chức huy động vốn cho vay thì sẽ vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng”. Trong trường hợp này, giả sử công ty phá sản hoặc ôm tiền bỏ trốn, cả người vay lẫn người cho vay đều không được pháp luật bảo vệ.
Người dân Trung Quốc đang thấm thía điều này hơn ai hết. Khi PPMiao phá sản, khoảng 4.000 người đã mất tổng cộng 117 triệu USD. Thực tế, ở những quốc gia phát triển như Anh (với các công ty Zopa, Funding Circle), Mỹ (Lending Club, Prosper, SoFi, OnDeck, Avant)..., để thúc đẩy thị trường P2P lớn mạnh, đều cần một nền tảng chính sách, hạ tầng tài chính minh bạch và đầy đủ.
Về chính sách, mô hình P2P đúng nghĩa là chỉ được đóng vai trò môi giới, kết nối giữa người cho vay và người đi vay, chứ không huy động vốn, trả lãi như tổ chức tín dụng. Ở các nước cũng có những quy định về phong tỏa nguồn vốn chưa giải ngân, nhằm ngăn chặn việc công ty P2P ôm tiền bỏ trốn. Một số công ty P2P trên thế giới (như Zopa) còn thành lập quỹ dự phòng để có nguồn hoàn trả cho nhà đầu tư nếu phát sinh nợ xấu. Nhiều công ty cũng quy định mua bảo hiểm cho khoản vay để phòng ngừa trường hợp người vay vỡ nợ, qua đời hoặc mất việc.
Trong khi đó, Việt Nam hiện chưa có hành lang pháp lý cho P2P. Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo lĩnh vực Fintech. Tổ chức này hướng đến xem xét những giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái, kể cả hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Fintech, gồm cả doanh nghiệp hoạt động cho vay P2P phát triển.
Nhưng như đề cập, nút thắt quan trọng vẫn là Việt Nam thiếu các cơ sở để thẩm định uy tín và năng lực tài chính cá nhân. Một thẻ điểm tín dụng sẽ giúp mô hình P2P ở Việt Nam triển khai dễ dàng hơn, hoạt động đúng nghĩa, giảm rủi ro, bớt bát nháo, tăng niềm tin và bảo vệ quyền lợi cho đôi bên.
Theo Nhịp cầu đầu tư