Đến cuối năm 2017, toàn thị trường có khoảng 132 triệu thẻ ngân hàng, theo thống kê mới nhất từ Hội Thẻ ngân hàng. Điều đáng nói là trong tổng số 132 triệu thẻ này có đến 55 triệu thẻ không hoạt động, tạm gọi là thẻ “rác”, chiếm 41,7%. Nếu giả định chi phí phát hành một chiếc thẻ là 50.000 đồng, số tiền lãng phí cho số thẻ “rác” lên đến 2.750 tỉ đồng. Câu hỏi đặt ra là tại sao các ngân hàng vẫn ồ ạt phát hành thẻ mặc dù biết lượng thẻ “rác” lớn như vậy.
Thẻ “rác” đến từ đâu?
Các ngân hàng đều muốn mở rộng số lượng khách hàng và việc mở thẻ miễn phí là bước đầu để thu thập, làm giàu kho thông tin khách hàng. Trong trường hợp này, các nhân viên được giao chỉ tiêu số thẻ phát hành mà có thể không cần quan tâm thẻ có được sử dụng hay không. Có được thông tin và quan hệ ban đầu với khách hàng, ngân hàng sẽ tiếp cận để chào bán các sản phẩm dịch vụ mà khách hàng có nhu cầu, dần dần chuyển đổi khách hàng từ “tiềm năng” thành “thân thiết”.
Việc phát hành thẻ còn là “điều kiện cần” để các ngân hàng cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng. Thực ra, bản thân chiếc thẻ ATM hay thẻ tín dụng không phải là một sản phẩm dịch vụ ngân hàng đúng nghĩa mà nó chỉ là công cụ thanh toán đối với khách hàng và là công cụ bán hàng đối với ngân hàng. Việc khách hàng quyết định sử dụng dịch vụ của ngân hàng nào không phụ thuộc vào những chiếc thẻ. Ví dụ, khách hàng cần mua vé xem phim mà trong ví có đến 4-5 chiếc thẻ tín dụng, họ sẽ chọn thanh toán bằng thẻ của ngân hàng nào đang có chương trình khuyến mãi hấp dẫn hơn. Ngân hàng luôn cố gắng xây dựng nhiều chương trình khuyến mãi, chương trình liên kết hấp dẫn nhưng nếu công tác phát hành thẻ kém, số lượng thẻ ít thì làm sao tăng trưởng mạnh doanh số. Do đó, các ngân hàng cứ phải đẩy mạnh phát hành thẻ trước để tạo ra công cụ thanh toán cho khách hàng, sau đó mới tính đến việc thu lời từ việc sử dụng thẻ.
Lượng thẻ “rác” còn đến từ việc khách hàng thay đổi nhu cầu sử dụng, mà điển hình nhất là thay đổi tài khoản chi lương. Khi công ty thay đổi ngân hàng chi lương, mỗi nhân viên sẽ được phát hành một thẻ ATM mới. Do hầu hết thu nhập của các khách hàng này đến từ lương, họ có xu hướng chuyển hoàn toàn sang sử dụng dịch vụ của ngân hàng mới. Thẻ ATM cũ sẽ trở thành thẻ không hoạt động. Câu chuyện cũng tương tự đối với trường hợp một người chuyển việc sang nơi làm mới mà nơi mới chi lương qua một ngân hàng khác.
Lãng phí hay không?
Trên bình diện toàn nền kinh tế, sự lãng phí từ thẻ “rác” là có thật và có thể ước tính được. Tuy nhiên, đứng ở góc độ ngân hàng, chuyện lãng phí hay không thì chỉ có các ngân hàng mới hiểu rõ. Các ngân hàng chắc chắn nắm được số lượng thẻ không hoạt động của mình. Họ cũng dễ dàng tính toán được chi phí để phát hành một chiếc thẻ. Do đó, không thể nói các ngân hàng không thấy được lãng phí từ thẻ “rác”. Có thể các ngân hàng chấp nhận lãng phí để đổi lấy các lợi ích khác như thị phần, thông tin khách hàng... như phân tích ở trên.
Dưới một góc nhìn khác, có thể thẻ “rác” không tạo ra sự lãng phí cho ngân hàng như nhiều người nghĩ. Hiện nay, đa số ngân hàng đều có thu phí phát hành thẻ (thường từ 50.000-300.000 đồng tùy loại thẻ). Đúng như tên gọi, số tiền này có thể bù đắp một phần (hoặc toàn bộ) chi phí phát hành thẻ. Đối với thẻ ATM, khách hàng còn phải duy trì một khoản tiền tối thiểu trên tài khoản (50.000-100.000 đồng). Số tiền này tuy nhỏ nhưng khách hàng không thể rút ra được và ngân hàng có thể sử dụng để cho vay mà chỉ phải trả lãi không kỳ hạn. Như vậy, một phần (hoặc toàn bộ) sự lãng phí đối với các thẻ “rác” có thể đã được ngân hàng chuyển sang cho khách hàng.
Đối với các thẻ “rác” phát sinh do khách hàng ngừng sử dụng sau một thời gian, chuyện lãng phí gần như là không có do nguồn thu trong thời gian khách hàng sử dụng đã đủ bù đắp chi phí phát hành thẻ. 55 triệu thẻ “rác” đến cuối năm 2017 là số lượng thẻ “rác” lũy kế, nghĩa là trong đó, nhiều thẻ đã từng được sử dụng và sinh lợi cho ngân hàng.
Hệ lụy cho khách hàng
Ngoài vấn đề gây lãng phí, thẻ “rác” còn có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với khách hàng.
Thỏa thuận sử dụng thẻ ATM hay thẻ tín dụng đều có quy định về mức phí thường niên. Nếu đến thời điểm thu phí thường niên mà tài khoản không có tiền, ngân hàng sẽ xem như một khoản nợ. Nhiều trường hợp khách hàng ngưng sử dụng thẻ ATM một thời gian dài và nghĩ rằng tài khoản không còn tiền thì không sao. Tuy nhiên, khi có việc cần chuyển tiền vào tài khoản thì ngân hàng lập tức thu phí thường niên đã nợ trong nhiều năm trước. Đối với thẻ tín dụng, vấn đề còn phức tạp hơn vì khoản nợ phí thường niên được xem như nợ vay quá hạn nên khách hàng không thể đi vay ở bất cứ tổ chức tín dụng nào khác, đồng thời khoản nợ này liên tục phát sinh lãi quá hạn, nộp càng trễ thì số tiền phải nộp càng cao.
Việc phát hành thẻ dễ dàng còn tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo thuê người đứng tên giúp để mở thẻ ATM nhằm thanh toán các khoản tiền bất hợp pháp. Ngoài ra, cũng có nhiều khách hàng thiếu hiểu biết đã bán các thẻ ATM không sử dụng cho các đối tượng lừa đảo trên, dẫn đến phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các khoản tiền bất hợp pháp được chuyển vào tài khoản.
Để tránh các hệ lụy liên quan đến thẻ “rác”, khách hàng cần phải tỉnh táo trước những lời chào mở thẻ ATM hay nhờ đứng tên mở thẻ giúp, nhận tiền chuyển khoản giúp. Đồng thời, khách hàng cần bảo quản thẻ cẩn thận, nếu không sử dụng thì nên làm thủ tục đóng thẻ và các dịch vụ Mobile banking để tránh phát sinh phí.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn