Toggle navigation
Sự cố Data Center của VNG gây thiệt hại lớn cho nhiều báo
25/09/2018 | 01:03 GMT+7
Chia sẻ :
Một số báo giảm 30% lượt xem trong ngày chủ nhật, ảnh hưởng tới hoạt động của tòa soạn vì bị gián đoạn truy cập hơn ba giờ.
Hàng loạt báo điện tử sử dụng hệ thống quản lý nội dung (CMS) ePi đặt tại trung tâm dữ liệu VinaData của VNG đã không truy cập được từ 11h đến 14h30 ngày 23/9. Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Pháp Luật TP HCM - một trong những báo bị ảnh hưởng, cho rằng sự cố đã gây ra hậu quả lớn cho tòa báo.

Plo.vn và Infonet.vn là hai trong nhiều báo bị ảnh hưởng bởi sự cố Data Center của VNG ngày 23/9.

"Ước tính, lượng truy cập tới trang Plo.vn trong chủ nhật (23/9) bị giảm khoảng 30% so với các cuối tuần trước do độc giả không thể xem được trong nhiều giờ liền", ông Phước nói. "Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động quảng cáo của báo và chúng tôi đang thống kê các con số thiệt hại cụ thể".

Ông Nguyễn Bá, Phó Tổng Biên tập báo điện tử Infonet, cũng nói rằng lượng truy cập tới trang Infonet.vn trong ngày 23/9 bị giảm mạnh. Pageview của Infonet - báo sử dụng CMS đặt tại VinaData của VNG - thấp hơn khoảng 30% so với chủ nhật trước đó.

"Thời gian xảy ra sự cố vào buổi trưa ngày nghỉ nên mức truy cập không phải cao điểm. Tuy nhiên, ngày 23/9 có nhiều sự kiện thời sự được độc giả quan tâm mà trang lại bị gián đoạn trong vài giờ", ông Bá chia sẻ. "Hơn nữa phóng viên, biên tập viên cũng không thể thực hiện thao tác soạn bài, chỉnh sửa nội dung trong suốt thời gian bị sự cố".

Đánh giá về lý do mà VNG đưa ra là Data Center gặp sự cố do mất điện ở Công viên phần mềm Quang Trung (TP HCM), Tổng biên tập báo Pháp luật TP HCM cho rằng điều này thể hiện sự thiếu kỹ lưỡng của VinaData trong việc lên phương án dự phòng. "Công ty Điện lực An Phú Đông (thuộc Tổng công ty Điện lực TP HCM) đã thông báo về việc cắt điện trước nhiều ngày, nên đó hoàn toàn không phải là sự cố bất ngờ", ông Phước nói.

Trước những thiệt hại liên quan đến sự cố Data Center của VNG, Tổng biên tập báo Pháp luật TP HCM cho biết cơ quan này sẽ làm việc để tìm hiểu cụ thể nguyên nhân, các biện pháp xử lý nhằm tránh gặp phải vấn đề tương tự trong tương lai. "Chúng tôi đang tính một số phương án, trong đó bao gồm cả việc lựa chọn đơn vị cung cấp Data Center khác uy tín, ổn định hơn cho thời gian tới", ông Phước cho biết.

Không chỉ ảnh hưởng tới hàng loạt báo, sự cố trung tâm dữ liệu VinaData còn làm tê liệt các dịch vụ của VNG như trang nghe nhạc trực tuyến Zing Mp3, ứng dụng nhắn tin và gọi điện Zalo, cổng thanh toán điện tử Zalo Pay cùng các trò chơi trực tuyến do VNG phát hành. Trong đó, Zalo và Zalo Pay bị lỗi trong hàng chục giờ.

Khách hàng tiếp tục phàn nàn về các dịch vụ của VNG sau sự cố với VinaData.

Trong thông báo mới nhất, VNG đã có lời xin lỗi tới khách hàng sử dụng dịch vụ của họ và cho biết đây là "sự cố nghiêm trọng nhất về trung tâm dữ liệu" mà công ty từng gặp phải, "gây ảnh hưởng không nhỏ" tới đối tác, khách hàng và người sử dụng. Đại diện truyền thông VNG từ chối trả lời về thiệt hại của công ty cũng như đối tác, nhưng cho biết sẽ liên hệ với khách hàng "để xem xét về những thiệt hại cụ thể (nếu có) để đảm bảo quyền lợi chính đáng". 

Công ty thông báo các sản phẩm và dịch vụ đặt tại VinaData đã hoạt động và dần ổn định vào sáng 24/9, song bộ phận truyền thông không nói cụ thể tên của những dịch vụ này. Dù vậy, không ít người dùng phản hồi rằng Zalo đã có thể đăng nhập, trò chuyện trở lại nhưng vẫn lỗi tính năng Nhật ký.

"Mỗi tháng, tôi chi cả chục triệu đồng chạy quảng cáo trên Zalo Ads để bán hàng. Ứng dụng này lỗi suốt ngày hôm qua khiến cửa hàng chúng tôi thiệt hại không nhỏ", Đức Hoàng, một người kinh doanh online, cho biết. "Tôi cũng chưa nhận được thông tin của Zalo về ngân sách quảng cáo hôm qua của mình sẽ được sử dụng ra sao", anh Hoàng nói.

Theo chuyên gia bảo mật Nguyễn Hồng Phúc, việc xảy ra sự cố tại trung tâm dữ liệu do mất điện là điều "khó chấp nhận". Bởi điện, mạng, hệ thống làm mát là ba điều căn bản của trung tâm dữ liệu và là lý do để khách hàng tới sử dụng dịch vụ thay vì đặt máy chủ tại nhà. "Thời gian bảo trì, khắc phục các sự cố như mất điện thể hiện khả năng và chất lượng của các trung tâm. Nếu downtime một phút là chuyện bình thường, 5 phút là sự cố lớn còn 30 phút tới một tiếng là khó chấp nhận được", ông Phúc nói.

Trên website của mình, VinaData viết: "Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn 3 (Tier 3+) với đầy đủ hệ thống nguồn điện, lạnh, PCCC dự phòng". Tuy nhiên, theo Uptime Institute - một tổ chức của Mỹ chuyên đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá cho việc thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý và sự ổn định về dịch vụ của Data Center - tại Việt Nam chỉ có trung tâm dữ liệu của VNPT và FPT là đạt chứng chỉ Tier III do đơn vị này cấp. Để đạt Tier III, Data Center phải đảm bảo thời gian hoạt động liên tục 99,982%, bị gián đoạn không quá 1,6 giờ mỗi năm, có máy phát điện diesel với nhiên liệu chạy được ít nhất 12 giờ.

Theo Quỳnh Anh
Vnexpress
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com