Hệ sinh thái khởi nghiệp được tạo bởi “Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam” (VSV) còn sơ khai nhưng có triển vọng. Đang có nhiều nhóm khởi nghiệp sáng tạo (start-up) được nhà đầu tư định giá là 1,8 triệu - 2 triệu USD trong khi một số nhóm khác đang trong quá trình đàm phán với các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài.
Theo bà Phan Hoàng Lan, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo (start-up), loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh, dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Ở Việt Nam, đến hết năm 2017, có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, đa phần là quỹ của nước ngoài, như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, DJF-Vina Capital, 500 Start-up… Trong nước cũng bắt đầu hình thành mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, các không gian làm việc chung, các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp của các tập đoàn FPT, Viettel và CMC.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp còn rất hạn chế. Nhiều nhóm khởi nghiệp gọi vốn thành công nhưng do nguồn vốn chủ yếu từ các quỹ đầu tư nước ngoài nên khi thành lập doanh nghiệp lại phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài, như Singarore, Malaysia, Thái Lan và Hồng Kông…
Trên thực tế, việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, dù đã được đề cập trong Luật Công nghệ cao năm 2009 và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa khả thi do vướng quy định của một số luật hiện hành, như Bộ luật Hình sự, Luật Ngân sách nhà nước và chưa có văn bản hướng dẫn dưới luật.
Những quy định mang tính đổi mới của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 (Đề án 844) mang lại niềm hy vọng cho cộng đồng start-up.
Điểm quan trọng trong Quyết định 844 là việc Chính phủ cho phép sử dụng một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, tại khoản 3, khoản 5 mục II.
Đặc biệt, tại Khoản 4 mục III, Quyết định 844 nêu rõ: “Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép góp vốn với tổ chức đầu tư khác thành lập quỹ, công ty quản lý quỹ để thực hiện hoạt động cho vay, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” mà thực chất là quỹ đầu tư mạo hiểm.
Thế nhưng, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, ông Nguyễn Quân, cho rằng, chuyển động của Đề án 844 trong hai năm qua vẫn rất chậm và đầu tư mạo hiểm vẫn chỉ được nói trên phương diện lý thuyết.
Ông Nguyễn Quân cũng chỉ rõ, hiện nay, ở Việt Nam, phong trào khởi nghiệp còn nhiều khó khăn do hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn chỉnh, đặc biệt gần như còn thiếu hai thành phần quan trọng là các quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ sở dịch vụ mạnh.
Nhà nước đi trước một bước
Theo kinh nghiệm của Mỹ, Chính phủ liên bang và chính quyền các bang cũng đã sử dụng tiền ngân sách đóng góp vào các quỹ đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển.
Việc Nhà nước “làm gương” đã mang lại thành công cho nước Mỹ. Việc ban hành các quy định pháp luật để quản lý hoạt động của các quỹ này đã giúp hoạt động này dần được xã hội hóa, tư nhân hóa.
Nhà nước Mỹ lúc này chỉ đóng vai trò dẫn dắt, tạo ra hành lang pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển, còn nguồn lực tài chính của các quỹ sẽ hoàn toàn là của các thành phần kinh tế khác.
Nhìn vào kinh nghiệm của nước Mỹ, ông Quân, người nhiều năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nói rằng “còn rất nhiều việc phải làm” để Việt Nam thực hiện được các quy định mang tính nguyên tắc của Đề án 844.
Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, theo nguyên tắc tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường và tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Thứ hai, xem xét điều chỉnh một số quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính để tránh “chụp mũ” cho các nhà khoa học và doanh nghiệp khi sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước hoặc nhà đầu tư tư nhân cho các dự án khởi nghiệp không thành công.
Thứ ba, ban hành hệ thống định mức chi tiêu mới khi sử dụng ngân sách nhà nước, cũng như quy trình thủ tục thanh quyết toán kinh phí phải được đơn giản hóa và công khai minh bạch.
Thứ tư, thí điểm một quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà nước, do SCIC đầu tư theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Đề án 844, để có căn cứ và kinh nghiệm ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phân tích của ông Quân cho thấy nhu cầu có hệ thống văn bản pháp luật cho đầu tư mạo hiểm là rất cấp bách để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cả 3 nhà: khoa học, doanh nghiệp và đầu tư.
Việt Nam đang hướng đến mục tiêu 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ vào năm 2020. Ông Quân nói rằng: “Nếu Nhà nước không dám đầu tư mạo hiểm, sẽ không xây dựng được căn cứ pháp lý và cơ chế vận hành cho hoạt động này, kết quả là tạo ra tâm lý e ngại cho các thành phần kinh tế khác cũng không dám đầu tư”.
Theo Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, song hành với việc cho phép thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, Nhà nước cần đi trước một bước để rút ra “bài học kinh nghiệm” xây dựng cơ chế vận hành loại quỹ này phù hợp với thể chế của một nền kinh tế thị trường.
Một điều vị nguyên Bộ trưởng lưu ý, tỷ lệ thành công ngay cả trong nghiên cứu ứng dụng ở các nước phát triển dao động xung quanh mức 20%. Ông Quân nói điều này trong bối cảnh Việt Nam chưa có khái niệm và kinh nghiệm “đầu tư mạo hiểm”, dù trong khu vực kinh tế tư nhân việc thất bại trong kinh doanh được chấp nhận ở cả hai yếu tố “mạo hiểm” hay “rủi ro”.
Theo Báo Nhịp cầu đầu tư