Không chỉ dùng email giả mạo, tội phạm gần đây còn mạo danh cả cơ quan công an để gọi điện lừa khách hàng cung cấp thông tin thẻ.
Chị Thanh (TP HCM) nhận email từ hệ thống của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank, yêu cầu điền các thông tin cá nhân như tên, mật khẩu, địa chỉ liên lạc…
Ngay khi nhận, chị đã thấy email này có nhiều điểm bất thường, như câu chữ trong thư lủng củng, từ ngữ không rõ ràng, đặc biệt là thư hỏi rất nhiều thông tin cá nhân riêng bao gồm số thẻ và số bảo mật trên thẻ (CCV/CVV). "Đây là những thông tin mật của chủ thẻ thì không có cớ gì ngân hàng lại gửi email hỏi", chị chia sẻ.
Ngay sau đó, đại diện VPBank cho biết, ngân hàng đã tiến hành kiểm tra, rà soát và khả năng có kẻ gian lợi dụng, giả mạo email rồi gửi hàng loạt thư yêu cầu khách hàng khai báo thông tin với mục đích đánh cắp tài khoản cá nhân.
Tin nhắn được gửi đến khách hàng để cảnh báo nạn lừa đảo chuyển tiền.
Trong khi đó, bà Thu (68 tuổi) ở Quảng Ngãi cũng một phen hốt hoảng khi nhận được một cuộc gọi của người lạ tự xưng là công an hình sự đang điều tra vụ án buôn bán ma tuý ở Hà Nội.
Người này nói bà Thu có liên quan đến đường dây vận chuyển ma tuý lớn Bộ Công an đang điều tra và yêu cầu bà phải khai báo thành khẩn tất cả số tiền đang có trong ngân hàng (bao nhiêu tiền, gửi những sổ tiết kiệm nào, tên tuổi, mã thẻ gửi tiết kiệm...). Đồng thời, bà Thu cũng được yêu cầu ra ngân hàng làm thủ tục chuyển khoản theo hướng dẫn của họ, để được xem xét giảm nhẹ tội.
"Ban đầu tôi cũng hoảng hốt và định khai hết tiền bạc gửi ở ngân hàng, nhưng sau đó nghĩ mình trước giờ chỉ quanh quẩn ở nhà thì sao dính vào đường dây buôn bán ma tuý gì đó được. Tôi kịp bình tĩnh và bảo để nói lại với con trai rồi gọi lại sau", bà kể và cho biết sau đó không thấy họ gọi lại nữa.
Trước diễn biến trên, các ngân hàng đã liên tục đưa ra cảnh báo về những thủ đoạn tinh vi của tội phạm để gửi đến khách hàng. Mới đây nhất, Maritime Bank đã gửi thư và chỉ rõ cho khách hàng cách nhận biết hành vi gian lận của tội phạm công nghệ như nhận email thông báo thẻ bị khóa, yêu cầu cung cấp lại thông tin cá nhân, trong đó có thông tin thẻ để kích hoạt hoặc mở lại thẻ, bổ sung thông tin cá nhân, thông tin tài khoản thẻ vào link sẵn có... là những chiêu lừa đảo.
Ngoài ra, ngân hàng khuyên khách nên cảnh giác các cuộc gọi từ số điện thoại lạ với đầu số +31385 hoặc +36022, đa phần dàn dựng giả vụ án bắt cóc để đòi tiền chuộc gửi đến một tài khoản lạ, hoặc cuộc gọi mạo danh cơ quan chính quyền, người quen đề nghị chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định để nhận tiền mặt, quà có giá trị rất lớn từ nước ngoài…
Đại diện Maritime Bank khẳng định các ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách cung cấp các thông tin cá nhân hoặc thông tin bảo mật như số tài khoản ngân hàng, số PIN thẻ ATM, mã truy cập và mật khẩu Internet Banking qua email hay điện thoại. Đó đều là thư mạo danh ngân hàng hoặc tổ chức thẻ quốc tế nhằm đánh cắp thông tin.
VPBank cũng gửi thư cảnh báo tới khách hàng và khuyến cáo người dùng không cung cấp thông tin đăng nhập, thông tin tài khoản, mã OTP cho bất kỳ trang web, yêu cầu nào… Đồng thời nhà băng này cho biết đã phối hợp với đối tác thực hiện các biện pháp ngăn chặn triệt để, tiếp tục tiến hành các biện pháp nâng cao để tránh các sự việc tương tự.
Trong khi đó, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) thì khuyến nghị khách hàng bảo mật an toàn thông tin cá nhân, tài khoản và thẻ tín dụng khi gần đây xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng có chủ đích nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin về thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của các khách hàng được ghi nhận tại một số nhà băng trong nước.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho hay, qua các phản ảnh, cơ quan này đã yêu cầu các ngân hàng rà soát quy trình nội bộ, đồng thời phát đi cảnh báo để khách hàng lưu ý và đề nghị cơ quan công an vào cuộc.
Theo ông, khách hàng nên bình tĩnh phân tích bởi kịch bản của đối tượng lừa đảo hoàn hảo đến đâu vẫn có kẽ hở. Chẳng hạn để mở thẻ tín dụng, ngân hàng luôn yêu cầu phải có bản chính CMND, xác minh thu nhập... Bên cạnh đó, đối tượng gọi điện thoại đến thường không biết thông tin mà yêu cầu khai tên tuổi rồi mới tiết lộ nội dung thư....
Một vị chuyên gia nhìn nhận, thủ đoạn phạm tội của đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, trong khi các nhà băng còn sử dụng không ít công nghệ thẻ và ngân hàng điện tử kém bảo mật. Song song đó, nhiều khách hàng chưa có ý thức giữ gìn các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng đã khiến Việt Nam trở thành “vùng trũng” của tội phạm công nghệ cao.
Do đó, theo ông, bên cạnh việc ngân hàng phải gia tăng bảo mật thì phía khách hàng cũng phải nhận thức rõ hơn các khả năng bị lừa đảo để tránh bị lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.
Thep Lệ Chi
Vnexpress