Toggle navigation
Muốn không gian mạng an toàn, cần quản lý từng hành vi người dùng
07/09/2018 | 01:04 GMT+7
Chia sẻ :
Có những cô gái mất cả tuổi thanh xuân vì những lời đàm tiếu của cộng đồng. Muốn ngăn chặn hành vi “ném đá” trên Internet, cơ quan chức năng cần quản lý định danh đến từng người dùng mạng xã hội.

Khi hành động ảo tạo ra hậu quả thật

Hẳn nhiều người còn chưa quên vụ việc gây sốc về cô nữ sinh tự tử ở Đồng Nai. Tháng 6/2015, nữ sinh N.T.A.T (SN 2000) hoảng hốt khi phát hiện clip quay cảnh ân ái của mình với bạn trai đã bị tung lên mạng xã hội. Sau một tuần cầu xin cộng đồng mạng gỡ bỏ clip bị phát tán, người dùng Facebook vẫn tiếp tục chia sẻ một cách vô cảm. Tủi hổ và không chịu được áp lực từ những bình luận ác ý của cư dân mạng, T. đã uống thuốc diệt cỏ tự vẫn. Khi gia đình T. phát hiện, mọi chuyện đã trở nên quá muộn.

Ngay sau vụ việc thương tâm, Phạm Tấn Lộc (22T), người yêu của T. đã bị Công an huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra về hành vi “giao cấu với trẻ em”. Cơ quan điều tra cũng củng cố hồ sơ để xử lý Lộc về hành vi tung clip "nóng” lên mạng và làm nhục người khác.

Cô nữ sinh ở Đồng Nai tự tử vì không chịu đựng được những lời lẽ ác ý của người dùng mạng xã hội khi bị người yêu cũ phát tán clip sex. 

Không thể phủ nhận hành vi sai trái mà Phạm Tấn Lộc đã gây ra. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của gia đình và người thân nữ sinh Đồng Nai, thủ phạm thực sự dẫn đến cái chết của em lại chính là cộng đồng mạng. 

Tháng 7/2017, dư luận tại Việt Nam cũng từng bức xúc trước vụ việc hai nữ sinh đòi tự tử vì tin đồn thất thiệt trên Facebook. Kẻ xấu lan truyền thông tin hai nữ sinh bị bắt vì hành vi cưỡng hiếp một nam thanh niên đến tử vong. Sự thật là hai cô gái vô tội bị cắt ảnh để gán ghép vào thông tin nhạy cảm, ác ý.

Đứng trên góc độ pháp luật, những vụ việc kể trên có thể quy vào hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác. Việc xử phạt hành vi này được quy định tại điều 121 Bộ luật Hình sự. “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Mới đây, dư luận cũng bức xúc trước những lời bình luận thiếu văn hoá của một số người dùng mạng xã hội trên trang Facebook của HLV Park Hang Seo. Dù rằng sau đó, trang Facebook này được xác định là không chính chủ. 

Tuy nhiên, giống như vụ việc ở Đồng Nai, vụ hai nữ sinh khủng hoảng đến mức muốn tự tử vì xấu hổ, uất ức chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đây chỉ là một trong vô vàn trường hợp mà mạng xã hội trở thành kẻ tiếp tay cho những người có ý đồ xấu.

Đó là khi, những lời bình luận, dè bỉu, chê bai của các cư dân mạng giống như những mũi dao vô hình, có thể lấy đi sự tự tin, ước mơ, hoài bão và thậm chí là cả mạng sống của người khác. Đó cũng là lúc mà người ta nhận ra, mạng xã hội là ảo nhưng hậu quả gây ra là thật

Cần công cụ quản lý từng người dùng mạng xã hội

Không thể phủ nhận những lợi ích mà Internet mang lại. Nó đã biến thế giới mà chúng ta đang sống không chỉ thành một thế giới phẳng, mà còn tạo nên một thế giới kết nối không khoảng cách. Nhưng khi tất cả mọi người cùng được liên kết với nhau, những hành động xấu trên không gian ảo cũng sẽ dễ dàng cộng hưởng và phát tán, tạo ra những tác động mà không ai có thể lường trước được.

Trên thế giới ảo, những hành vi trộm cắp (bản quyền), lừa đảo (chuyển tiền, mã thẻ cào), bôi xấu, hạ nhục danh dự con người gây ra hậu quả thật. Tác hại của nó thậm chí còn nghiêm trọng hơn ngoài đời thực nhờ khả năng phát tán vô cùng nhanh chóng. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai? và chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Trách nhiệm này thuộc về rất nhiều bên, trong đó có người dùng, cơ quan quản lý và nhà cung cấp các dịch vụ mạng xã hội trên Internet. Nhưng trước hết, đó phải là công việc của những nhà làm luật. 

Pháp luật cần có những biện pháp cứng rắn hơn để có thể quản lý được những luồng thông tin lan truyền trên Facebook. Hơn hết, cần phải quy trách nhiệm từng cá nhân với những phát ngôn của mình, dù đó chỉ là những lời bình luận trên các trang mạng xã hội. 

Việt Nam đã có chế tài pháp lý nhất định để xử lý các hành vi vi phạm, tuy nhiên phải thừa nhận rằng, chúng ta chưa làm tốt việc ngăn chặn những thông tin giả, cũng như cách mà cái ác, cái xấu đang len lỏi vào từng cái like, câu chữ trên những mạng xã hội như Facebook.

Nhìn lại lịch sử, pháp luật xuất hiện ngay từ khi có những hình thái tổ chức xã hội đầu tiên của loài người. Đây là công cụ hữu hiệu nhất để đưa hệ thống xã hội vào khuôn khổ. Thực tế cho thấy rõ điều đó, khi mà các hành vi vi phạm pháp luật dù tinh vi đến đâu, đều vẫn có thể quy về các điều luật cơ bản. Tuy nhiên, việc phát triển với tốc độ nhanh chóng của Internet đã khiến các nhà làm luật cảm thấy bối rối, và hệ thống pháp lý của nhiều quốc gia vẫn chưa thể điều chỉnh hiệu quả mọi hành vi trên không gian ảo.

Đó là bởi các khung pháp luật về quản lý Internet vẫn còn rất sơ khai. Chúng ta không sở hữu các chế tài đủ sức răn đe, xử lý các hành vi vi phạm. Pháp luật cũng cần đủ sức nặng để những Google, Facebook hay bất cứ một công ty xuyên biên giới nào khác phải có văn phòng đại diện tại mỗi quốc gia họ kinh doanh dịch vụ. Nếu còn tình trạng người dùng ảo truy cập mạng theo hình thức ẩn danh, việc truy tìm để xử lý những kẻ có tội cũng sẽ là không tưởng.

Chỉ khi đủ các công cụ để quản lý đích xác từng công ty Internet, từng người dùng mạng xã hội, khi từng lời bình luận, từng cái like có thể đưa ra làm bằng chứng trước tòa, người dân mới hoàn thiện được quy tắc ứng xử trên môi trường Internet. Hy vọng đến lúc đó, những cái chết thương tâm như của cô nữ sinh Đồng Nai sẽ không còn tái diễn.

Theo Trọng Đạt
Vietnamnet
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com