Manh mối nhiều vụ trọng án tại TP.HCM thời gian qua đã được lần ra từ những dữ liệu của camera an ninh.
Trung úy Phạm Quốc Hòa - Công an P.15, Q.10, TP.HCM - quan sát các hình ảnh từ hệ thống camera - Ảnh: HỮU KHOA, ÁI NHÂN
"Án trộm cắp trên địa bàn phường có tỉ lệ phá án đã nâng lên khoảng 80% nhờ hình ảnh từ camera, trước đây chỉ hơn 40%"
"Người dân luôn là nguồn thông tin hỗ trợ tốt nhất cho lực lượng công an phá án, camera an ninh lại như "cánh tay nối dài" của người dân giúp chỉ ra các đầu mối, bằng chứng lần tìm ra hung thủ trong các vụ trọng án" - đó là lời của một cán bộ điều tra kỳ cựu thuộc lực lượng điều tra trọng án, Phòng hình sự (PC45) Công an TP.HCM khi nói về vai trò của hệ thống camera an ninh của người dân và camera ở nơi công cộng.
"Chìa khóa" nhiều vụ trọng án
Trong vụ án trộm cắp tài sản, giết người và che giấu tội phạm liên quan hai "hiệp sĩ" bị giết khi nỗ lực bắt hai "đạo chích" Nguyễn Tấn Tài (còn gọi là Tài "mụn", 24 tuổi, ngụ quận 12) và Nguyễn Hoàng Châu Phú (24 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) tại đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.3) xảy ra vừa qua, vai trò của hệ thống camera an ninh cũng rất lớn.
Một cán bộ điều tra tham gia phá vụ án này kể hiện trường vụ án có ít manh mối, vì hai đối tượng gây án là "đạo chích chuyên nghiệp", con dao dùng để đâm là loại "chuyên dụng", chuôi dao lồng 4 ngón tay vào nên khi ra tay, hung thủ không để lại dấu vết gì trên cơ thể nạn nhân.
Manh mối còn lại là các nhân chứng và quan trọng nhất là hệ thống camera an ninh quanh hiện trường. Hàng trăm chiến sĩ của PC45 và công an quận 3, quận 10... được huy động để thu thập, kiểm tra toàn bộ hệ thống camera tại hiện trường và hướng bỏ trốn.
Từ hình ảnh thu thập được ở các camera an ninh quanh hiện trường, cơ quan điều tra đã nhận diện được đối tượng, xe và biển số xe của Phú, Tài để lần theo từng bước di chuyển của hai tên này.
Trong vụ án được dư luận đặc biệt chú ý gần đây là vụ bắt cóc hai trẻ em quốc tịch Mỹ tại quận 11, vai trò của hệ thống camera an ninh cũng đóng góp cực kỳ lớn trong việc tìm ra, giải cứu các nạn nhân.
Theo lãnh đạo Công an quận 11 - nơi xảy ra vụ án, ngay khi nhận tin báo, Công an quận 11 đã kiểm tra từng hình ảnh của hệ thống camera ở hiện trường, nơi xảy ra vụ bắt cóc. Từ đó xác định chính xác người dẫn các nạn nhân ra khỏi trường học là ai, ai chở các nạn nhân đi và đi theo hướng nào...
Từ hình ảnh mà hệ thống camera an ninh công cộng cung cấp, kết hợp với camera của các hộ dân trên lộ trình di chuyển của nhóm bắt cóc mà khu vực dùng để che giấu nạn nhân được khoanh vùng, thu hẹp tối thiểu.
Vụ án được phá, hai nạn nhân được giải cứu an toàn tuyệt đối chỉ trong hơn 40 giờ từ khi xảy ra. Trong khi trước đó, cũng một vụ án bắt cóc xảy ra trên địa bàn quận 11, lực lượng chức năng đã phải mất 88 ngày đêm mới giải cứu được nạn nhân.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - trưởng Phòng tham mưu, người phát ngôn của Công an TP.HCM - cho biết hệ thống camera an ninh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Chưa có con số thống kê chính xác nhưng có thể tính toán sơ bộ trên địa bàn TP.HCM có vài chục ngàn camera phục vụ việc theo dõi, giám sát an ninh trật tự, trong đó phần lớn của các doanh nghiệp, người dân.
Số khác của công an, ngành giao thông vận tải, Đài Tiếng nói VN (VOV)... được tích hợp để theo dõi tại Trung tâm chỉ huy Công an TP.HCM.
Dự kiến sau khi xây dựng đồng bộ, các hệ thống trên toàn TP.HCM sẽ chia ra ba cấp để tích hợp hình ảnh, xử lý. Cấp đầu tiên là phường, xã; thứ hai là quận, huyện và cấp thứ ba là Trung tâm chỉ huy Công an TP.HCM.
Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Nâng tỉ lệ phá án
Chiều 19-5, trung úy Phạm Quốc Hòa nhận nhiệm vụ trực ban tại Công an phường 15 (quận 10). Đứng trước 4 màn hình tivi 32 inch chi chít ô hình ảnh quan sát từ các camera "mắt thần" của phường, trung úy Hòa lần lượt điều khiển thay đổi các màn hình ghi hình các đường tại các khu phố 4, 6, 7, 8 của phường.
Trên màn hình tivi, tất cả các tuyến khu Bắc Hải lần lượt được cán bộ công an quan sát: Đồng Nai, Cửu Long, Ba Vì, Trường Sơn, Bạch Mã, Hồng Lĩnh...
Màn hình tiếp tục chuyển đến các góc quay tại các tuyến đường trọng điểm như Tô Hiến Thành, Thành Thái, Hồ Bá Kiện, tuyến quanh công viên Lê Thị Riêng, tuyến hẻm trọng điểm chuyển hóa tệ nạn ma túy 601 Cách Mạng Tháng 8...
Ông Trương Hoài Phong, chủ tịch UBND phường 15 (quận 10), cho hay nhận thấy lợi ích của camera an ninh, từ năm 2016 đến nay phường đã triển khai vận động đến từng khu phố (phường có 8 khu phố) để người dân góp tiền lắp các camera tại các đường lớn, khu vực trọng điểm, khu vực cần chuyển hóa tệ nạn...
Đã có 4 khu phố hoàn chỉnh lắp hơn 150 camera. Phường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp để lắp các camera giám sát không dây 2.0 1080p trở lên bảo đảm zoom có thể thấy rõ biển số xe đi trên đường. Chi phí mua camera và kiểm tra, bảo trì hoàn toàn từ người dân đóng góp.
Ông Phong cho hay các camera sẽ kết nối truyền hình ảnh về cho các máy chủ đặt tại trụ sở công an phường. Có 8 màn hình giám sát 32 inch (sẽ hoàn thiện trong thời gian tới) tương ứng với 8 khu phố sẽ giám sát toàn bộ địa bàn phường.
Công an phường sẽ cử cán bộ giám sát 24/24 giờ đối với các màn hình để kịp thời xử lý các vấn đề an ninh trật tự tại địa bàn. Thậm chí hình ảnh camera còn giúp địa phương xử phạt các hành vi xả rác, xả nước thải, lén đổ xà bần...
"Riêng án trộm cắp trên địa bàn phường có tỉ lệ phá án đã nâng lên khoảng 80% nhờ hình ảnh từ camera, trước đây chỉ hơn 40%. Bên cạnh đó có sự hỗ trợ từ hệ thống camera người dân tự lắp đặt cho nhà của riêng mình đã giúp địa phương giám sát tốt an ninh trật tự địa phương" - ông Phong khẳng định.
"Khéo léo vận động người dân từ thực tiễn hiệu quả của hệ thống camera giám sát thì người dân sẵn lòng đóng góp kinh phí để triển khai thôi" - trung tá Lê Thành Hưng, nguyên trưởng Công an phường 12, quận Gò Vấp, hiện công tác tại Công an quận Gò Vấp, nói.
Theo trung tá Hưng, phường 12 được ghi nhận là đơn vị đầu tiên triển khai vận động người dân lắp đặt "mắt thần" để đấu tranh phòng chống tệ nạn, tội phạm từ năm 2013. Đến nay, tại 16 phường của quận Gò Vấp đều phủ hệ thống camera giám sát với hơn 2.000 "mắt thần".
Từ mô hình của phường 12, Công an TP.HCM đã sơ kết, nhân rộng ra các đơn vị khác của TP.HCM.
Chất lượng hình ảnh 4K
Trung tá Lê Thành Hưng, Công an quận Gò Vấp, cho hay camera có nhiều giá khác nhau tùy chất lượng với tuổi thọ bình quân khoảng 2-4 năm. Về độ phân giải hình ảnh, từ ban đầu là analog, sau đó đến HD 1080, full HD và nay là công nghệ hình ảnh 4K.
Để bảo đảm chất lượng camera phải thường xuyên kiểm tra, bảo trì, thay mới. Chi phí cho công tác này được người dân tự nguyện đóng góp.
Theo báo Tuổi trẻ