Toggle navigation
Khung chuyển đổi số - nhìn từ ngành ngân hàng
03/06/2018 | 06:47 GMT+7
Chia sẻ :
Trong những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc tới tất cả các ngành trong nền kinh tế. Những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngân hàng, bán lẻ, du lịch, giáo dục, nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Những ngành này là những ngành quan trọng trong nền kinh tế, do vậy các doanh nghiệp trong ngành cũng như đơn vị quản lý nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu cần tập trung nguồn lực thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp.

Kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là chuyển đổi số, hay gọi vắn tắt “số hóa”. Doanh nghiệp cần chuyển đổi số vì các lý do: (1) khách hàng đã số hóa thông qua việc họ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều; (2) đối thủ cạnh tranh đã chuyển sang số hóa; (3) bản thân doanh nghiệp cần phát triển những sản phẩm/dịch vụ mới trên nền tảng số; (4) doanh nghiệp số hóa nhằm gia tăng hiệu quả và hiệu suất vận hành; (5) áp dụng số hóa thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.


Những giá trị của số hóa doanh nghiệp rất cụ thể và rõ ràng, tuy nhiên tại Việt Nam, chuyển đổi số vẫn là những thách thức lớn trên phương diện mục tiêu, con người, công nghệ, chi phí và triển khai. Bài viết này giới thiệu khung triển khai thực dụng 11 P với các ví dụ trong ngành ngân hàng nhằm đưa ra những gợi ý về công tác chuyển đổi số.


Bốn chữ P trước chuyển đổi


Để thực hiện chuyển đổi, doanh nghiệp cần thực hiện 4 P trước chuyển đổi, bao gồm:


1. People - Nhân lực: Chuyển đổi số cũng như bất kỳ các thay đổi lớn nào trong doanh nghiệp đều cần nguồn nhân lực cam kết và dấn thân. Nhân lực bao gồm nhân viên, chuyên viên và nhà quản lý cần được đào tạo về kiến thức kỹ năng bổ trợ. Đặc biệt cần trả lời được câu hỏi Why (Tại sao) đối với lãnh đạo cấp cao cũng như các nhân viên. Câu hỏi Why đối với nhân lực ngân hàng đó chính là làn sóng FinTech - khởi nghiệp công nghệ tài chính và sự chuyển đổi mạnh mẽ của các ngân hàng nước ngoài về công nghệ số.


2. Process - Quy trình: Chuyển đổi số đòi hỏi các quy trình của ngân hàng phải đúng chuẩn và theo thông lệ quốc tế. Các ngân hàng đã có hệ thống Core Banking theo đúng chuẩn sẽ dễ dàng chuyển đổi số vì tính tương thích với các giải pháp số hóa ngân hàng phần cứng và phần mềm trên thế giới. Lý do thứ hai khi ngân hàng có các quy trình chuẩn thì nhân lực và cơ cấu cũng được chuẩn hóa theo, rất dễ dàng chuyển đổi và hỗ trợ số hóa trong giai đoạn triển khai.


3. Plant - Hạ tầng phần cứng trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp: Các ngân hàng đầu tư phần cứng chuẩn hóa và tương thích với nhau sẽ hạn chế các rủi ro và khó khăn khi triển khai các giải pháp số trong hệ thống chi nhánh của mình.


4. Plan - Kế hoạch hay chiến lược số hóa của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp cần có những kế hoạch phù hợp với chiến lược cũng như các hoạt động của chính mình. Một ngân hàng tập trung vào các dịch vụ bán lẻ chắc chắn có kế hoạch số hóa khác hẳn với ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực cho vay doanh nghiệp. Trong chữ P cuối cùng này, doanh nghiệp cần chú trọng 5 mục: (a) thứ tự ưu tiên của các hạng mục chuyển đổi; (b) rủi ro và phương án khắc phục trong quá trình chuyển đổi; (c) khả năng thực thi của doanh nghiệp trên thực tế; (d) tính tương thích với các thành phần khác trong hệ thống; (e) bảo mật thông tin và dữ liệu khi chuyển đổi số hóa.


Chúng ta thấy sự liên quan mật thiết giữa 4 chữ P trong công tác chuẩn bị. Đầu tiên doanh nghiệp cần chuẩn hóa quy trình thông qua đó chuẩn hóa nhân lực và cơ cấu tổ chức. Tiếp đó là chuẩn bị phần cứng và kế hoạch đạt tới các mục tiêu của số hóa doanh nghiệp.


Khung mục tiêu 7 P


Sau khi chuẩn bị 4 P đảm bảo thành công của kế hoạch chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần có mục tiêu rõ ràng gắn kết với hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, đây cũng là vấn đề khó khăn với các doanh nghiệp Việt Nam khi rất khó kết hợp số hóa vô hình với các sản phẩm/dịch vụ hay quy trình hữu hình. Các doanh nghiệp có thể sử dụng khung mục tiêu 7 P để kết nối số hóa và các quy trình hữu hình.


1. Product - Sản phẩm và dịch vụ: Thông qua số hóa, các doanh nghiệp có thể đưa ra các sản phẩm và dịch vụ mới hoàn toàn trên nền tảng số hóa hoặc kết hợp số hóa một phần để thỏa mãn nhu cầu khách hàng nhiều hơn. Ví dụ, ngân hàng có thể áp dụng tín nhiệm số đánh giá tín dụng của khách hàng cá nhân. Chữ P thứ nhất cũng là nguồn kiến tạo đổi mới sáng tạo nhiều nhất, vì nó kết nối giá trị giữa khách hàng và doanh nghiệp.


2. Productivity - Gia tăng năng suất: Số hóa doanh nghiệp nhằm gia tăng năng suất của người lao động thông qua các công cụ như hỗ trợ từ dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo, hệ thống xử lý hình ảnh và âm thanh. Các nhân viên ngân hàng có thể tự học tự phát triển trên hệ thống hỗ trợ và đào tạo trực tuyến. Có thể nói gia tăng năng suất là mục tiêu thấy rõ ràng nhất khi chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua công cụ, quy trình và giải pháp số hóa.


3. Problem-fixed - Giải quyết vấn đề: Trên nền tảng số hóa, các nhân viên sẽ xử lý vấn đề hiệu quả hơn do có dữ liệu và quy trình rõ ràng thay vì phải tìm tòi truy cập các tài liệu như giấy tờ, sổ sách. Tiếp cận thông tin nhanh chóng, đầy đủ trên nền tảng số hóa sẽ giúp giải quyết vấn đề nhanh gọn. Các nhân viên ngân hàng sẽ dễ dàng chia sẻ và tìm cách giải quyết vấn đề thông qua ngân hàng xử lý sự cố trên nền tảng dữ liệu lớn trong quá khứ vận hành của ngân hàng và toàn hệ thống ngân hàng.


4. Performance - Hiệu năng hệ thống: Mục tiêu thứ tư của số hóa nhằm gia tăng hiệu năng vận hành của doanh nghiệp. Hiệu năng doanh nghiệp có thể hiểu ngắn gọn là nhanh hơn, ổn định hơn, an toàn hơn, chính xác hơn, tốt hơn... Ví dụ các thiết bị công cụ nhận dạng sinh học như quét võng mạc, dấu vân tay sẽ giúp giảm thời gian và tăng tính chính xác của ngân hàng trong các nghiệp vụ. Nền tảng dữ liệu lớn giúp cho ngân hàng có thể hỗ trợ khách hàng trong các dịch vụ ngân hàng như thanh toán quốc tế, bảo hiểm, dịch vụ thẻ một cách hiệu quả hơn.


5. Persistent - Tính đồng nhất: Số hóa toàn bộ quy trình kinh doanh đảm bảo cho doanh nghiệp có được tính đồng nhất về thực thi giữa các nhân viên với nhau, giữa các chi nhánh với nhau và giữa các sản phẩm/dịch vụ với nhau. Chất lượng chính là tính đồng bộ. Nếu như doanh nghiệp không số hóa, họ sẽ rất khó quản lý và kiểm soát hàng chục ngàn giao dịch trong một ngày, một giờ trên toàn hệ thống. Ví dụ, một hệ thống nhận dạng hình ảnh và giọng nói tích hợp trong toàn bộ hệ thống giao dịch tại tất cả chi nhánh ngân hàng sẽ tự động kiểm soát và thông báo các vấn đề phát sinh cần giải quyết.


6. Predict - Dự báo: Trên nền tảng số hóa, doanh nghiệp có thể dự báo các biến động từ khách hàng, thị trường cũng như từ các nhà cung cấp. Dự báo được thực hiện trên dữ liệu lớn của doanh nghiệp cũng như tất cả các bên liên quan tới doanh nghiệp. Dữ liệu càng nhiều, càng chuẩn cùng với hệ thống AI (trí thông minh nhân tạo) sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện tốt các dự báo trên các cấp độ như chi nhánh, vùng hay cả nước. Các ngân hàng có thể thực hiện các dự báo về nguồn tiền gửi, khả năng cho vay của ngân hàng mình cũng như toàn bộ thị trường, qua đó sẽ lập và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với những biến động thị trường cung và cầu tín dụng.


7. Prevent - Ngăn ngừa: Số hóa khi kết hợp với AI, hệ thống tự động cùng với các hệ thống giám sát thời gian thực và trực tuyến sẽ giúp ngăn chặn các rủi ro trong kinh doanh. Ví dụ, các nhân viên ngân hàng khi xử lý hồ sơ tín dụng có thể nhận được sự trợ giúp thời gian thực của hệ thống cảnh báo tự động từ dữ liệu lớn và AI. Ngân hàng có thể triển khai hệ thống tự động đánh giá các hoạt động và khi phát hiện những rủi ro có thể cảnh báo cho cấp quản lý hỗ trợ thêm cho nhân viên trong việc xử lý các rủi ro có thể xảy ra. Ngân hàng có thể sử dụng các thiết bị IoT (Internet kết nối vạn vật) cảnh báo tại các máy rút tiền ATM khi có kẻ lạ xâm nhập vào phần cứng của máy ATM.


Khung 4 P chuẩn bị và 7 P mục đích sẽ giúp cho doanh nghiệp đạt được chữ P cuối cùng - Perfection - hoàn hảo trong quá trình chuyển đổi số. Mục tiêu 7 P rất đơn giản và dễ dàng truyền thông từ lãnh đạo xuống các cấp quản lý chức năng. Thông qua 7 P mục đích, các giám đốc chức năng có định hướng làm việc với nhau hướng tới kết quả chung của toàn doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngày nay chúng ta nói rất nhiều về đổi mới sáng tạo. Khung 7 P cũng tạo ra những định hướng giúp doanh nghiệp thay đổi hướng tới những giá trị sáng tạo mới cho khách hàng.


Cuối cùng, khung 11 P trả lời ba câu hỏi quan trọng và cốt yếu nhất cho mọi lãnh đạo doanh nghiệp: Why - tại sao chúng ta lại chuyển đổi số, How - chúng ta chuyển đổi như thế nào, và What - chúng ta sẽ chuyển đổi những gì.


Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com