Tại phiên tọa đàm “Thành phố thông minh - Góc nhìn của các lãnh đạo” đã tập trung thảo luận các khía cạnh thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển hạ tầng làm nền tảng cho việc xây dựng Thành phố thông minh.
Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội (ASOCIO Smart City Summit 2018 - Hanoi) có chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số” diễn ra hôm nay, ngày 18/9, Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình đã điều phối phiên tọa đàm “Thành phố thông minh - Góc nhìn của các lãnh đạo”. Phiên tọa đàm này có sự tham gia của ông Pereric Hogber, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam; ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam; ông Ekramul Hoque, Thị trưởng thành phố Mymensingh (Bangladesh); ông Ram Bahadur Thapa, Giám đốc Ban Phát triển hạ tầng Đô thị, thành phố Kathmandu (Nepal); Ông Richard Ker, Trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa, Cyberview, Cyberiaya, Malaysia; ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội và ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS). Các khía cạnh thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển hạ tầng làm nền tảng cho việc xây dựng Thành phố thông minh là nội dung đã được các nhà lãnh đạo tham dự tọa đàm tập trung thảo luận.
Đáng chú ý, trả lời câu hỏi của một đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về “Hà Nội có những giải pháp gì để huy động vốn cho các dự án thành phố thông minh?”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, khi đưa ra chương trình cho cả lộ trình xây dựng Thủ đô trở thành Thành phố thông minh, Hà Nội cũng dành nguồn lực nhất định từ nguồn ngân sách Thành phố cho việc thực hiện.
“Tuy nhiên, chúng tôi đã xác định sẽ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn. Và theo xu hướng khi Hà Nội đã hình thành ra các dịch vụ công, chúng tôi sẽ định hình và phân loại dần những dịch vụ này trên tinh thần: tất cả những dịch vụ công nào mà tư nhân có thể làm được thì sẽ chuyển dần cho tư nhân làm. Trên tinh thần đó, nguồn lực từ chính những người dân và các dịch vụ mà người dân sử dụng cũng là nguồn lực được Hà Nội huy động để tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo cho xây dựng Thành phố thông minh”, ông Chung chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ chuyển hướng sang huy động mọi nguồn lực trong đó có cả nguồn lực về tài chính, chất xám vào việc xây dựng thành phố thông minh.
Nhấn mạnh Hà Nội đã có chủ trương xã hội hóa, thực hiện thuê dịch vụ CNTT liên quan đến các phần mềm, các hạ tầng của các doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Thành phố sẽ thuê tối đa dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp, từ Data Center đến dịch vụ bảo mật cũng như các dịch vụ thuê đường truyền, viết phần mềm. Có thể nói, chúng tôi chuyển hướng sang huy động mọi nguồn lực trong đó có cả nguồn lực về tài chính, chất xám vào việc xây dựng thành phố thông minh cho Hà Nội”.
Ngay trước đó, trong phát biểu khai mạc hội thảo, một lần nữa khẳng định Hà Nội cũng lựa chọn mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, ông Nguyễn Đức Chung đã nêu rõ: “Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành những thành phần cơ bản của thành phố thông minh và đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh.
Ngày 5/12/2017, tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP.Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT mới được điều chỉnh của Hà Nội đã bổ sung nhiệm vụ “Xây dựng Thành phố thông minh: Hình thành Trung tâm điều hành thông minh thành phố Hà Nội và một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh (giao thông, y tế, du lịch, giáo dục, năng lượng, môi trường thông minh…)”.
Tiếp đó, tại Kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước TP.Hà Nội năm 2018 được UBND Thành phố ban hành đầu năm nay, UBND Thành phố đã nêu rõ một trong những mục tiêu lớn của kế hoạch này là triển khai xây dựng một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xã hội của cơ quan quản lý nhà nước, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và năng lực cạnh tranh của Thành phố.
Cụ thể, trong năm 2018, Thành phố lên kế hoạch sẽ tập trung xây dựng, hình thành Trung tâm Điều hành thông minh của Hà Nội và triển khai một số thành phần cơ bản của các hệ thống giao thông thông minh, du lịch thông minh theo lộ trình.
Theo M.T
Ictnews