Phản ứng lại lệnh cấm mà tỉnh Khánh Hòa đưa ra đối với dịch vụ GrabCar, Grab Việt Nam cho rằng đây là quyết định thiếu công bằng và dịch vụ này hoạt động vẫn đúng theo quy định của đề án thí điểm.
Grab bị cấm hoạt động ở Khánh Hòa. Ảnh minh họa: Internet
Grab Việt Nam vừa có những phản hồi mới nhất về yêu cầu tạm dừng thí điểm dịch vụ GrabCar trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, phía Grab cho hay, Khánh Hòa là 1 trong 5 địa phương mà doanh nghiệp này được quyền triển khai dịch vụ GrabCar như trong đề án thí điểm.
Trong thư phản hồi, Grab cho biết đã nhiều lần gửi văn bản cũng như làm việc trực tiếp với Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà để xin được xem xét, xin được hướng dẫn để công ty có thể thực hiện thí điểm Đề án 24 theo đúng quy định. Tuy nhiên, sau 9 lần gửi văn bản và làm việc với UBND, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, đến nay phía Grab chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào từ cơ quan chức năng.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng cho rằng đang có sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực cung cấp phần mềm hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Để minh chứng cho các lập luận của mình, Grab Việt Nam cho biết: "Trong công văn số 2222/SGTVT-QLVTPT&NL (ngày 3/10/2017) của Sở GTVT báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa có nêu, từ tháng 4/2017 sẽ cho dừng thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của công ty TNHH GrabTaxi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, để tập trung cho hai đơn vị thí điểm khác là Công ty CP Ánh Dương Việt nam (Vinasun) và Công ty CP SUN Taxi với số lượng xe thực hiện là 100 xe”.
Công văn này cũng kiến nghị “không bổ sung thêm các doanh nghiệp thực hiện đề án ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đối với loại hình xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống”.
Tuy nhiên, đến ngày 10/11/2017, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa lại thống nhất cho phép Công ty Cổ Phần Khai thác bến xe và dịch vụ vận tải Khánh Hòa ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng thông qua phần mềm ứng dụng kết nối EMDDI.
Điều này đã và đang cho thấy sự đối xử không công bằng của Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa đối với các đơn vị triển khai thí điểm. "Việc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa kiến nghị dừng hoạt động của GrabCar sau đó lại cho phép doanh nghiệp khác thực hiện thí điểm tại địa phương đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ hoạt động quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng".
Grab vẫn đang làm việc tích cực với UBND và Sở GTVT Khánh Hòa để giải thích và xin hướng dẫn cụ thể trên cơ sở triển khai thực tiễn.
Theo Duy Vũ
Ictnews