Gần 100 doanh nghiệp CNTT Việt lần đầu cùng chuyên gia quốc tế thảo luận về CMMI 2.0
Ngày 6/6, lần đầu tiên tại Việt Nam, gần 100 doanh nghiệp CNTT đã cùng 2 chuyên gia hàng đầu của Tổ chức đảm bảo chất lượng quốc tế (QAI Global) tham gia hội thảo “CMMI 2.0 và Tự động hóa quy trình quản lý chất lượng”.
Chuyên gia của QAI Global chia sẻ về CMMI 2.0 tại hội thảo “CMMI 2.0 và Tự động hóa quy trình quản lý chất lượng” được tổ chức ngày 6/6/2018.
Chương trình hội thảo “CMMI 2.0 và Tự động hóa quy trình quản lý chất lượng” do FPT Software phối hợp với QAI Global tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cập nhật những thông tin mới nhất và kinh nghiệm áp dụng CMMI 2.0 trong hoạt động cung cấp dịch vụ phần mềm.
CMMI (Capability Maturity Model Integration) được xem như vé thông hành cho các doanh nghiệp CNTT tham gia vào chuỗi cung cấp dịch vụ phần mềm trên toàn cầu, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu thay đổi của toàn cầu hóa, việc nâng cấp các version của CMMI là điều bắt buộc với các doanh nghiệp phần mềm.
CMMI 2.0 là phiên bản CMMI hoàn toàn mới được Viện Công nghệ Phần mềm Hoa Kỳ (SEI) công bố vào tháng 3/2018. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên tiếp cận với CMMI 2.0 thông qua chương trình hội thảo ngày 6/6.
Cấu trúc CMMI 2.0 thay đổi toàn diện hơn so với các phiên bản trước giúp các doanh nghiệp dù chưa có kinh nghiệm nhiều trong lĩnh vực CMMI vẫn có thể tìm hiểu và áp dụng. Điều quan trọng nhất là CMMI 2.0 giúp các doanh nghiệp có được một quy trình cao cấp hơn để phân tích/ đánh giá và thích ứng nhanh hơn trong các điều kiện thay đổi mới, giải quyết được vấn đề cần theo dõi và điều chỉnh kịp thời các kế hoạch của doanh nghiệp khi cần thiết.
Hội thảo cũng là một trong những hoạt động của FPT Software nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT Việt Nam xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI để nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất phần mềm theo tiêu chuẩn cao nhất của thế giới. Trước đó, năm 2009, FPT Software đã chuyển giao Bộ tài liệu hỗ trợ triển khai, xây dựng, áp dụng và thi lấy chứng chỉ CMMI mức 5 cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam.
Lần đầu tiên các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cùng chuyên gia quốc tế thảo luận về CMMI 2.0.
Là doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng quy trình CMMI cũng như các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế khác, năm 2002, FPT Software là doanh nghiệp đầu tiên của khu vực Đông Nam Á đạt chứng chỉ CMMI level 4. Hiện FPT Software đã đạt được chứng chỉ CMMI 5 version 1.3, mức cao nhất tại thời điểm này. Sự kiện này đã đưa FPT Software vào danh sách khoảng 150 công ty và tổ chức trên toàn thế giới được Viện Công nghệ Phần mềm Hoa Kỳ (Viện CMMI) công nhận Hệ thống quy trình sản xuất phần mềm đạt mức cao nhất trong mô hình trưởng thành về năng lực sản xuất phần mềm.
Theo ông Kamlesh Kothari, chuyên gia tư vấn CMMI của QAI Global, việc xây dựng quy trình quản lý chất lượng vô cùng quan trọng đối với các công ty xuất khẩu phần mềm, đặc biệt khi thị trường xuất khẩu phần mềm toàn cầu đang thay đổi. Chứng chỉ CMMI giúp doanh nghiệp tạo được uy tín, nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thế giới.
Thống kê của Viện CMMI cho thấy, khoảng một nửa số doanh nghiệp được khảo sát không có quy trình chuẩn. Cụ thể, có 50% doanh nghiệp không có tài liệu hướng dẫn quy trình; 33% tổ chức gặp khó khăn trong kế hoạch vận hành và vướng mắc trong việc điều chỉnh lúc cần thiết, 54% tổ chức không đo lường những vấn đề phát sinh.
Chia sẻ về sự kiện, ông Thái Quang Hy, Phó Giám đốc Quản lý chất lượng của FPT Software cho biết: “Là doanh nghiệp luôn tiên phong trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động sản xuất kinh doanh, FPT Software mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm, kiến thức mới nhất và hữu ích nhất về CMMI cho cộng đồng CNTT Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành CNTT”.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Qúy Thiện, Trưởng nhóm công nghệ thuộc Phòng quy trình kỹ thuật phần mềm của FPT Software, khi áp dụng CMMI cho doanh nghiệp, quan trọng nhất là phải có kế hoạch cụ thể. Doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kĩ về CMMI, lựa chọn nguồn nhân lực chất lượng để triển khai dự án, đi theo các bước cụ thể theo chuẩn CMMI và giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó cần kết hợp đồng đều giữa yêu cầu của khách hàng và chuẩn của CMMI để có thể đạt chuẩn quá trình áp dụng CMMI mà không bị gián đoạn hay gặp khó khăn trong quá trình triển khai tại doanh nghiệp.
Theo Vân Anh
Ictnews