Dân số trẻ, sự phổ biến của smartphone, ít người có tài khoản ngân hàng... là những yếu tố sẽ đưa Fintech Việt Nam đạt quy mô 8 tỷ USD.
Các công ty Fintech đang phát triển sôi nổi khắp nơi trên thế giới. Theo thống kê của PricewaterhouseCoopers, các Fintech đã thu hút hơn 40 tỷ USD vốn đầu tư trong 4 năm qua. Tại châu Á - Thái Bình Dương, vốn đổ vào Fintech giai đoạn tháng 1/2016 - tháng 2/2017 đạt gần 15 tỷ USD. Cơ hội cho startup lĩnh vực này là có thật và Việt Nam cũng vậy.
Theo nghiên cứu từ Solidiance, một công ty tư vấn tập trung vào khu vực APAC, thị trường Fintech Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD trong năm 2017 và sẽ đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Solidiance cho rằng, tiềm năng của thị trường này đến từ nhiều yếu tố, như mức độ thâm nhập của Internet và điện thoại thông minh tại các đô thị, sự phổ biến của ví điện tử, thu nhập và khả năng tiêu dùng tăng, thương mại điện tử phát triển.
Công ty này cũng ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam như việc thành lập 'Ban chỉ đạo Fintech' và các chính sách khác. Nếu Chính phủ đạt được mục tiêu 70% người dân trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng trong 2 năm tới, hoàn toàn có thể đẩy nhanh cơ hội phát triển cho các công ty Fintech.
Điện thoại thông minh phổ biến là cơ hội cho Fintech Việt Nam. Ảnh: Thành Nguyễn
"Điều quan trọng là phải thừa nhận sự phát triển của Ban Chỉ đạo Fintech của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đây là một bước đi quan trọng, cho thấy cách tiếp cận nghiêm túc của chính phủ để phát triển một khuôn khổ có thể hướng dẫn ngành công nghiệp phát triển. Nhưng vấn đề quan trọng là các sản phẩm và dịch vụ mới ra đời có nhận được hướng dẫn pháp lý kịp thời để dự đoán thị trường và giảm thiểu rủi ro", chuyên gia Michael Sieburg của Solidiance nhận định.
Ông cũng cho rằng thời gian cấp phép lâu cũng là yếu tố cản trở sự đổi mới và triển vọng tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực Fintech. "Tìm ra sự cân bằng giữa khuyến khích đổi mới và bảo vệ lợi ích chung sẽ là chìa khóa", ông nói.
Solidiance cho biết các giải pháp thanh toán kỹ thuật số chiếm 89% thị trường Fintech Việt Nam. Lĩnh vực tài chính cá nhân và doanh nghiệp được dự đoán sẽ tăng lần lượt lên 31,2% và 35,9% vào năm 2025.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy phần nào bởi mục tiêu giảm sử dụng tiền mặt của Chính phủ. Năm ngoái, Chính phủ công bố kế hoạch giảm các giao dịch tiền mặt trong hoạt động mua sắm của người dân xuống dưới 10% vào năm 2020.
Theo báo cáo năm 2014 của Ngân hàng Thế giới, chỉ 31% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Tỷ lệ thấp bởi phí giao dịch cao, việc lập tài khoản yêu cầu nhiều giấy tờ, khách hàng khó tiếp cận dịch vụ và niềm tin vào các dịch vụ tài chính chưa cao.
Đến năm 2017, 84% người dùng di động ở Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Các ứng dụng thanh toán có thể góp phần thu hút những người dùng không thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống.
"Các hình thức thanh toán kỹ thuật số không chỉ làm thay đổi thị trường bán lẻ mà còn cả những thanh toán cho dịch vụ công hoặc chính phủ điện tử, vốn đang gặp nhiều khó khi triển khai ở nông thôn", Michael Sieburg nhận định.
Vị chuyên gia dự đoán Việt Nam sẽ nổi lên là một trong những người đi đầu về các giải pháp Fintech trong khu vực vào thập kỷ tới. Ông lạc quan về sự trẻ trung, tràn đầy năng lượng và tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tại đây. Tuy nhiên, ông cho rằng cũng còn nhiều việc phải làm phía trước.
Phiên An - Vnexpress
Theo Forbes