Toggle navigation
Fintech nước ngoài không dễ vào Việt Nam
09/05/2018 | 08:47 GMT+7
Chia sẻ :
Hàng loạt công ty công nghệ tài chính (fintech) ngoại đang chen chân vào thị trường Việt Nam, nơi được đánh giá là rất hấp dẫn vì dân số trẻ, "nghiện" công nghệ. Tuy nhiên, để dịch vụ fintech chiếm thị phần áp đảo không dễ.

Ông Varun Mittal, lãnh đạo của khối fintech tại khu vực ASEAN của  EY - Ảnh: EY

Bên lề một hội thảo gần đây về fintech diễn ra tại Hà Nội, Thời báo Kinh tế Sài Gòn online đã có buổi phỏng vấn ông Varun Mittal, lãnh đạo khối fintech tại khu vực ASEAN của EY, một trong những công ty kiểm toán và tư vấn hàng đầu thế giới, liên quan tới làn sóng fintech tại Việt Nam thời gian gần đây.

TBKTSG Online: Fintech ở khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đang phát triển mạnh mẽ, nguyên nhân vì sao? Theo ông, đây là xu hướng tất yếu hay chỉ là trào lưu sớm nở tối tàn?

Ông Varun Mittal: Theo khảo sát của chúng tôi, đầu tư vào lĩnh vực fintech trong khu vực và trên thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2016-2017, dòng vốn chảy vào lĩnh vực này đạt con số 26,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đón nhận dòng vốn lớn nhất, đạt 14,8 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 50% trong tổng số dòng vốn chảy vào lĩnh vực này.

Khu vực ASEAN cũng như Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển fintech khi có tỷ lệ dân số trẻ, yêu thích công nghệ; tỷ lệ dân số chưa tiếp cận với dịch vụ ngân hàng lớn; tỷ  lệ bao phủ Internet rộng... Theo điều tra của chúng tôi, tính đến tháng 10-2017, có khoảng 125 nhà đầu tư với số tiền 2 tỉ đô la Mỹ đang mong muốn chảy vào lĩnh vực fintech trong khu vực ASEAN.

Thực tế, fintech đang ngày càng gắn liền với cuộc sống của chúng ta, nó mang ý nghĩa là tài chính gắn kết với công nghệ; nấc phát triển tiếp theo sẽ là finlife, tức công nghệ gắn liền với cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Tôi tin rằng, fintech không phải là một phong trào sớm nở tối tàn, nó sẽ phát triển ổn định, thậm chí bùng nổ vì mọi người đều muốn tận hưởng cuộc sống một cách tiện lợi hơn….

Chúng tôi nhận thấy còn một bộ phận rất lớn người dân không tiếp cận được với các dịch vụ tài chính. Thậm chí cả khách hàng đã tiếp cận với dịch vụ tài chính vẫn có cơ hội để phát triển sản phẩm cung cấp cho họ những trải nghiệm mới.

Ví dụ, tôi đặt vé xem phim nhưng tôi không chắc rằng tôi có thể đi xem phim vào ngày mai. Nếu tôi có thể mua bảo hiểm vé máy bay thì tại sao tôi không thể mua bảo hiểm cho một chiếc vé xem phim?

Tại nhiều quốc gia, bảo hiểm cho vé xem phim đã diễn ra. Khách hàng bỏ thêm 1% giá trị vé xem phim để mua bảo hiểm. Nếu trong trường hợp xấu, khách hàng không thể đi xem phim được thì họ sẽ nhận lại tiền mua vé. Từ ví dụ này cho thấy, với sự hỗ trợ của công nghệ, bảo hiểm có thể xuất hiện ở nhiều loại hình, nhiều sản phẩm.

Tương tự trong lĩnh vực ngân hàng. Tôi không thể sở hữu một ngôi nhà to, nhưng liệu tôi có thể sở hữu 2% của ngôi nhà đó? Nếu có một công nghệ nào có thể thực hiện được việc này thì tôi sẵn sàng tham gia.

Cách mà tôi nhìn fintech không phải là sớm nở tối tàn mà đây là một hành trình và chúng ta mới chỉ ở những ngày đầu của giai đoạn đó.

Tại các nước trong khu vực ASEAN, quan hệ giữa fintech và ngân hàng diễn ra như thế nào, thưa ông?

Mối quan hệ giữa các ngân hàng và fintech không phải lúc nào cũng giống nhau. Hiện nay có hai loại hình fintech là B2B startup (các công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp) và B2C startup (các công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đến khách hàng). B2C startup cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng trong khi B2B startup lại hợp tác với ngân hàng. Đôi khi B2C startup sử dụng một số dịch vụ của ngân hàng và xây dựng dịch vụ khác của riêng mình.

Đối với fintech, họ sử dụng công nghệ nên chi phí thấp hơn, họ cũng không phải trả tiền để xây dựng thương hiệu, trong khi ngân hàng phải tốn chi phí lớn để vận hành và xây dựng thương hiệu. Fintech có thể cho vay với nhóm đối tượng khách hàng cá nhân, trong khi ngân hàng phục vụ nhóm đối tượng khách hàng là doanh nghiệp với những khoản tiền giao dịch lớn hơn.

Do đó, không có sự phân định rõ ràng về mối quan hệ này, có những fintech có quan hệ tốt với ngân hàng, một số thì không. Thậm chí, các bộ phận khác nhau trong ngân hàng cũng có quan điểm khác nhau trong việc hợp tác với fintech.

Các fintech khu vực Đông Nam Á phát triển khá nhanh và mạnh song đang phải đau đầu đối phó với làn sóng tấn công từ các fintech nước ngoài, ví dụ, Alipay và Wechat Pay của Trung Quốc đã vào Việt Nam và theo nhiều tờ báo quốc tế, Apple cũng có ý định đưa ví điện tử Apple Pay vào Việt Nam. Theo ông, làm thế nào để fintech trong nước có thể cạnh tranh với các đối thủ mạnh ngay từ giai đoạn còn chập chững?

Hiện nay, theo tôi biết, Wechat Pay chỉ dành cho khách du lịch Trung Quốc. Họ sửa dụng Wechat Pay tại nước của họ và khi sang Việt Nam họ vẫn có thể sử dụng nó. Hiện nay có nhiều fintech Việt Nam, thay vì cạnh tranh đã hợp tác với Wechat Pay để cung cấp dịch vụ cho du khách Trung Quốc. Du khách Trung Quốc không thể sử dụng được Wechat Pay tại Việt Nam nếu fintech Trung Quốc này không có sự hợp tác với fintech Việt Nam.

Điều này không có gì đáng lo ngại, khi du khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài trong vòng 5 ngày, họ sẽ không muốn mở ví điện tử của một nước khác, ví dụ như Singapore chẳng hạn, và họ vẫn mong muốn sử dụng ví điện tử mà họ đang sử dụng.

Đúng là có những công ty fintech nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam và vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về tính tốt, xấu của làn sóng này. Tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam có thể quyết định được mức độ đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định.

Hiện nay có hai hình thức Fintech nước ngoài. Nếu là một ứng dụng fintech cho khách hàng cuối cùng sử dụng, doanh nghiệp này khi vào Việt Nam phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Nếu là công nghệ hỗ trợ trong ngân hàng, thì điều này đang xảy ra không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Nếu tôi là một ngân hàng Việt Nam, tôi luôn muốn sử dụng công nghệ tốt nhất cho ngân hàng của mình. Nơi nào có công nghệ tốt nhất, giá cả phải chăng nhất tôi đều muốn sử dụng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com