GoBear, một công ty fintech của Singapore, đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Fintech là một trong những lĩnh vực có sự phát triển sâu rộng trên phạm vi toàn cầu.
Hãy thử tưởng tượng ngân hàng sẽ chỉ mất chưa tới 10 giây để duyệt khoản vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), các máy rút tiền tự động ATM sẽ không còn tác dụng mà thay vào đó là một ngân hàng trực tuyến, tất cả giao dịch chỉ qua dấu vân tay của khách hàng… Đây không còn là những ứng dụng ở thì tương lai nữa mà đang được áp dụng thử nghiệm tại nhiều ngân hàng của Việt Nam nhằm cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới, có hiệu quả hơn.
Đột phá trong công nghệ
Nhà sáng lập Steven Landman và là CEO của KIU, một công ty công nghệ khởi nghiệp chuyên về lĩnh vực tài chính - fintech, cho biết đã phải mất một năm để tự nghiên cứu, phỏng vấn khoảng 600 doanh nghiệp nhỏ và vừa trước khi quyết định cho ra đời dịch vụ công nghệ tài chính KIU. Kết quả cho thấy 57% số các công ty SME được phỏng vấn không thể tiếp cận được các khoản vay từ ngân hàng vì họ thường không có tài sản thế chấp và cũng không có lịch sử tín dụng. Do đó, Landman và các cộng sự đã bắt tay xây dựng một công nghệ có thể giúp ngân hàng dễ dàng thu thập dữ liệu của các doanh nghiệp SME thông qua những thống số như hàng tồn kho, doanh thu bán hàng… Ngược lại, KIU cũng xây dựng hệ thống đánh giá sự tín nhiệm sử dụng trí thông minh nhân tạo để các ngân hàng có thể chấm điểm cho các doanh nghiệp SME không đến mười giây.
“Giải pháp này dựa chủ yếu vào những vấn đề mà các doanh nghiệp SME gặp phải. Tôi đã thiết kế nền tảng công nghệ này và phải mất ba năm sau để xây dựng lên nó”, ông Landman nói. Hiện KIU đang hợp tác với ngân hàng
VIB thông qua cuộc thi Fintech Challenge Vietnam (FCV).
Theo ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc VIB, giải pháp của KIU giúp các ngân hàng nhanh chóng phê duyệt các khoản vay cho cộng đồng SME. Các SME có thể sử dụng các gói dịch vụ của KIU với giá 7 đô la Mỹ mỗi tháng và ngân hàng sẽ có dữ liệu chính xác và đáng tin cậy về tình hình hoạt động của SME, từ đó đưa ra quyết định có cho những đối tượng này vay hay không.
KIU chỉ là một nền tảng trong rất nhiều nền tảng công nghệ đang được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam. Những cái tên nổi bật và vừa đoạt giải trong cuộc thi FCV có thể kể đến như Weezi Digital với tham vọng thay thế các chi nhánh ngân hàng truyền thống bằng các ngân hàng điện tử, sử dụng công nghệ sinh học như nhận diện khuôn mặt, vân tay để hoàn tất các giao dịch với khách hàng.
Hay như Wecash nhắm tới nhóm khách hàng là những người có thu nhập khoảng 200 đô la mỗi tháng. Những người này khó có khả năng vay vốn từ ngân hàng vì họ gần như không có lịch sử tài chính. Wecash đánh giá tín nhiệm của nhóm đối tượng này thông qua một hệ thống đánh giá các dữ liệu như hệ thống định vị toàn cầu GPS, ID, mạng xã hội, hoạt động thương mại điện tử và hơn 4.000 biến số khác trên thiết bị di động của họ… Dựa trên mức độ tín nhiệm đó, ngân hàng sẽ đưa ra quyết định cho vay của mình.
Tại thị trường Việt Nam hiện nay có khoảng 78 công ty fintech đang hoạt động. So với các nước khác trong khu vực con số này còn rất khiêm tốn. Ví dụ như Singapore có khoảng 490 fintech, Indonesia là 262 fintech, Malaysia 196 Fintech. Đa số các công ty fintech của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, chiếm tới 47% và đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo sự đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện đã có sự dịch chuyển dần từ fintech trong lĩnh vực thanh toán sang các lĩnh vực khác, khó hơn và mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn.
Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về đánh giá của các tổ chức tín dụng có liên quan tới một số công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được thực hiện hồi tháng 4 năm nay cho thấy, các các tổ chức tín dụng cho rằng, điện toán đám mây hiện có ảnh hưởng mạnh nhất tới các các tổ chức tín dụng và được xếp hạng công nghệ đã trưởng thành (5/5). Phân tích dữ liệu lớn cũng có tác động mạnh, được đánh giá là công nghệ bắt đầu trưởng thành (4/5).
Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo; Blockchain được xem là các công nghệ nhiều triển vọng, được xếp bậc (3/5) về mức tác động, độ trưởng thành ở mức trung bình. Trong khi Internet kết nối vạn vật, tự động hóa quy trình bằng robot chưa được các các tổ chức tín dụng đánh giá cao, độ tác động và độ trưởng thành ở mức thấp.
Khung pháp lý... hụt hơi
Fintech là một trong những lĩnh vực có sự phát triển sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Fintech đã và đang thâm nhập vào mọi mặt ngóc ngách của dịch vụ tài chính như thanh toán, cho vay, tư vấn và đầu tư chứng khoán, quản lý tài sản, bảo hiểm…và thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý tài chính, ngân hàng trung ương trên thế giới.
Sự xuất hiện của làn sóng fintech một mặt đem lại hiệu ứng tích cực với người tiêu dùng và ngành dịch vụ tài chính bằng tư duy đổi mới sáng tạo, nhạy bén với nhu cầu người dùng, tính hiệu quả của ứng dụng mới, tăng tiện ích và đem lại trải nghiệm mới mẻ cho người dùng. Có thể kể đến một số sản phẩm, dịch vụ nổi bật như ví di động, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, tư vấn đầu tư tự động robo advisor, cho vay ngang hàng P2P lending...
Tuy nhiên, cùng với sự ra đời của các tổ chức không phải là ngân hàng (non-banks) cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán là sự xuất hiện của các doanh nghiệp Fintech cung ứng dịch vụ cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng, quản lý thông tin tài chính cá nhân trên nền tảng ứng dụng công nghệ số như công nghệ di động, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn... Điều này đã khiến việc cạnh tranh thu hút khách hàng trong ngành dịch vụ tài chính ngày càng gay gắt.
Nhiều chuyên gia quốc tế ví sự xuất hiện của các Fintech giống như kẻ phá bĩnh “disruptor” trong lĩnh vực ngân hàng. Theo bản báo cáo mới công bố hồi tháng 4 vừa qua của McKinsey&Company, ngày càng có nhiều khách hàng sẵn sàng sử dụng dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng số hoàn toàn và những ngân hàng số này đang cạnh tranh thị phần quyết liệt với những ngân hàng truyền thống.
Tại Hàn Quốc, Kakao, một công ty công nghệ của Hàn Quốc đã cho ra mắt ngân hàng số Kakaobank. Ngân hàng này kết nối trực tiếp với các ứng dụng Kakaotalk và Kakaopay, cho phép người tiêu dùng kết nối với bạn bè trong danh sách liên hệ của mình và thực hiện các giao dịch tài chính với họ. Dù mới thành lập vào năm 2016 nhưng với tốc độ tăng trưởng chóng mặt, Kakaobank hiện đã huy động vốn được 6 tỉ đô la và cho vay khoảng 5 tỉ đô la tính tới tháng 2 vừa qua. Ngân hàng số này đã mở rộng danh mục cung ứng sản phẩm của mình sang các lĩnh vực như thế chấp, thẻ tín dụng và các phương thức thanh toán mới.
Nếu như các ngân hàng truyền thống mất từ 50 đến 100 năm để đứng vững trên thị trường tài chính thì các ngân hàng số chỉ mất dưới mười năm để có được thị phần tương tự nhờ ứng dụng công nghệ số. Với nhịp độ đổi mới nhanh, hệ sinh thái mở và đa dạng, kết nối xuyên biên giới, Fintech đặt ra rất nhiều thách thức cho cả ngân hàng truyền thống và cơ quan quản lý.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng vụ Thanh toán thuộc NHNN, các công ty fintech hầu hết là các công ty khởi nghiệp non trẻ, xuất phát từ lĩnh vực công nghệ, chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức nền tảng về quản trị tài chính - ngân hàng. Bên cạnh đó, do sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ trong khi các quy định pháp lý còn chưa theo kịp nên có thể chưa có đầy đủ các biện pháp quản lý.
“Những rủi ro có thể kể đến như đảm bảo an toàn bảo mật hệ thống công nghệ trước rủi ro an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu người dùng, năng lực tài chính, nguồn nhân lực thích hợp nhằm phòng ngừa rủi ro liên quan cũng là những thách thức, rủi ro khá thường trực”, ông Dũng nói và cho biết thêm “Đôi khi hoạt động của các công ty Fintech cũng có thể gây tổn hại đến người tiêu dùng, gây mất niềm tin cho hệ thống tài chính ngân hàng nếu không có các chính sách quản lý, giám sát phù hợp”. Do vậy, theo ông Dũng, yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với các cơ quan quản lý là cần sớm hoàn thiện hệ sinh thái Fintech, trong đó khuôn khổ pháp lý là ưu tiên hàng đầu.
Trong thời gian tới, NHNN dự kiến sẽ nghiên cứu để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty Fintech đồng thời sẽ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox). Khuôn khổ này sẽ phép các công ty Fintech thí điểm các sản phẩm, dịch vụ Fintech dưới sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng nhằm một mặt thúc đẩy đổi mới sáng tạo về công nghệ đồng thời hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra cho khách hàng.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn