Toggle navigation
Doanh nghiệp nội trong làn sóng chuyển đổi số
16/01/2019 | 03:03 GMT+7
Chia sẻ :
Ngày càng nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực tại Việt Nam đầu tư cho kế hoạch chuyển đổi số để tận dụng cơ hội mới và không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã thực hiện kế hoạch chuyển đổi số nhằm tăng hiệu suất hoạt động, khả năng cạnh tranh trên thương trường.

Chuyển đổi số cũng đã được Chính phủ nhìn nhận là yếu tố quan trọng giúp nước ta không bỏ lỡ con tàu cách mạng công nghiệp này. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi số nhằm tăng hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh, giá trị doanh nghiệp trong thời đại công nghệ.

Tại sự kiện Vietnam Web Summit 2018 do TopDev tổ chức hôm 13-12 vừa qua, ông Trần Quang Kiên, Giám đốc điều hành Công ty Entrust Consulting (chuyên tư vấn và triển khai chuyển đổi số), cho rằng chuyển đổi số hiểu một cách đơn giản là việc ứng dụng công nghệ vào hệ thống quản trị của doanh nghiệp với các mục đích nâng cao hiệu quả kinh doanh, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với khách hàng (qua mạng xã hội…) và gắn kết nội bộ với nhau (truyền thông và tương tác nội bộ).

Chuyển đổi số phù hợp với nhiều loại hình doanh nghiệp

Với kinh nghiệm tư vấn, triển khai chuyển đổi số cho khoảng 50 doanh nghiệp trong hai năm qua, Entrust Consulting cho biết nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã thực hiện kế hoạch chuyển đổi số và điều này đã giúp tăng hiệu suất hoạt động và tăng giá trị cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số có thể áp dụng thành công với nhiều loại hình doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn và ở nhiều ngành nghề khác nhau.

Ông đưa ra dẫn chứng rằng trước đây khi Tập đoàn Kinh Đô chưa triển khai các giải pháp phần mềm quản trị doanh nghiệp, việc định giá để bán cổ phần cho đối tác nước ngoài thấp hơn rất nhiều sau khi chuyển đổi số. Nêu một ví dụ khác, ông cho biết nhờ chuyển đổi số thành công mà Thế giới Di động đã tiết kiệm được nguồn lực cho nhiều hoạt động của nhà bán lẻ này.

Nếu không triển khai chuyển đổi số, chỉ với công việc thay đổi giá bán sản phẩm tại hàng trăm siêu thị điện máy của hệ thống trên toàn quốc sẽ trở nên rất phức tạp vì khi đó các quản lý cửa hàng phải về “tổng hành dinh” của doanh nghiệp này để in giá mới rồi mang về cửa hàng dán đè lên giá cũ. Nhưng khi đã triển khai phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) tập trung, nhà bán lẻ này chỉ cần thay đổi giá trên hệ thống phần mềm là đồng loạt giá tại các cửa hàng sẽ được thay đổi theo trên phần mềm.

Theo ông Kiên, chính vì hiểu được lợi ích của việc số hóa nên Tập đoàn Vingroup đã bỏ ra một khoản đầu tư rất lớn trong hai năm qua để triển khai hệ thống phần mềm nhằm nâng cao việc quản trị nguồn lực của các hoạt động kinh doanh của các công ty thành viên trong các lĩnh vực bất động sản, bệnh viện, trường học, thương mại điện tử, công viên giải trí… trên cùng một hệ thống.

Ông Kiên cho rằng, khi triển khai phần mềm quản trị tập trung như trên thì các quản lý tại các công ty thành viên của Vingroup đều phải tuân thủ theo quy trình. “Vingroup đầu tư lớn cho kế hoạch chuyển đổi số bởi họ nhận thức được rằng một quyết định sai của người quản lý sẽ gây hậu quả lớn về tài chính. Với một hệ thống có số liệu rõ ràng theo thời gian thực, thì các quyết định sai của người quản lý sẽ giảm đi”, ông Kiên nói.

Trước xu hướng chuyển đổi số diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đã đưa ra chiến lược về chuyển đổi số. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập FPT được tổ chức gần đây, Chủ tịch hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình, khẳng định sứ mệnh của tập đoàn này là đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội có giá trị hàng chục tỉ đô la Mỹ cho Việt Nam bởi vì các công ty và tổ chức đang đẩy mạnh việc số hóa trong thời đại Internet. Việt Nam sẽ là thị trường lớn của việc chuyển đổi số.

Được biết, FPT không chỉ cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước mà còn cung cấp cả cho phía nước ngoài, trên phạm vi toàn cầu. Tập đoàn này cũng sử dụng nhân lực người Việt Nam để cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho các công ty, tổ chức trên toàn cầu. Cách đây vài tháng, Tập đoàn FPT đã chi hơn 40 triệu đô la Mỹ để mua lại 90% số cổ phần của Công ty Intellinet Consulting, một công ty tư vấn công nghệ tại Atlanta, Mỹ.

Ông Bình cho biết, FPT mua lại cổ phần này nhằm tăng cường sự hiện diện ở mảng cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho khách hàng tại các thị trường như Mỹ, Nhật, Pháp…Thương vụ này sẽ giúp FPT nâng tầm vị thế công nghệ, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số. Điều này giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu bức thiết của khách hàng khi phải quản trị nhiều đối tác trong cùng một dự án chuyển đổi số có quy mô lớn.

Không chỉ FPT, gần đây các tập đoàn trong nước như VNG, CMC cũng coi chuyển đổi số là cơ hội rất lớn cho họ để khai thác, cung cấp giải pháp công nghệ cho khách hàng doanh nhiệp. Tiền thân là một doanh nghiệp sản xuất và phân phối trò chơi trực tuyến nhưng gần đây VNG đã cung cấp nhiều giải pháp chuyển đổi số cho các ngành khác nhau tại thị trường hơn 90 triệu dân này.

Đó là công nghệ kết nối thành phố thông minh (máy bán hàng thông minh, quản lý tập trung nhiều camera); giải pháp vCS cho phép chỉ với một điện thoại thông minh, doanh nghiệp có thể biến đầu số thuê bao thành một tổng đài di động; giải pháp cho thuê máy chủ vCDN…

Những yếu tố thành công 

Theo các chuyên gia, sự thành công của kế hoạch chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, tổ chức tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tính sẵn sàng của giám đốc và nhân viên. Ngoài việc chi tiền để mua các giải pháp công nghệ, doanh nghiệp, tổ chức cần phải có nhân sự cho chuyển đổi số, thành lập nhóm dự án trong doanh nghiệp và đưa ra giải thưởng sau khi dự án triển khai thành công để khuyến khích chuyển đổi số thành công.

“Chuyển đối số mà tập trung quá vào công nghệ sẽ không thành công. Tùy từng quy mô doanh nghiệp mà chọn những nền tảng công nghệ chuyển đổi số khác nhau cho phù hợp”, ông Kiên nói.

Tại sự kiện giới thiệu về công nghệ của Fujitsu (Nhật Bản) tại Việt Nam mới đây, công ty cho rằng các doanh nghiệp cần thực hiện nhanh việc chuyển đổi số để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường và nếu chậm thực hiện thì doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Dẫn số liệu của công ty nghiên cứu thị trường IDC, Fujitsu cho biết nếu so sánh bản danh sách Fotuner 500 của năm 1955 và danh sách này mới nhất thì chỉ có 57 công ty của năm 1955 còn trụ lại trong danh sách và số còn lại bị thay thế bởi các công ty biết tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh. Bởi vì nền tảng công nghệ thông tin đã tạo ra những cơ hội sáng tạo cho các doanh nghiệp với những mô hình kinh doanh mới.

IDC cho rằng Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ và am hiểu công nghệ, do đó các doanh nghiệp cần nhanh chóng tận dụng công nghệ để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Nếu muốn cạnh tranh trên thương trường một cách hữu hiệu thì các doanh nghiệp cần sớm thực hiện quá trình chuyển đổi số ở các giai đoạn, các khâu từ lãnh đạo, kênh tương tác với khách hàng, chuyển đổi dữ liệu thông tin số, quản lý nguồn lực doanh nghiệp. Trong thời đại công nghệ thì công cụ cạnh tranh lớn nhất là tận dụng lợi thế của công nghệ số. Những doanh nghiệp có lãnh đạo rành công nghệ sẽ có tương lai hơn, theo IDC.

Tại cuộc hội thảo “Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức” được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nói, các tổ chức, cá nhân nếu không chấp nhận thay đổi, không chấp nhận chuyển đổi số sẽ bị tụt lại phía sau và hoặc thậm chí có thể đe dọa đến sự tồn tại.

Xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia

Tại hội thảo “Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức”, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chuyển đổi số hiện đã và đang diễn ra ở Việt Nam song mới chỉ diễn ra ở từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp, chứ chưa diễn ra mạnh mẽ và tổng thể của một quốc gia. Đây chính là lý do Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xây dựng Đề án Chuyển đổi số Quốc gia.

Dự kiến đề án sẽ được Bộ này trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2019.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, quốc gia số là nền tảng quan trọng nhất của một quốc gia khởi nghiệp, sáng tạo. Theo báo cáo của các tổ chức uy tín trên thế giới, quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tăng năng suất lao động lên từ 30-40%, góp 20-30% trong tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Ông Hồng cho rằng, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam không nằm ngoài tiến trình chung đang diễn ra trên thế giới. Tất cả các ngành, các lĩnh vực đều sẽ phải thay đổi. Thực hiện công cuộc chuyển đổi số là cách mà các ngành có thể thích ứng với sự phát triển của công nghệ.

Ông Phúc cho hay, theo nghiên cứu của Microsoft và IDG những gì chuyển đổi số tạo ra đã đóng góp khoảng 6% GDP của các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017. Dự báo đến năm 2019, tỷ lệ này sẽ là 25% và đến năm 2021 sẽ là khoảng 60%. Còn McKinsey&Company dự báo tỷ lệ đóng góp của chuyển đổi số vào GDP tại Mỹ vào năm 2025 sẽ là 25,3%, Brazil khoảng 35%, Liên minh châu Âu là 36,2% và Úc là 44,1%. “Những số liệu của hai tổ chức nghiên cứu độc lập cho thấy chuyển đổi số sẽ tác động rất lớn tới tăng trưởng GDP của các nước”, ông Phúc nói.

Trên cơ sở những nghiên cứu bước đầu về quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, Cục Tin học hóa cho rằng một số lĩnh vực trọng điểm cần được ưu tiên chuyển đổi số là giáo dục, y tế, nông nghiệp, môi trường, du lịch, thanh toán, ngân hàng, đô thị thông minh… Cơ quan này cũng đề xuất các nhóm giải pháp cần được tập trung triển khai trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam sắp tới bao gồm: tuyên truyền, phát triển hạ tầng số, an toàn thông tin cho chuyển đổi số, nhân lực số và môi trường pháp lý cho chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Bưu điện Liên Việt, lưu ý đến điều kiện pháp lý hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số. Ông Thắng cho rằng khi thực hiện chuyển đổi số thì khung pháp lý cần phải đi trước một bước và cần phải tạo dựng một hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Nếu hành lang pháp lý không theo kịp thì doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật khi sớm ứng dụng công nghệ mới vào cung cấp dịch vụ.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com