83 chợ đầu mối hiện mới đóng vai trò phân phối cho các tỉnh lân cận, chứ chưa truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ nông trại tới bàn ăn.
Những tồn tại của mô hình chợ đầu mối được đưa ra mổ xẻ tại một hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/6.
Từng có kinh nghiệm giúp TP HCM thực hiện mô hình thí điểm truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền, ông Đào Hà Chung - Chủ tịch Hội công nghệ cao TP HCM góp ý, truy xuất nguồn gốc tại chợ đầu mối cần ứng dụng công nghệ 4.0, blockchain và thậm chí trí tuệ nhân tạo để đạt hiệu quả cao hơn.
“TP HCM đã từng vỡ trận trong quản lý thịt lợn, nhưng bây giờ thịt lợn vào chợ Hóc Môn và 3.200 điểm bán hàng của TPHCM và các điểm lân cận đã ổn định, nhờ vào việc truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ 4.0...”, ông Chung dẫn chứng.
Quét mã vạch truy xuất nguồn gốc nông sản tại một siêu thị. Ảnh: P.V
Ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại chợ đầu mối thực tế đã được thí điểm tại một số chợ phía Nam, trong đó có chợ đầu mối nông sản Hóc Môn từ năm 2016 với mặt hàng thịt heo.
Sau 2 năm, ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Hóc Môn, đơn vị quản lý chợ đầu mối nông sản Hóc Môn chia sẻ, các thương nhân kinh doanh tại chợ đều được Sở Công Thương cấp một mã code để khi kích hoạt, thông tin cá nhân sẽ được đưa lên mạng và lưu vào chuỗi tham gia truy xuất nguồn gốc.
Mỗi ngày chợ đầu mối nông sản Hóc Môn xuất và nhập hơn chục nghìn con heo. Hiện 100% thịt bán tại chợ đều được đeo vòng nhận diện với đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc trang trại, cơ sở giết mổ. Thương nhân hoặc người tiêu dùng có thể kiểm tra thông tin này bằng ứng dụng cài đặt trên máy điện thoại thông tin.
Tuy nhiên với các mặt hàng nông sản khác như trái cây, rau, củ quả..., việc truy xuất nguồn gốc vẫn thực hiện thủ công, mở sổ ghi chép hàng hóa mua vào - bán ra, tên khách hàng, địa chỉ... "Việc truy xuất này đáp ứng yêu cầu của các cơ quan chức năng khi có yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nhưng người tiêu dùng thì không thể kiểm tra", ông Dũng nêu hạn chế và mong muốn, tất cả các mặt hàng buôn bán tại chợ đều sẽ ứng dụng công nghệ truy xuất như với thịt heo.
Ứng dụng mã vạch trong truy xuất nguồn gốc đã được thử nghiệm tại một số chợ đầu mối, song thực tế chính nông dân lại e ngại với việc áp dụng mã số, mã vạch và hầu như chưa tiếp cận với công nghệ hiện đại.
“Mặc dù đã có một số công ty có công nghệ truy xuất nguồn gốc 4.0 thực hiện ở TP HCM, tại nhiều chợ đầu mối đang được sử dụng công nghệ mã vạch để quản lý sản phẩm hàng hóa vào chợ. Tuy nhiên, các công ty này chưa làm theo tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu, mà theo tư duy nhỏ lẻ của doanh nghiệp”, ông Bùi Bá Chính, phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia Việt Nam chia sẻ.
Để kết nối đồng bộ, vị này cho biết, sắp tới Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (GS1) của Việt Nam sẽ xây dựng tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, để tất cả các công ty ở Việt Nam làm cùng một tiêu chuẩn. Khi đó các giải pháp, cơ sở dữ liệu mà các công ty này xây dựng sẽ kết nối đồng bộ, đem lại hiệu quả xuyên suốt.
Ngoài ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, theo góc nhìn của ông Hoàng Thọ Xuân - nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, nhà quản lý phải thay đổi tư duy về chợ đầu mối. "Chợ đầu mối phải là chợ của các nhà sản xuất lớn, chứ không phải của thương lái chuyên nghiệp rẻ thì mua, đắt thì bỏ và ép giá nông dân", ông Xuân nêu.
Nhắc lại thất bại trong xây dựng 15 chợ đầu mối hơn 10 năm trước, khi ngân sách tốn cả nghìn tỷ xây dựng song tới nay "không còn dấu vết", nguyên Vụ trưởng Thị trường trong nước lưu ý, các khu chợ này phải được đặt gần nơi sản xuất, thị trường tiêu thụ, phát triển đồng bộ hệ sinh thái hỗ trợ, hệ thống logistic chuyên nghiệp...
"Chợ đặt chơ vơ, mỗi chủ hàng là người tự cung tự cấp dịch vụ, không có sự kết nối thì sẽ thất bại", ông Xuân nói.
Tính liên kết yếu trong các chợ đầu mối cũng được Bộ Công Thương thừa nhận. Thống kê của cơ quan này, 83 chợ đầu mối cả nước chủ yếu là nơi tập trung nông sản tổng hợp. Hạn chế của chợ đầu mối là đa số vẫn áp dụng phương pháp giao dịch truyền thống (giao ngay), mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa... "Chợ đầu mối chủ yếu là nơi các thương lái gom hàng từ hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại, phân phối cho các tỉnh lân cận", ông Nguyễn Văn Hội - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thừa nhận.
Về quản lý Nhà nước, theo ông Hội, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển các hệ thống giao thông đường bộ kết nối chợ đầu mối với vùng sản xuất, thị trường tiêu thụ...
Theo Nguyễn Hoài
Vnexpress