Công nghệ Robotics-Mechatronics: thách thức và ứng dụng cho doanh nghiệp Việt Nam
Hội thảo là hoạt động trong chuỗi các sự kiện của chương trình "Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018” diễn ra từ ngày 18 đến ngày 24/8/2018.
Đây là chương trình với nòng cốt là 100 chuyên gia công nghệ, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới cùng chia sẻ tầm nhìn, chiến lược với các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức trong nước về cách tiếp cận, giải pháp tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) vào quá trình xây dựng, phát triển kinh tế Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh: “Với mong muốn, niềm tin Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, chúng ta cần sớm có những hành động, đề tài, dự án cụ thể, thiết thực để cùng phối hợp triển khai thực hiện, làm cơ sở hình thành các mạng lưới liên kết trong lĩnh vực Robotics - Mechatronics.
Do đó, tôi gợi mở các nội dung hội thảo hôm nay chúng ta cùng trao đổi, để các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực Công nghệ robot - Cơ điện tử có thể hình thành mạng lưới tham gia liên kết với các cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong nước dưới nhiều hình thức, phương thức và cơ chế khác nhau. Cụ thể như: Phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước cùng thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học; Phối hợp với các trường đại học trong nước tham gia đào tạo, biên soạn giáo trình, tham dự các hội thảo khoa học, hội thảo chuyên đề; Phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức khoa học công nghệ tham gia tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đổi mới công nghệ sản xuất, sáng tạo phát triển sản phẩm mới”.
Robotics - Mechatronics (tạm dịch là Công nghệ robot - Cơ điện tử) được xem là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 với những nhà máy thông minh và doanh nghiệp được chuyển đổi số hóa toàn diện, cũng như nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống.
Trong năm 2018, theo kết quả điều tra, nghiên cứu của Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam đối với CMCN 4.0, số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 vào trong quá trình sản xuất còn rất khiêm tốn. Mặc dù hiện nay, các doanh nghiệp có nhu cầu lớn, nhưng chưa có đủ tiềm lực và định hướng chiến lược trong quá trình đầu tư này.
Với trên 97% các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, nên gặp nhiều khó khăn thách thức về nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo còn rất thấp. Mối liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học và công nghệ còn hạn chế, chưa hiệu quả.
Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu thế giới người Việt Nam đến từ các quốc gia phát triển mạnh về công nghệ Robotics - Mechatronics như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Bỉ, Pháp, Canada, Singapore... đã giới thiệu một loạt các nghiên cứu ứng dụng mới của công nghệ Robotics - Mechatronics. Đặc biệt các chuyên gia mang đến hội thảo những gợi ý mới về xu hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ Robotics - Mechatronics trong sản xuất công nghiệp, đời sống, gia đình.
Hội thảo còn là sự gợi mở về một nền công nghiệp mới, nền công nghiệp sản xuất robot với giá trị ước tính khoảng 70 tỉ USD/năm và sẽ phát triển mạnh mẽ trong vòng 10 năm tới. Các diễn giả tham dự hội thảo như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Anh Văn; Tiến sĩ Hùng La; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sao Mai; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trung Dũng... đều thẳng thắn bày tỏ về tương lai tươi sáng của công nghệ Robotics - Mechatronics và mời các bạn trẻ có khả năng, đam mê công nghệ Robotics - Mechatronics có thể trực tiếp gửi thư ứng cử vào các phòng thí nghiệm của chính các diễn giả tham gia sáng lập.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Công nghệ Bộ Công Thương Trần Văn Hòa nhấn mạnh: Một trong những đặc trưng cơ bản của Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết nối: Kết nối giữa thế giới thực và thế giới ảo; Kết nối vạn vật qua Internet; Kết nối liên ngành, lĩnh vực trong khoa học và công nghệ... Chính sự kết nối này là động lực để CMCN 4.0 đem lại những đột phá và biến đổi về bản chất trong quá trình phát triển, là mục tiêu để Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam phát triển lớn mạnh.
Cũng nhân dịp này, Bộ Công Thương cho biết sẽ đồng hành cùng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ “thu hút các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, chuyên gia là người Việt Nam tại nước ngoài làm nòng cốt thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ”.
Song song với hoạt động trên, các chuyên gia, trí thức người Việt còn tham dự các phiên Hội thảo như: "Trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam", "Phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng", "Tầm nhìn và giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh bền vững" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Qua các Hội thảo này, các chuyên gia, trí thức đã có những đóng góp cụ thể để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực ngân hàng, nông nghiệp thông minh bền vững, trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam.
Tại Hội thảo "Phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng", các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung trao đổi về định hướng phát triển và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong ngành Ngân hàng Việt Nam. Các đại biểu thảo luận về các chủ đề như: hợp tác ngân hàng – Fintech; Ứng dụng công nghệ mới trên hạ tầng có sẵn nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán hiện đại; Ứng dụng thành tựu công nghệ trong lĩnh vực Mobile Payment.
Hội thảo cũng tập trung thảo luận về những xu hướng công nghệ, giải pháp đột phá đang được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán quan tâm và phát triển để ứng dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ khách hàng như Blockchain, Open API... Phương thức tiếp cận những thành tựu CMCN 4.0 để triển khai, ứng dụng thực tế đối với hoạt động ngân hàng...
Trong Hội thảo "Tầm nhìn và giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh bền vững", các đại biểu đã thảo luận các vấn đề như: Những mô hình phát triển nông nghiệp thông minh ở một số nước trên thế giới đã thực hiện, có thể áp dụng tại Việt Nam, xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững và môi trường sống trong sạch, an toàn, khởi nghiệp nông nghiệp trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, ứng dụng công nghệ rô-bốt tự hành trong sản xuất rau sạch, mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, rà soát chính sách, chiến lược hỗ trợ phát triển nông nghiệp ở Việt Nam; xây dựng hạ tầng dữ liệu cho ngành nông nghiệp...
Tại Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi về việc làm thế nào để phát triển AI ở Việt Nam, những lĩnh vực mũi nhọn nào mà AI Việt Nam nên ưu tiên tập trung, nên phát triển sản phẩm gì với những đặc trưng AI trong môi trường Việt Nam, cách thức triển khai đào tạo nguồn lực, cơ sở hạ tầng tính toán phục vụ nghiên cứu và phát triển, cách thức xây dựng dữ liệu đặc thù...
Hội thảo AI Việt Nam 2018 cũng giới thiệu các công nghệ, các kết quả nghiên cứu và phát triển AI từ các trường đại học, các viện nghiên cứu và đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực AI của Việt Nam. AI Việt Nam 2018 là một cơ hội thực sự để kết nối, hội tụ, định hướng chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, tìm tiếng nói chung và tìm kiếm nguồn lực để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực kinh doanh tại thời điểm hiện nay.
Các phiên hội thảo diễn ra với bầu không khí cởi mở, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp và sự nhất trí đồng thuận cao của của các chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài về vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ trong nông nghiệp, công nghiệp, ngân hàng...
Nhật Lệ
Quehuongonline