Công nghệ Blockchain sẽ "cứu giúp" nông nghiệp Việt Nam cạnh tranh trong nền kinh tế số?
Trong nền kinh tế số, một điểm hạn chế khiến hàng nông sản Việt Nam thua kém khi tham gia sân chơi quốc tế là sự thiếu minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, khách hàng không tin tưởng. Để gỡ khó, việc đưa vào ứng dụng công nghệ Blockchain là một gợi ý.
Các chuyên gia trao đổi tại sự kiện
Theo con số thống kê được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 5/6, hiện nay số lượng doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp trong nước khoảng 3.700, có hơn 33.000 hộ trang trại và hàng nghìn hợp tác xã.
Tới tháng 4/2018, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng 11,9% so với cùng kỳ 217, trong đó giá trị xuất khẩu nông sản đạt 6,5 tỷ USD…
Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, sân chơi quốc tế đang mở rộng đối với nông sản Việt Nam.
Với tốc độ gia tăng dân số và thay đổi cơ cấu tiêu dùng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hiện nay, ông Đặng Kim Sơn nhấn mạnh kết cấu bữa ăn thay đổi tích cực và xu hướng chuyển từ vật liệu nhân tạo sang tự nhiên.
Để thích ứng với nhu cầu gia tăng của thị trường quốc tế và trong nước, Việt Nam cần nhận biết rõ những thách thức đang cần đối mặt và giải quyết bao gồm: rào cản kỹ thuật trong hội nhập, thể chế, khoa học công nghệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, phát thải cacbon và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là hiện nay nông nghiệp Việt Nam vẫn sản xuất manh mún, các hộ nông dân có số lượng lớn những thiếu tính chặt chẽ và quy trình, dẫn tới “không ra tấm ra món”.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao chia sẻ một sự thực gây “sốc” đó là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, nhiều hộ nông dân trong nước chưa coi trọng tới tiêu chuẩn của sản phẩm.
“Thực tế là các hộ nông dân, doanh nghiệp đa phần ít quan tâm tới tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn quốc tế. Thậm chí, nhiều nông dân nhấn mạnh rằng họ thật thà, hãy tin họ”, bà Hạnh chia sẻ, đồng thời khuyến cáo khi bước ra sân chơi quốc tế phải theo tiêu chuẩn, cam kết bằng giấy tờ chứ không thể như tình trạng hiện nay.
Trong khi đó, ngược lại, một ví dụ khác được bà Hạnh chia sẻ về một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà pháo, mắm tôm coi trọng tiêu chuẩn quốc tế đã gặt hái được thành công. Giám đốc của công ty này vốn là tiến sĩ về chế biến thực phẩm ở Nga, am hiểu tiêu chuẩn quốc tế nên áp dụng và theo tiêu chuẩn ngay từ những hoạt động đầu là xây dựng nhà máy.
Chính vì vậy, bài học của doanh nghiệp Việt là hiểu rõ những tiêu chuẩn mà từng thị trường quy định từ đó xoay chuyển để đáp ứng theo tiêu chuẩn đó.
Cùng đó, các chuyên gia cũng nhận định một trong những điểm hạn chế khiến hàng nông sản Việt Nam thua kém tại sân chơi quốc tế là sự thiếu minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ.
Ông Vũ Trường Ca
Đi tìm lời giải cho bài toán, tại diễn đàn, ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch Lina Network đã mang đến một góc tiếp cận mới mẻ khi đề xuất tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp Việt Nam.
Câu chuyện giải cứu nông nghiệp không mới đối với thị trường nội địa. Vấn đề được ông Ca đặt ra rằng có nên tiếp tục giải cứu hay tìm kiếm giải pháp cho câu chuyện: được mùa mất giá, được giá mất mùa?
Cụ thể, ông Vũ Trường Ca nhận định cần tìm hiểu nhu cầu của thị trường, đồng thời sản phẩm cần có thông tin cụ thể và minh bạch, đảm bảo tâm lý mua sắm cho người tiêu dùng.
Công nghê Blockchain là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mang đến thông tin minh bạch cho người tiêu dùng. Blockchain được nhìn nhận là cơ hội giúp nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thời đại kinh tế số.
Công nghệ Blockchain khi áp dụng vào thực tiễn trong chuỗi cung ứng cho khả năng hiển thị minh bạch với tất cả mọi người, được cập nhật gần như tức thời, do đó có thể truy xuất nguồn gốc cùa sản phẩm gần như mọi lúc ở mọi thời điểm và ở bất cứ đâu.
Theo ictnews.vn