100 nhân tài khoa học đã trở về để kết nối tầm nhìn và hiện thực cho công nghệ Việt Nam.
Các chuyên gia giới thiệu công nghệ mới tại Việt Nam. Ảnh: Châu Phạm
100 nhân tài khoa học đã trở về để kết nối tầm nhìn và hiện thực cho công nghệ Việt Nam.
Lãnh đạo Chính phủ đã cất lời “xin chào” với hơn 100 gương mặt trẻ thành công trong lĩnh vực công nghệ trên khắp thế giới. Những anh tài này được trải thảm đón tiếp trên cùng một chuyến bay, hướng thẳng đến nền công nghiệp 4.0. Nhưng bay được bao xa, có lẽ vẫn phải còn chờ xem “thảm đỏ” này có thật sự hấp dẫn hay không.
100 nhân tài công nghệ
Có quá nhiều gương mặt nổi bật trong làng công nghệ trên cùng một chuyến bay trở về quê hương lần này, đó là một danh sách dài khó có thể kể hết tên những người nổi tiếng.
Phần lớn trong số họ đến từ thung lũng Silicon (Mỹ), nơi tập trung tinh hoa công nghệ toàn cầu. Chẳng hạn, Phùng Kim Cương, kỹ sư phần mềm cấp cao của Tập đoàn Tesla; Tiến sĩ Vũ Duy Thức, Đại học Stanford, gương mặt nổi tiếng trong làng khởi nghiệp công nghệ về robot; hoặc gương mặt điển hình khác là Tiến sĩ Nguyễn Duy Lân, người có 9 năm làm việc tại Microsoft và sở hữu 9 bằng sáng chế về công nghệ bảo mật. Chuyến đi này còn có người của Cơ quan Hàng không Mỹ (NASA) là Tiến sĩ Đỗ Bình Minh.
Ấn tượng vẫn đến từ Google, gồm có Lê Viết Quốc làm “bộ não” Google Brain, góp sức vào sản phẩm Google Translate và Google Search; còn Bùi Hải Hưng đến từ Google Deepmind, cũng nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Gọi là “chuyến bay 100” vì kế hoạch chỉ có 100 người, nhưng thực tế, theo ghi nhận của NCĐT, số tài năng trẻ về Việt Nam lần này không chỉ có các nhân tài về công nghệ, mà còn là những người trẻ Việt lấy học vị tiến sĩ ở các trường đại học danh giá trên khắp thế giới, ở lĩnh vực y tế, giáo dục hoặc nông nghiệp.
Cũng có đến hơn một nửa trong số này nghiên cứu và thực hành các khía cạnh của lĩnh vực AI. Tiến sĩ Đỗ Bình Minh nhận xét: “AI đang là ngành mũi nhọn trong xu hướng phát triển công nghệ 4.0, dựa trên sự quan trọng của dữ liệu”.
Nhóm tài năng tinh hoa này trở về để gặp gỡ Thủ tướng và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, các cấp lãnh đạo và chuyên viên công nghệ liên quan. Họ cùng tham quan các cơ sở công nghệ cao ở Việt Nam và cùng chia sẻ kinh nghiệm, tầm nhìn về phát triển công nghệ, nhưng quan trọng nhất là để hiểu nhau hơn và tính đường xa hơn cho công nghệ Việt Nam.
Tính đường xa cho công nghệ Việt Nam
Cũng có những chuyên gia chọn đem tinh hoa thế giới về Việt Nam lập nghiệp. Chẳng hạn, Tiến sĩ bảo mật Nguyễn Duy Lân khởi nghiệp với Veramine. Hay Cao Anh Tuấn với startup Gene Friend Way trong lĩnh vực y sinh, có khả năng “soi” vào bộ mã di truyền (gene) của người Việt để bắt bệnh từ sớm. “Thực sự tôi đang trở về Việt Nam. Tôi muốn góp phần bảo vệ không gian mạng cho Việt Nam”, Tiến sĩ Lân từng chia sẻ.
Theo ghi nhận của NCĐT, trong những buổi trao đổi với cấp lãnh đạo, các anh chị công nghệ cũng chia sẻ nhiều về khả năng hợp tác với chính quyền thành phố trong những dự án cụ thể, ở rất nhiều lĩnh vực từ y tế cho đến nông nghiệp. Điểm chung là đều ứng dụng những công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất trên thế giới, với kỳ vọng giúp Việt Nam không bị bỏ rơi quá xa.
Lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam thậm chí còn “nóng” lên khi mới đây, Tập đoàn Vingroup định vị trở thành tập đoàn công nghệ. Đáng chú ý là sự ra mắt của Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn, sẽ nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn ngành dữ liệu lớn, không chỉ nghiên cứu giảng dạy mà còn đẩy mạnh ứng dụng vào thực tế các lĩnh vực mũi nhọn trong ngành này. Giáo sư của Đại học Yale (Mỹ) Vũ Hà Văn được mời về giữ vai trò Giám đốc Khoa học Quỹ Phát triển khoa học công nghệ với khoản đầu tư 1.000 tỉ đồng trong 3 năm.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 8 đến 18 tỉ USD mỗi năm. Con số này chỉ thành hiện thực nếu Việt Nam chủ động bắt kịp và ứng dụng được những xu hướng công nghệ mới nhất của thế giới.
Nhiều năm qua, Việt Nam vẫn trải thảm đỏ đón nhân tài trên toàn cầu về chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp sức lực, nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Tiến sĩ Hoàng Thế Bân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Nhật, hỗ trợ cho Khu Công nghệ cao TP.HCM, cho rằng với các nhà quản lý khoa học công nghệ đã có những bước khởi đầu đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa đủ và cần phải làm mạnh hơn, liên tục và có chiến lược rõ ràng.
Ông Bân dẫn ví dụ, năm 1970, Hàn Quốc kêu gọi nhân tài về nước với mục tiêu cụ thể: “Phát triển bằng Nhật”. Trung Quốc cũng tương tự vào năm 1990. “Trong 10 năm tới, Việt Nam cần phát triển lĩnh vực nào, con người như thế nào, chúng ta cần đầu tư xây dựng chiến lược phát triển cụ thể và dựa vào đó mới kêu gọi đúng người đúng việc về giúp cho đất nước phát triển”, ông Bân chia sẻ.
Ở lần gặp gỡ này, ông Phùng Kim Cương (Công ty Tesla) cho rằng tầm nhìn các vị lãnh đạo đều rất lớn, đó là đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ công nghệ thế giới. “Đó là nguồn năng lượng truyền lửa cho các bạn trẻ tiếp bước. Nhưng để thu hút nhân tài, chúng ta cần những câu hỏi lớn hơn. Thung lũng Silicon thành công như hôm nay bởi những bài toán Silicon đang giải là có tầm vĩ mô, toàn cầu”, ông Cương chia sẻ.
Sự góp sức của các tinh hoa này sẽ là tiền đề cho phát triển khoa học Việt Nam. Khi những bữa tiệc chào đón qua đi, hy vọng sẽ còn thêm nhiều chuyến trở về sau đó. Nhưng có điều chắc chắn là mạng lưới kết nối giữa các gương mặt trẻ người Việt tài năng trên khắp thế giới đã được mở rộng thêm.
Theo Báo Nhịp cầu đầu tư