Vụ việc Shopee bán bản đồ có đường ‘lưỡi bò’ của Trung Quốc đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để quản lý các chợ online tự phát, khi người bán tự do đăng bài, còn các ông chủ chợ lại phủi tay trách nhiệm?. Một chợ online tốt không thể chỉ là chỗ bán bán ghế, cho thuê ốt, treo biển để thu phí... rồi sống chết mặc bay theo kiểu nhiều tên tuổi ầm ĩ hiện nay áp dụng.
Quyết liệt chống hàng giả
Việc đảm bảo chất lượng và uy tín của các nhà bán hàng trên các sàn TMĐT vẫn còn rất nhiều lỗ hổng. Đây cũng là vấn đề khiến các sàn đau đầu và đã có những để nỗ lực xử lý. Tuy nhiên, cũng phải cần có thêm thời gian để giải quyết triệt để hơn.
Thực tế, bán hàng trực tiếp từ người bán đến người mua còn có những tình huống “trật khớp”, huống chi là bán hàng thông qua các trang giao dịch trung gian như các sàn TMĐT. Quan trọng là trong “cuộc tình tay ba” này, trách nhiệm của các sàn TMĐT cũng cần được làm rõ hơn trong việc tiếp nhận và chủ động xử lý phản hồi, bức xúc của người tiêu dùng.
Từng vướng vào nạn hàng giả, Amazon đã thực hiện một số biện pháp ngăn chặn bằng cách yêu cầu những thương hiệu lớn như Nike, Hasbro và Cuisinart phải xuất trình hoá đơn chứng minh sản phẩm của mình là hợp pháp và sau đó phải trả một khoản phí. Một số nhà cung cấp bên thứ ba sẽ bị đình chỉ hoạt động nếu Amazon cảm thấy nghi ngờ hoặc bị phàn nàn từ khách hàng.
Trong một tuyên bố, Amazon cho rằng, không có chỗ cho hàng giả. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với các nhà sản xuất và thương hiệu để xác định những ai vi phạm và loại bỏ sản phẩm gian lận trên website của chúng tôi. Chúng tôi cũng đang tích cực hoạt động và tìm ra những kẻ chơi xấu trên sân chơi này.
Những người muốn mặt hàng của họ hiện diện trên Amazon phải cung cấp hóa đơn không quá 90 ngày, chứng minh việc mua ít nhất 30 mặt hàng, với ít nhất 5 sản phẩm khác nhau trên biên lai. Đầu năm nay, gã khổng lồ thương mại điện tử bắt đầu áp lệ phí cao cho những người bán hàng độc lập muốn bán sản phẩm từ các nhãn hiệu như Adidas, Hasbro và Samsung.
Đánh giá về vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử cho rằng, Trần Trọng Tuyến, CEO Sapo cho rằng, các sàn giao dịch thương mại điện tử cần tăng cường quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, có biện pháp ngăn chặn, xử phạt với các DN bán hàng giả, hàng nhái…
Đối với các DN và các sàn thương mại điện tử, cần tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin thanh toán điện tử. Nếu có nền tảng công nghệ chắc chắn và ổn định, người dùng dễ tiếp cận hơn thì chắc chắn rảo cản cho thương mại điện tử sẽ được thu hẹp.
Là đơn vị trung gian kết nối, các sàn cần phải cứng rắn hơn với những sai phạm từ các nhà bán hàng, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh uy tín, cạnh tranh công bằng, góp phần củng cố niềm tin mua hàng trực tuyến nơi người tiêu dùng.
Người tiêu dùng thông minh
Niềm tin của người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến đang là một trong những động lực rất lớn trong việc thúc đẩy TMĐT Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Dù kinh doanh truyền thống hay thương mại điện tử thì niềm tin luôn là yếu tố cần phải được quan tâm và xây dựng. Về phía các nhà bán hàng, không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua việc chăm sóc và làm hài lòng khách hàng.
Tổng thư ký HH thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), ông Trần Trọng Tuyến đánh giá, sự phát triển của thương mại điện tử là xu hướng tất yếu. Hiện nay, các trang thương mại điện tử trong nước và quốc tế vào Việt Nam là động lực cho sự phát triển mảng bán lẻ trực tuyến.
Các doanh nghiệp tiếp cận và tận dụng sức mạnh của thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch lớn và uy tín là cách tốt nhất để vừa quảng bá sản phẩm, vừa thúc đẩy doanh số bán hàng và xây dựng thương hiệu. Người tiêu dùng hưởng lợi khi mua sắm thuận tiện, nhanh chóng với đa dạng các loại mặt hàng.
Tuy nhiên, không tránh khỏi vài trường hợp gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Chính vì thế, để đảm bảo quyền lợi, người mua hãy lựa chọn những đơn vị bán hàng uy tín, có chính sách rõ ràng và được cơ quan nhà nước công nhận.
Đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng, ông Tuyến cho biết, hãy chú ý tới các đánh giá của những người đi trước, lịch sử bán hàng của shop, các bình luận và tốc độ phản hồi cũng như nội dung trả lời của chủ shop để xác định mức độ nghiêm túc và chất lượng dịch vụ, sản phẩm của họ.
Với các chủ shop bán hàng trên website, không khó để xem các tiêu chí như website đó đã đăng ký với bộ công thương chưa, ngoài bán trên web họ có các địa chỉ bán hàng nào khác, mức độ cập nhật về nội dung, sản phẩm, hệ thống các số hotline, và các mức độ phản hồi.
Đôi khi tìm kiếm được kênh bán, người mua hàng có thể tra cứu các đánh giá của những khách hàng đi trước trên mạng, cũng là một cơ sở để mua hàng yên tâm hơn. Về các shop trên các sàn, các sàn cũng không ngừng đưa ra các tiêu chí để thẩm định các gian hàng, và cũng chính là để tăng tính cạnh tranh cũng như mức độ trong sạch của các gian hàng, người mua hàng cũng nên chú ý những tiêu chuẩn thế nào được gọi là một gian hàng uy tín.
Các sàn trung gian cần đẩy mạnh cơ chế "bộ lọc", phân biệt các shop uy tín để phục vụ người tiêu dùng khi lựa chọn mua hàng. Người tiêu dùng thì cần mua sắm thông thái hơn để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Đây không phải bài toán của riêng ai mà là sự cố gắng từ cả ba bên.
Theo Nam Hải
Vietnamnet