Việc triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam đã được triển khai từ nhiều năm nay, song kết quả đạt được chưa nhiều, còn chạy theo số lượng hơn là chất lượng, theo ghi nhận tại hội thảo Chính phủ điện tử 2018 tổ chức ngày 5-7.
Hội thảo chính phủ điện tử 2018 được tổ chức ngày 5-7. Ảnh: Vân Ly
Theo báo cáo về chính phủ điện tử do Hội Truyền thông số Việt Nam và Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) thực hiện, Bộ Tài chính là cơ quan đi đầu trong các bộ và cơ quan ngang bộ trong triển khai chính phủ điện tử, với số lượng hồ sơ trực tuyến giải quyết trong năm là hơn 20 triệu hồ sơ, chiếm đại đa số tổng hồ sơ giải quyết.
Trong khi đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xếp hạng nhất trong số các cơ quan thuộc Chính phủ trong hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính. Năm ngoái, cơ quan này đã xử lý hơn 166 triệu hồ sơ trực tuyến của dịch vụ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Huế là đơn vị đi đầu cả nước trong các tỉnh thành phố trong việc triển khai chính phủ điện tử trong năm 2017. Tiếp sau đó là Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh và TPHCM. Mặc dù có tên trong 13 tỉnh, thành phố có chỉ số tổng hợp phát triển chính phủ điện tử đạt mức khá, Hà Nội chỉ xếp ở vị trí thứ 12 trong danh sách này.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng số lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp không phản ánh đúng thực trạng triển khai chính phủ điện tử tại các tỉnh, thành. Số lượng dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến năm 2017 tại các tỉnh chỉ chiếm 11,54% tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (mức độ cao nhất cho phép giao dịch hoàn toàn qua mạng). Điều này dẫn đến việc số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến tại một số tỉnh còn rất thấp so với số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục tin học hóa, lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên cả nước trong năm 2017 đã gấp đôi so với năm 2016. Tuy nhiên các đơn vị vẫn nặng chạy đua về số lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trong khi cái cần là về chất lượng, số lượng các hồ sơ được xử lý trực tuyến.
Kết quả điều tra trên còn cho thấy, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh trong năm 2017 còn chưa cao. Khoảng cách giữa các tỉnh trong việc phát triển chính phủ điện tử cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiêm Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết Chính phủ đã có kế hoạch cụ thể ban hành Nghị quyết mới về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển chính phủ điện tử trong giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Thủ tướng Chính phủ cũng chuẩn bị cho việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT. Thủ tướng Chính phủ sẽ làm Chủ tịch Ủy ban này.
“Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đổi mới cách nghĩ, cách làm và phải làm một cách quyết liệt công tác cải cách hành chính, gắn chặt cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các cấp và coi CNTT là công cụ, phương thức đổi mới, phát triển", ông Hồng nói.
Dù vậy, ông Hồng cũng thừa nhận việc triển khai chính phủ điện tử chưa được như mong muốn, cần phải có cách làm mới và giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.
"Hy vọng với kết quả xếp hạng mức độ triển khai chính phủ điện tử được công bố, các bộ, ngành, địa phương sẽ nắm được thực trạng của cơ quan, đơn vị mình, biết được những tồn tại, hạn chế để từ đó có kế hoạch đẩy mạnh, góp phần cải thiện chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam", ông Hồng nói thêm.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn