Tổng công ty đường sắt VN (VNR) đã lên phương án vay 3.200 tỉ đồng (và đối ứng 1.400 tỉ) cho phương án thay thế các toa xe “đống sắt vụn”, nhưng liệu nó sẽ ngay lập tức lại trở thành “sắt vụn” trước dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam mà Bộ GTVT sắp trình Chính phủ?
Phương án đầu tư của VNR công khai trên truyền thông có thể tóm tắt: Vay ngân hàng 3.200 tỉ đồng, thêm 1.400 tỉ vốn đối ứng để mua sắm 100 đầu máy mới, 150 toa xe khách và 300 toa xe vận chuyển container. Đáng chú ý, trong các hạng mục mua mới, ngoài 150 toa xe khách, còn có “500 toa xe chạy dưới tốc độ 60km/h”. Các dự án đầu tư toa xe mới trị giá mấy ngàn tỉ này sẽ được tiến hành tới năm 2020.
Kế hoạch của VNR thoạt nhìn rất cần kíp và hợp lý. Nó bắt đầu từ một “thực tế” 300 đầu máy mà họ đang sở hữu, có tới... 14 chủng loại. 270 trong số đó đã “lên lão”, mà chính người trong ngành cũng thấy nó không khác gì những “đống sắt vụn” vừa lạc hậu, cũ nát, vừa tiêu tốn nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn những TNGT nguy hiểm. Huống chi, theo Nghị định 65, rất nhiều trong “đống sắt vụn” ấy đã hết niên hạn sử dụng.
Tuy nhiên, cũng “cần kíp và hợp lý” không kém, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam đang được Bộ GTVT chuẩn bị trình Chính phủ để đưa ra Quốc hội trong kỳ họp cuối năm.
Những thông tin ban đầu từ Liên danh Tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS cho thấy đây là tuyến huyết mạch chạy xuyên dọc Bắc Nam, song song với đường sắt hiện tại, đi qua 20 tỉnh, thành với chiều dài tuyến 1.545km. Và tổng mức đầu tư tạm tính lên tới 50 tỉ USD.
Nhưng chính sự song trùng 2 tuyến đường sắt, song trùng luôn cả hai dự án đầu tư đang đặt ra một vấn đề là sự “giẫm chân”. Nếu mấy ngàn tỉ của VNR cũng được đầu tư nâng cấp, kể cả cho “500 toa xe chạy dưới 60km/h” thì nó sẽ lại thành “sắt vụn” trước đường sắt cao tốc?
Trong hàng thập kỷ qua, vốn đầu tư cho đường sắt khiêm tốn đến bé mọn. Giai đoạn 2010-2015, chỉ 9.203 tỉ đồng, tức chỉ 3% so với tổng vốn đầu tư cho giao thông là 330.000 tỉ. Năm 2016, cho đường sắt chỉ 1.300 tỉ và 2017 tụt xuống còn có 600 tỉ. Ít ỏi đến mức cải tạo duy tu hóa ra cũng chẳng đủ chứ đừng nói đầu tư mới.
Nhưng có lẽ, càng ít, càng nhỏ thì đầu tư đường sắt càng cần phải tính toán, cần ưu tiên cho những lĩnh vực vốn là thế mạnh: vận tải siêu trường siêu trọng, khả năng kết nối với vận tải đường bộ, đường sông, đường biển.
Bởi đầu tư theo kiểu cạnh tranh vận tải hành khách với đường sắt cao tốc không khác gì...tự sát.
Bởi nếu có đường sắt cao tốc Bắc Nam, vận tải hành khách trên tuyến cũ sẽ chỉ còn là những chuyến tàu rời ga với chỉ 1 hành khách, như thực tế đang xảy ra chẳng hạn với tuyến Yên Viên- Hạ Long.
Và có lẽ đến lúc này, cần có một "nhạc trưởng" để tiền đầu tư hôm nay không mua nhầm sắt vụn!
Theo Anh Đào
Lao động