Toggle navigation
Blockchain mở lối giảm chi phí cho logistics
25/06/2018 | 09:36 GMT+7
Chia sẻ :
Chi phí logistics đã giảm tương đương 16,8% GDP nhưng áp lực về một ngành dịch vụ có chi phí đắt đỏ chưa giảm xuống.



Việc Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) tìm kiếm các đối tác công nghệ để hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý hoạt động dịch vụ, cho thấy vấn đề giảm chi phí logistics được các doanh nghiệp nhìn nhận rõ ràng hơn, thậm chí có doanh nghiệp đã cho đây là giải pháp tăng khả năng cạnh tranh.

Chưa gắn với thị trường

Trong khảo sát mới nhất, VLA đưa thông tin có đến 87% doanh nghiệp trong ngành cho rằng chính công nghệ đã tạo ra lợi thế cạnh tranh, trong khi 83% doanh nghiệp khẳng định thúc đẩy đổi mới công nghệ là nhiệm vụ chính của các nhà cung cấp dịch vụ logistics.

Ngay cả Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, một trong những “ông lớn” trong lĩnh vực logistics của Việt Nam, cũng đang sử dụng các phần mềm từ nhà cung cấp danh tiếng như Oracle để quản lý và giảm chi phí hoạt động dịch vụ này. Tân Cảng Sài Gòn đã tự xác định đặc thù và các mấu chốt kinh doanh để đầu tư phần mềm công nghệ phù hợp.

Số lượng các doanh nghiệp logisitics áp dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh đã tăng lên mức gần 50% thay vì 15% hai năm trước. Trong đó, VNPost đang có một thử nghiệm mới,  ứng dụng công nghệ blockchain vào quản lý dịch vụ logistics.

Ông Ôn Như Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghê thông tin, thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), cho biết, những tồn tại hiện nay trong dịch vụ logistics đều liên quan đến thông tin và dữ liệu.

Theo Phó Giám đốc VNPost, trao đổi thông tin trong ngành logistics còn hạn chế. Cạnh đó, việc mỗi doanh nghiệp chỉ tham gia một phần trong chuỗi càng làm cho thông tin không đồng bộ, hoặc chưa đủ dữ liệu cho các giao dịch.

Những lợi ích của công nghệ blockchain đang được biết nhiều hơn tại Việt Nam. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương, ông Đặng Hoàng Hải, tại Vietnam Blockchain Summit 2018 hôm 8.6, cho rằng, việc “chưa gắn với thị trường” đang lý do chính ngăn cản blockchain phát triển mạnh tại Việt Nam.

Ông Hải vẫn nhớ về sự “rầm rộ” trước đây, khi các địa phương trong áp dụng tiêu chuẩn VietGAP nhằm đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa rất khắt khe của các nước nhập khẩu. Theo ông, đến nay chỉ một số địa phương thành công, trong khi nhiều địa phương khác không thành công do sản phẩm không được cung ứng ra thị trường.

Ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực logistics, người đứng đầu Cục thương mại điện tử và kinh tế số cho rằng “rất cần niềm tin, tính minh bạch và cả lòng dũng cảm”.

Pháp lý cho ứng dụng

Chính phủ các nước ngày càng coi trọng ứng dụng Blockchain. Chile, một quốc gia vùng Nam Mỹ không mạnh về công nghệ, nhưng đã đưa Blockchai vào quản lý chính phủ. Cạnh Việt Nam, Trung Quốc đã cho mở một khu công nghiệp về Blockchain và huy động tới 1,6 tỷ đô-la cho quỹ đầu tư đổi mới Blockchain.

Một tin tốt cho thị trường dịch vụ vận tải trong những ngày đầu năm 2018, khi Maersk, Công ty vận tải lớn nhất thế giới hợp tác cùng IBM để đưa blockchain vào quản lý ngành công nghiệp logistics. Một phiên bản beta do IBM phát triển đang được Maersk đưa vào thử nghiệm trên một tuyến đường biển vận chuyển từ hoa từ châu Phi tới Hà Lan.

Với hơn 4.000 tỷ USD hàng hóa được vận chuyển trên toàn thế giới mỗi năm, chi phí quản lý, theo dõi hàng hóa vận chuyển, chiếm khoảng 1/5 trên tổng chi phí. Phó Giám đốc VNPots cho rằng, giải pháp mới của liên danh này có thể làm thay đổi toàn bộ việc vận chuyển hàng hóa toàn cầu, giảm bớt gánh nặng chi phí, tăng tối đa lợi nhuận cho dịch vụ logistics. 

Theo quan sát của ông Bình, đang có hai việc liên danh này phải làm. Thứ nhất, ứng dụng blockchain để quản lý và theo dõi việc vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu, trong một hệ thống minh bạch và không thể sửa đổi. Thứ hai, ứng dụng hợp đồng thông minh để thay thế cho các thủ tục giấy tờ phức tạp, đẩy nhanh tiến độ vận chuyển hàng hóa.

Tại Việt Nam, việc quản trị dòng thông tin cũng chính là đối tượng Blockchain muốn nhắm đến. Theo Phó Giám đốc VNPots, có thể ứng dụng ngay công nghệ blochain để xử lý lãng phí tải, ước tính có tới 29 tỷ dặm xe đang phải chạy không tải hoặc tải không hết công suất.

Khi đó, mỗi dữ liệu sẽ được rút gọn lại và liên kết với nhau thành chuỗi, việc dự đoán tải sẽ có hiệu quả cao hơn. Thế nhưng đi kèm cơ hội bao giờ cũng là thách thức liên quan đến tính đặc thù của công nghệ blockchain.

Phó Giám đốc VNpots cho rằng, đầu tiên là vấn đề lưu trữ. Khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia vào ứng dụng, lượng dữ liệu giữa các doanh nghiệp là ngang nhau. Tuy nhiên, lượng dữ liệu này sẽ tăng lên rất nhanh sau một thời gian triển khai ứng dụng.

Một thách thức nữa cũng sẽ đến từ “tính bất biến” của dữ liệu trong công nghệ blockchain. Ông Bình nói rất cần có những “chuẩn” nhất định cho rủi ro liên quan đến bút toán sửa sai hay đối soát về sau.

Thị trường logistics toàn cầu dự báo tăng trưởng trung bình 6,54%/năm trong giai đoạn năm 2017-2020 và đạt 15,5 nghìn tỷ USD vào năm 2024, gần gấp đôi so với mức 8,2 nghìn tỷ USD vào năm 2016.

Nhưng để có được mức tăng trưởng lớn hơn, ngành logistics của Việt Nam phải giải quyết được 5 thách thức cơ bản, về sự kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao, quy định khắt khe từ các thị trường quốc tế, lợi nhuận biên thấp, quy trình chưa hoàn thiện và quan trọng hơn là “áp lực” từ các dịch vụ dựa trên thương mại điện tử.

Bây giờ, các dịch vụ dựa trên thương mại điện tử một mặt là động lực thúc đẩy sự đổi mới của lĩnh vực logistics, nhưng mặt khác lại là thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn khó lường.

Theo Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2017, sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử và ngành công nghiệp tự động hóa là những yếu tố chính thúc đẩy thị trường logistics toàn cầu đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ USD/năm trong hai năm gần đây, tương đương khoảng 11% GDP thế giới, riêng năm 2017 giá trị thị trường ước đạt khoảng 9 nghìn tỷ USD.

Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đang nỗ lực tạo liên kết chéo giữa ngành logistics với công nghệ blockchain. Nhưng ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM, đã kêu gọi sự thay đổi trong nội tại ngành logistics để thích ứng với những thay đổi trong các ngành mà nó phục vụ.

Một hành lang pháp lý cho ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam, Chủ tịch VECOM cho là “quan trọng hơn cả”, ngay cả khi các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa chú trọng ứng dụng công nghệ cao.

Theo Báo Nhịp cầu đầu tư
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com