Toàn cảnh hội thảo
Chiều 7/6, Bộ TT&TT đã tổ chức hội thảo chuyên ngành về công nghệ Blockchain dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước.
Bàn về kinh tế Blockchain, Tiến sĩ Trần Minh, Viện trưởng Viện công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam cho biết: Là công nghệ đang phát triển, Blockchain sẽ còn thâm nhập sâu rộng vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, đời sống xã hội,..cả ở khu vực công và tư thì dưới góc độ quốc gia cầ có chính sách uyển chuyển phù hợp nhằm mục đích phát huy các lợi thế và giảm thiểu các rủi ro của Blockchain.
Việt Nam không thể đứng ngoài và là nước hoàn toàn có thể đi tiên phong trong thế giới trong lĩnh vực thiết lập cơ sở hạ tầng Blockchain và công nghệ này có thể là một hướng đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để chúng ta có thể bứt phá ngoạn mục.
Theo đó, ông Trần Minh cũng đề xuất, Bộ TT&TT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước nên sớm thành lập Ban công tác Blockchain để quy tụ các chuyên gia nhằm mục đích tổ chức các công việc như: Nâng cao nhận thức về Blockchain; lập tổ “Sandbox” (hộp cát điều chỉnh luật lệ) để thu thập thông tin về các dự án phát triển hoặc các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài trên nền Blockchain tại Việt Nam nhằm mục đích hướng dẫn về luật lệ hiện hành có liên quan tới Blockchain; Tham mưu cho Bộ hoặc Chính phủ xác nhận các thành phần chưa cấm và an toàn của ác dự án Blockchain dưới dạng thẩm định quốc gia về Blockchain. Đồng thời, có những khuyến cáo để các đơn vị có các ứng xử phù hợp và chuẩn mực đối với những nội dung có thể nhạy cảm hoặc chưa lường được hết các tác động tiêu cực khi vận hành.
Nghiên cứu mô hình quản lý Nhà nước đối với Blockchain tại Việt Nam để có thể tham vấn cho các ngành khác nhằm mục tiêu xây dựng dự thảo khung khổ chính sách quản lý quốc gia về Blockchain.
Tham dự hội thảo, đại diện VNPT cũng chia sẻ: Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông - CNTT, VNPT cũng đã đưa ra những lộ trình đầu tiên cho việc phát triển công nghệ Blockchain. Trong đó, nhấn mạnh đến hàng loạt các ứng dụng đang được nghiên cứu triển khai cho các dịch vụ IT của VNPT như Chính quyền điện tử, y tế, giáo dục hay nông nghiệp
Đại diện Cục Tin học hóa cũng đưa ra nhận định, nhiều đơn vị của Bộ đang quan tâm đến blockchain là một điều đáng mừng vì sẽ có một đội ngũ chuyên gia đến từ nhiều đơn vị chức năng của Bộ có những hiểu biết chuyên sâu về công nghệ này. Một điều đáng mừng nữa là Tập đoàn VNPT đã thực sự có những giải pháp CNTT liên quan đến blockchain. Điều đó chứng tỏ công nghệ blockchain đã thực sự tác động đến một số lĩnh vực kinh tế xã hội, không chỉ là ở trên giấy.
Vị đại diện này nhấn mạnh, Blockchain hiện đang là vấn đề được xã hội và nhiều bộ ngành quan tâm, trong đó có Bộ Công thương, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính. Do đó, Bộ TT&TT cần nhanh chóng thể hiện quan điểm, ý kiến của mình trong vấn đề này vì đây chính là là lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: Blockchain hiện đang là trào lưu và được nhắc đến nhiều tại Việt Nam nhưng lại chủ yếu liên quan đến tiền mã hóa. Tuy nhiên, điều mà Bộ TT&TT và các doanh nghiệp trong ngành quan tâm đó là làm thế nào để các lợi thế của Blockchain có thể trở thành các dịch vụ và cần những điều kiện gì để có thể triển khai Blockchain ứng dụng trong các dịch vụ. Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, các điều kiện về pháp lý, môi trường rất quan trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá, báo cáo VNPT rất khả thi trong bối cảnh VNPT đang là đối tác của nhiều bệnh viện, trường học trên cả nước. Những gợi ý, đề xuất của VNPT trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử sẽ được áp dụng ở khâu nào cũng cần được bàn thảo thêm, sau đó tập hợp các ý kiến để bàn thảo đến các vấn đề và đưa ra các đề xuất, tham mưu.
Theo Ictnews
Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews Địa chỉ: Bangkok-Thailand Email: vglobalnews@gmail.com |