Toggle navigation
Phẩm giá của điểm thi
24/07/2018 | 09:03 GMT+7
Chia sẻ :
Điểm có thể được sửa, mà cũng có thể bị sửa. Được sửa là trường hợp ở Hà Giang, còn bị sửa là trường hợp của tôi, khi tôi còn học Lớp 8 chuyên văn của tỉnh Nghệ An năm 1971.

Thời đó do chiến tranh, nên lớp chuyên văn của tỉnh được đặt trong Trường cấp 3 Nghi Lộc 1 chứ không phải là một lớp trong trường chuyên Phan Bội Châu như bây giờ. Bài thi học kỳ về môn văn của chúng tôi đã được chuyển cho các giáo viên dạy văn các lớp không chuyên chấm.

Tôi đã được chấm điểm rất cao. Tuy nhiên, khi bài thi được trả về cho thầy giáo dạy văn của lớp Nguyễn Huy Tý - đồng thời là giáo viên chủ nhiệm của lớp - điểm thi của tôi đã bị sửa thấp xuống. Lý do là vì những tiêu chuẩn khắt khe hơn đã được thầy áp đặt cho các học sinh lớp chuyên văn. Cho dù làm như thì thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích của lớp chuyên mà thầy đang dạy.

Thầy của tôi không còn nữa, nhưng những chuẩn mực về sự chính tắc, về danh dự và phẩm giá vẫn còn dìu tôi đi trên mỗi bước đường đời.


Tác giả: Nguyễn Sĩ Dũng- Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Trường hợp của Hà Giang, và có thể không chỉ của Hà Giang, thì lại khác. Việc sửa điểm không phải là đòi hỏi của sự chính tắc, mà ngược lại là của sự gian dối để trục lợi, để cướp đi cơ hội của những học sinh xứng đáng hơn. Phẩm giá của cả người sửa điểm và người chấp nhận được sửa điểm có vẻ đều đang có vấn đề.

Tính vụ lợi của người sửa điểm là quá rõ, khi được sửa điểm là con cháu của lãnh đạo tỉnh hoặc người thân trong gia đình. Cơ quan điều tra rồi sẽ làm rõ những ai đứng đằng sau hành động xấu xa này. Tuy nhiên, thuyết âm mưu chắc chắn sẽ không giúp gì được cho việc cứu vãn danh dự của những lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Sự trung thực mới là cách hành xử đúng đắn hơn ở đây. Cho dù không phải trong bất cứ trường hợp nào sự trung thực cũng có thể phục hồi nguyên vẹn danh dự cho một vị lãnh đạo, thì đó vẫn là cách đáng tin cậy nhất để thanh danh không tiếp tục bị hủy hoại thêm.

Cũng tương tự, gợi ý “sẽ khởi kiện báo nào nói các chiến sĩ có học lực trung bình” của chỉ huy đơn vị sẽ không giúp gì được cho việc xóa bỏ dị nghị của công chúng và việc bảo vệ danh dự của của 35 chiến sĩ cảnh sát cơ động K20 dự thi năm nay. Cái có thể bảo vệ danh dự của họ chính là việc dám yêu cầu cho thi lại để chứng minh trình độ có thật của mình. Nếu không có điều kiện làm việc này, thì cách tốt hơn là giữ thái độ bình tĩnh và thiện chí đối với công luận, khi vụ việc đang được thanh tra.

Điểm làm sao quan trọng hơn so với sự trung thực và phẩm hạnh của một con người! Nếu bài làm của các em chỉ đáng một điểm thì có sửa lên thành 9,5 điểm, cái các em có thật ở trong đầu vẫn chỉ là ở mức một điểm mà thôi. Cái các em đã mất đi sẽ lớn đến vô cùng. Các em đã bị phá hỏng mất nền tảng đạo đức để trở thành những con người tử tế.  Chấp nhận vào đời bằng một sự giả dối, bằng việc giành mất cơ hội của những bạn học xứng đáng hơn gần như sẽ làm cho các em đi lạc mất lối. Bởi vì cuộc sống và sự trưởng thành chỉ là một chuỗi của những lựa chọn đạo đức.

Hội chứng sửa điểm cho thấy không chỉ những vấn đề về đạo đức, mà cả những vấn đề về quản trị. Vấn đề nghiêm trọng nhất là sự tha hóa quyền lực ở một số địa phương. Sự tha hóa này xảy ra là vì cơ chế giám sát quyền lực ở địa phương rất yếu. Thực tế cho thấy các cơ quan nhà nước ở địa phương là không thể kiểm soát lẫn nhau. Có chia ra thành Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, thì quyền lực thực tế vẫn nằm ở trong tay Thường vụ Tỉnh ủy. Mọi chuyện đều được quyết định ở đây, nhưng mọi chuyện đều không nhất thiết phải công khai từ đây. Sự khép kín đã tạo điều kiện cho lợi ích nhóm và chủ nghĩa thân hữu bùng phát ở rất nhiều nơi.

Bên cạnh chủ trương luân chuyển bí thư tỉnh ủy, một giải pháp chính sách rất quan trọng để chống lại lợi ích nhóm và chủ nghĩa thân hữu, Trung ương cũng nên cân nhắc thật kỹ việc phân quyền cho địa phương. Đã phân quyền thì đồng thời cũng phải thiết kế được cơ chế để giám sát quyền lực. Chính việc phân quyền tổ chức kỳ thi quốc gia hàng năm cho địa phương, nhưng lại không có cơ chế giám sát hữu hiệu đã dẫn đến sự bùng phát của hội chứng sửa điểm rất đáng thất vọng hiện nay.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã không muốn phân quyền tổ chức kỳ thi quốc gia cho địa phương. Rất tiếc, ông đã không thuyết phục được Chính phủ trong vấn đề này.

Theo Nguyễn Sĩ Dũng- Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Vnexpress
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com