Toggle navigation
Nguồn lực to lớn của kiều bào
03/01/2019 | 09:57 GMT+7
Chia sẻ :
Đầu tư thành công về nước, nhiều kiều bào chia sẻ, thời gian gần đây cùng với việc mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách thủ tục hành chính, việc đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam của các kiều bào đã dễ dàng hơn rất nhiều. Bởi vậy, kiều bào dù ở đâu vẫn luôn cố gắng đóng góp vào sự phát triển của nước nhà, sẵn sàng trở thành những đại sứ kinh tế của Việt Nam...

Peter Hồng, kiều bào Australia - người rất thành công trong mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Nguồn kiều hối vẫn tăng

Cho đến thời điểm này, gần cuối năm 2018, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam vẫn tăng bất chấp tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, ước tính, nguồn kiều hối về Việt Nam vẫn tăng trong 10 tháng đầu năm 2018. Tính riêng, TP Hồ Chí Minh đạt 3,8 tỷ USD, tăng đáng kể so mức 2,9 tỷ USD vào cuối tháng 7-2018. Con số này vượt qua mọi dự báo, thể hiện niềm tin của kiều bào vào môi trường kinh doanh, đầu tư trong nước, trở thành nguồn lực quan trọng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) từ năm 2006 đến năm 2017, kiều hối chảy về Việt Nam chiếm 6-8% GDP mỗi năm, cao hơn các nước phát triển khác. Kiều hối đã góp phần hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, làm tăng dự trữ ngoại hối và cân đối cán cân vãng lai của đất nước. Lượng kiều hối chủ yếu từ người Việt Nam đang định cư ở các nước như: Mỹ, Canada, Đức và Pháp gửi về nước đóng góp tới 80-90% tổng kiều hối. Và Việt Nam đứng thứ 10 thế giới về tiếp nhận kiều hối. 

Theo đại diện Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), hiện nay, kiều hối chuyển về nước không chỉ nhằm hỗ trợ thân nhân, gia đình, mà phần lớn để đầu tư. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiện nay rất đông, trong đó có nhiều doanh nhân thành đạt, có uy tín và mối quan hệ làm ăn với nhiều đối tác ở nước sở tại. Bên cạnh đó, kiều bào ta ở nước ngoài còn có một lực lượng lao động trẻ tay nghề cao, thuộc thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3. Đây chính là nguồn lực tiềm năng đối với kinh tế của Việt Nam khi kiều bào tăng cường đầu tư về nước. 

Kiều hối chuyển về nước tăng hay giảm thường phụ thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô, tình hình của người lao động ở nước ngoài, các dịch vụ thu hút kiều hối... Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, sự linh hoạt của điều hành chính sách tiền tệ và cơ chế tỷ giá mới của NHNN thời gian gần đây đã hấp dẫn kiều hối chuyển về nước. Ngoài ra, khi thành đạt ở nước ngoài, nhiều kiều bào mong muốn được đóng góp cho quê hương và lựa chọn quay trở về Việt Nam để khởi nghiệp. Bằng những vốn kiến thức tích lũy sau nhiều năm sống và học tập tại các nước phát triển, kiều bào chính là những người đem công nghệ tiên tiến và hiện đại về ứng dụng tại các doanh nghiệp của mình tại Việt Nam, để tạo ra những giá trị cao cho thị trường trong nước.

Những doanh nhân kiều bào

TPHCM thời gian qua đang là điểm đến của rất nhiều kiều bào và thành phố cũng đang tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho kiều bào đầu tư, khởi nghiệp. Theo thống kê, hiện có hơn 900 doanh nghiệp có vốn của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư với tổng số vốn điều lệ gần 40.000 tỷ đồng, tương đương 1,8 tỷ USD. Thành phố cũng có hơn 120 dự án đầu tư nước ngoài của kiều bào, với tổng vốn 260 triệu USD được phép hoạt động theo hình thức đầu tư nước ngoài. Các dự án của kiều bào tập trung vào các lĩnh vực như đầu tư xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường, trung tâm thương mại… và những mô hình khởi nghiệp rất mới mẻ. 

Thống kê cho thấy, bình quân mỗi năm TPHCM đón khoảng 30.000 bạn trẻ người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, tìm hiểu cơ hội kinh doanh cũng như bắt đầu xây dựng sự nghiệp của mình. Chỉ tính trong vòng 3 năm gần đây, TPHCM đã có sự xuất hiện của hàng trăm mô hình khởi nghiệp do các Việt kiều trẻ tuổi khởi xướng và đầu tư. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã rất thành công trên thị trường như mô hình hỗ trợ du lịch trực tuyến Christinas của Thu Nguyễn (Việt kiều Mỹ); ứng dụng WisePass của Lam Tran (Việt kiều Pháp) và mô hình khởi nghiệp với thương hiệu nệm Foam chất lượng cao  của cặp vợ chồng Trang Đặng và Vinh Nguyễn (Việt kiều  Australia)...

Trong các mô hình đầu tư của kiều bào tại TPHCM có lẽ không thể không kể đến  Peter Hồng, kiều bào Australia. Ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện mô hình trồng rau sạch, ông đã xác định hướng phát triển xuyên suốt là phải sử dụng công nghệ, quy trình hiện đại, chặt chẽ. Từ máng trồng rau, hạt giống, hệ thống tưới, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói... rau đều được nhập về từ các nước tiên tiến và có chất lượng tốt. Tất cả rau, quả đều được trồng trong nhà kín để phòng tránh côn trùng; không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng. 

Theo chia sẻ của ông, mức đầu tư cho một mẫu (hécta) trồng rau sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP mà đối tác ở Israel, Thái Lan, Nhật Bản chào giá khoảng 18 - 40 tỷ đồng, nhưng ông tự làm tại quận 2 (TPHCM) chỉ hết 8,5 tỷ đồng. Quá trình làm Peter Hồng nhận ra đầu tư trồng rau theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở Việt Nam là rẻ nhất và lời rất nhiều. Theo tính toán của ông, 5.000m² rau sạch thủy canh ở quận 2 mỗi tháng cho thu hoạch khoảng 7 tấn rau, bán với giá 120.000 đồng/kg trong khi đó vốn bỏ ra rất ít nên chỉ một thời gian ngắn ông đã hoàn vốn.

Ngoài việc phát triển trồng rau thủy canh, Peter Hồng cùng cộng sự còn đầu tư nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều thiết bị, vật dụng cho công nghệ trồng rau thủy canh nhà kín và ông luôn mong muốn hợp tác, chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân, các hợp tác xã tại nhiều địa phương. 

Tại Công viên phần mềm Quang Trung (TPHCM) thời gian qua cũng có rất nhiều những tên tuổi kiều bào như ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Việt kiều Australia, Tổng giám đốc Công ty SMS; ông Nguyễn Ngọc Thịnh- Việt kiều Mỹ, Tổng giám đốc công ty InfoNam; ông Mitchell Phạm, Việt kiều ở New Zealand với Tập đoàn viễn thông Augen Sofware Solutions... Và một tên tuổi không thể không kể đến đó chính là Tiến sỹ Ngô Đức Chí, Việt kiều ở Bỉ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Global CyberSoft (Việt Nam). Global CyberSoft  có trụ sở chính tại Mỹ và các chi nhánh, văn phòng đại diện tại Nhật và châu Âu. Tại thị trường Việt Nam, Global CyberSoft đang là một trong những nhà cung cấp dịch vụ gia công phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin và tích hợp hệ thống hàng đầu.

Thời gian qua Nhà nước đã rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài như: Luật Quốc tịch, đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, pháp lệnh về ngoại hối… theo hướng ngày càng thông thoáng và thuận lợi hơn cho kiều bào, góp phần tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước. Bởi vậy, cùng với các doanh nhân, ngày càng nhiều các trí thức, nhà khoa học kiều bào trở về làm việc, đóng góp ý kiến cho đất nước trong các vấn đề cấp thiết như cải cách giáo dục, y tế, tái cơ cấu kinh tế, năng lượng sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông…Ước tính mỗi năm có khoảng 300 lượt chuyên gia kiều bào về nước, trong đó 55% về làm việc với các cơ quan nhà nước và 45% làm việc với các cơ quan giảng dạy và nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản.  

Trung bình mỗi năm TPHCM đón khoảng 30.000 bạn trẻ người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, tìm hiểu cơ hội kinh doanh cũng như bắt đầu xây dựng sự nghiệp của mình. Thời gian qua Nhà nước đã rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài như: Luật Quốc tịch, đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, pháp lệnh về ngoại hối… theo hướng ngày càng thông thoáng và thuận lợi hơn cho kiều bào, góp phần tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước. Bởi vậy, cùng với các doanh nhân, ngày càng nhiều các trí thức, nhà khoa học kiều bào trở về làm việc, đóng góp ý kiến cho đất nước trong các vấn đề cấp thiết như cải cách giáo dục, y tế, tái cơ cấu kinh tế, năng lượng sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông…

Theo Ngọc Hà
Đại đoàn kết
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com